Cục Xuất bản yêu cầu rà soát toàn bộ từ điển

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ sự việc cuốn từ điển tiếng Việt nhiều sai lệch của Vũ Chất vẫn được sử dụng, Cục Xuất bản yêu cầu các nhà xuất bản rà soát toàn bộ các từ điển đã phát hành.
Cục Xuất bản yêu cầu rà soát toàn bộ từ điển
Cục Xuất bản yêu cầu rà soát lại toàn bộ các cuốn từ điển đã phát hành trên thị trường.

Sáng 21/10, Cục Xuất bản, In và Phát hành (gọi tắt là Cục Xuất bản) đã có cuộc gặp gỡ báo chí để giải đáp thắc mắc quanh việc cuốn từ điển nhiều sai lệch của Vũ Chất được sử dụng.

Sau thời gian thẩm định, thu thập tài liệu, chứng cứ, Cục Xuất bản có quyết định thu hồi với các cuốn Từ điển tiếng Việt, Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất. Đồng thời, Cục căn cứ vào hồ sơ giải trình của NXB Trẻ và NXB Thanh Niên xác định hai đơn vị này đã bị mạo danh trong việc phát hành xuất bản cuốn từ điển của Vũ Chất. Đối với hai đầu sách của NXB Hồng Đức và NXB Văn hóa - Thông tin, Cục chuyển toàn bộ hồ sơ tới cơ quan thanh tra của Bộ Thông tin Truyền thông để xem xét, xử lý.

Từ sự việc cuốn từ điển của Vũ Chất, Cục có công văn yêu cầu tất cả nhà xuất bản trên cả nước chủ động rà soát những cuốn từ điển đã phát hành và cả bản thảo đang trong quá trình xuất bản. Quá trình xuất bản các loại từ điển cần có sự thẩm định nội dung của các hội đồng khoa học chuyên ngành.

Cục quy trách nhiệm phát hành từ điển sai lệch cho các nhà xuất bản, đồng thời nêu ra nguyên nhân dẫn tới những sai sót: "Theo điều 18 Luật Xuất bản 2012, giám đốc, tổng giám đốc các nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước Pháp Luật và cơ quản chủ quản về xuất bản phẩm của mình. Sai sót của từ điển thể hiện việc thực hiện không nghiêm túc của các nhà xuất bản, cụ thể là quy trình biên tập, đọc duyệt nội dung trước khi ký quyết định xuất bản. Các nhà xuất bản đã buông lỏng quản lý".

Về hướng xử lý với tình hình sách lậu, mạo danh, bà Mai Thị Hương - Trưởng phòng Quản lý Xuất bản của Cục - nói: "Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan an ninh văn hóa, cơ quan quản lý thị trường để xử lý tốt hơn việc mạo danh. Thời gian tới, công tác thanh tra, kiểm tra của Cục với các xuất bản phẩm sai phạm sẽ được làm kiên quyết, triệt để". Sắp tới, Bộ Thông tin Truyền Thông sẽ ra thông tư (đang trong quá trình soạn thảo) xử lý cụ thể với từng mức độ sai phạm. Trong đó, đối tác liên kết xuất bản cũng phải chịu trách nhiệm trước Pháp Luật.

Mỗi năm, Cục Xuất bản đọc hậu kiểm chưa tới nửa số sách lưu chiểu. Trong ảnh: Bà Mai Thị Hương giới thiệu tổ cộng tác viên đọc hậu kiểm của phòng Quản lý Xuất bản.

Bà Mai Thị Hương cho biết mỗi năm Cục tiếp nhận từ 28.000 tới 30.000 đầu sách phát hành, đó là chưa kể các xuất bản phẩm văn hóa. Trong khi, phòng Quản lý Xuất bản chỉ có 10 người kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, nên không thể đọc kiểm duyệt hết các cuốn sách có trên thị trường. Ngoài ra, để thực hiện phần việc này, phòng có một tổ cộng tác viên gồm 12 người là các Giáo sư, Tiến sĩ, người có kinh nghiệm làm xuất bản, biên tập lâu năm. Tuy nhiên, bà Hương cũng tiết lộ, số sách mà Cục đọc hậu kiểm khó lòng đạt được 50% tổng số đầu sách nộp lưu chiểu.

Đối với việc kiểm tra nội dung xuất bản phẩm, Cục làm công tác hậu kiểm và xử lý sai phạm thường xuyên. Năm 2013, Cục đã xử lý hơn 224 xuất bản phẩm và riêng 9 tháng đầu năm nay Cục xử lý gần 79 trường hợp vi phạm. Trước câu hỏi tại sao Cục không công bố các xuất bản phẩm bị xử lý để đông đảo công chúng biết mà tránh, bà Hương nói: "Không phải trường hợp nào chúng tôi cũng công bố rộng rãi, bởi đã có nhiều cuốn sách sau khi có quyết định thu hồi lại gây sự tò mò khiến nhiều người tìm mua hoặc photo để đọc, như vậy lại gây tác dụng ngược. Nhiều cuốn sách chúng tôi chỉ ra công văn yêu cầu và thầm lặng thu hồi, tiêu hủy".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật