Ngoại giao kiểu Azerbaijan

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Được phân công theo dõi và phản ánh các hoạt động của Đại sứ quán Azerbaijan một thời gian, tôi vẫn không khỏi bất ngờ.
Ngoại giao kiểu Azerbaijan
Đoàn người Việt Nam cầm cờ và giăng cờ Azerbaijan chụp ảnh lưu niệm tại Ao Vua, Ba Vì

Nhân dịp kỷ niệm 23 năm ngày Độc lập của Cộng hòa Azerbaijan, tôi được Đại sứ quán nước này tại Hà Nội mời tham dự sự kiện “Khám phá Azerbaijan” tại vùng núi Ba Vì (ngoại thành Hà Nội). Sáng 18/10, từ trụ sở Đại sứ quán tại phố Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, các vị khách chúng tôi xuất phát trên 2 chiếc xe du lịch loại lớn. Trên xe gồm chủ yếu các bạn sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, ngoài ra có thêm một số giảng viên, cán bộ Đoàn Thanh niên, Bộ Ngoại giao, Trung tâm Nghiên cứu Azerbaijan, cùng một vài nhà báo.

Gần 11h, chúng tôi tới nơi là khu du lịch Ao Vua. Ông lãnh sự kiêm tùy viên Aslanov (thuộc thế hệ 8x) thông báo mọi người được tự do tản bộ trong khoảng 40 phút trước khi tập trung vào lúc 11h30.

Đến đúng giờ, mọi người tập hợp lại. Đại diện Đại sứ quán phát quốc kỳ Azerbaijan, gồm một lá to và nhiều lá bé cầm tay, cho mọi người trong đoàn, rồi hướng dẫn tiến về phía chân núi để chụp hình cảnh mọi người đang giăng cờ và vẫy cờ Azerbaijan.

Sau đó, mọi người lục tục kéo lên Hội trường của Khu du lịch Ao Vua. Sau khi ổn định mọi thứ, phải đến tầm hơn 12h trưa, bài diễn văn chào mừng của ngài Đại sứ Anar Imanov mới bắt đầu.

Bất ngờ đầu tiên của tôi là độ dài của bài phát biểu. Theo lịch trình là nửa tiếng nhưng trên thực tế ngài đại sứ đã nói vo liên tục trong 1 tiếng rưỡi, đến tầm 13h45 gì đó thì kết thúc. Tuy nhiên, các bạn sinh viên – toàn các bạn ưu tú ham hiểu biết được chọn lựa cho chuyến đi – đều chăm chú lắng nghe trong quãng thời gian đó. Có lẽ không gian yên tĩnh và mát mẻ của núi Tản Viên giúp tăng thêm sự tập trung cho các bạn.

Bất ngờ thứ 2 là nội dung bài phát biểu “chào mừng”. Phần lớn là về chính trị của Azerbaijan và những nỗi “bức xúc” của quốc gia này, liên quan đến vấn đề chủ quyền và độc lập dân tộc. Đến chiều, trong phần thi đố có thưởng (quiz), các nội dung chính trị của bài phát biểu này cũng được lồng ghép vào các câu hỏi của ban giám khảo.

Đại sứ Azerbaijan, Anar Imanov, say sưa thuyết trình về lịch sử Azerbaijan

Ngẫm lại thì thấy Đại sứ quán Azerbaijan rất nhất quán trong việc quảng bá, tuyên truyền về lợi ích quốc gia của mình. Mới mở ở Hà Nội vào cuối năm 2013 nhưng gần như trong mọi sự kiện do mình tổ chức, Đại sứ quán đều cố gắng trình bày về các vấn đề như tranh chấp lãnh thổ giữa Azerbaijan và Armenia (theo Đại sứ Azerbaijan Imanov, Armenia đã chiếm đóng trái phép một vùng lãnh thổ rộng lớn ngay trong lòng Azerbaijan) hay một bản sắc Azerbaijan riêng bên cạnh một nước Nga rộng lớn và hùng cường…

Lần này cũng vậy. Ngài Imanov đã phát biểu say sưa về lịch sử Azerbaijan từ năm 1918, về những nỗi “ấm ức” của quốc gia này khi bị chèn ép từ bên ngoài, về những “thiệt thòi” so với các nước cộng hòa khác trong ngôi nhà chung Liên Xô cũ (như “đóng góp nhiều hơn là nhận”), và về khát khao được đứng riêng hồi thập niên 1990.

Trong phát biểu của mình, như để lôi cuốn các cử tọa Việt, ngài Đại sứ đưa ra một nhận xét hết sức đáng giá. Ông nói, những người cộn‌g sả‌n Việt Nam đã đi đầu trong việc đoàn kết toàn thể dân tộc Việt Nam chống lại ngoại xâm, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc mình.

Bên cạnh đó, như các lần trước, ngài đại sứ còn cho trình chiếu các đoạn video với nội dung “đặc biệt”, trong đó có những hình ảnh xung đột đẫm máu với nước láng giềng Armenia.

Với tư cách là nhà báo, tôi không bình luận gì về các vấn đề chính trị nhạ‌y cả‌m và phức tạp của Azerbaijan. Dẫu vậy, tôi vẫn phải thừa nhận một điều, Azerbaijan nằm ở vị trí chiến lược bên bờ tây Biển Caspian, cách không xa điểm nóng Syria-Iraq hiện nay, đồng thời tiếp giáp với nhiều nước “có tiếng” trên bản đồ chính trị thế giới: Nước Nga khổng lồ ở phía bắc, Gruzia về phía tây bắc, Armenia về phía tây, Iran ở mạn nam, và Thổ Nhĩ Kỳ ở góc tây nam. Và tất nhiên, Azerbaijan có trữ lượng dầu khí lớn - chả thế mà thời Thế chiến 2, trùm phá‌t xí‌t Hitler từng quyết tâm đưa quân xuống đây hòng làm kiệt quệ Liên Xô về mặt năng lượng.

Từ cách tiếp cận của Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam, tôi chợt liên tưởng đến trường hợp nước mình, đến việc tuyên truyền ở nước ngoài về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa. Được biết, một số đại sứ Việt Nam, như Đại sứ Nguyễn Thế Cường ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực và xông xáo tiếp cận người dân bản địa để giải thích về chủ quyền của chúng ta…

Trở lại cuộc thi quiz, một nét riêng của cuộc thi này (cũng như toàn chuyến đi) là sử dụng tiếng Anh làm phương tiện giao tế chính, do lịch trình làm việc khá dày và ngài đại sứ không muốn mất thời gian cho mảng phiên dịch. Vì thế các bạn sinh viên được lựa chọn tham gia chương trình đều có kỹ năng tiếng Anh tốt, giao lưu và đối đáp trôi chảy bằng ngôn ngữ quốc tế này với đại diện Đại sứ quán.

Các bạn sinh viên đại học tại Hà Nội ngồi thành các nhóm để tham gia quiz về AzerbaijanCó lẽ làm ngoại giao ở nước nào thì biết thổ ngữ ở đó luôn là một lợi thế. Nhưng trong bối cảnh hai nước mới tăng cường trở lại quan hệ ngoại giao song phương (hiện ở Azerbaijan, cộng đồng người Việt mới có khoảng 10 kiều dân và 30 sinh viên du học, còn số người Azerbaijan biết tiếng Việt chắc chưa nhiều) và tiếng Anh bắt đầu có chỗ đứng nhất định trong một Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì Đại sứ quán Azerbaijan đã biết triệt để nắm lấy thứ tiếng này làm phương tiện hữu hiện để tương tác và tuyên truyền.

Trong buổi thi quiz chiều 18/10, ban giám khảo gồm 3 nhân viên Đại sứ quán, trong đó “trưởng ban” là ngài đại sứ - ông vừa đưa ra câu hỏi, vừa nhận xét, phản biện, xác định ai có nhiều câu trả lời đúng nhất, thứ nhì, ba…

Các bạn sinh viên được chia thành 11 đội ngồi ở 11 bàn tròn, mỗi bàn ứng với một thành phố ở Azerbaijan. Mọi người được phép truy cập internet (qua máy tính bảng hoặc điện thoại di động) để tìm thông tin giới thiệu về các địa danh đó và trả lời các câu hỏi khác của giám khảo. Người trình bày được yêu cầu phải diễn đạt lại bằng ngôn ngữ của mình (có sự phân tích nhất định), không được cầm nguyên iPad hay di động lên để đọc nguyên xi.

Không khí thi thố diễn ra khá sôi nổi, khi các đội nỗ lực trả lời nhanh nhất và nhiều nhất. Giữa không gian của núi Tản Viên xưa, các bạn trẻ Việt Nam hăng say nói bằng tiếng Anh về các cột mốc trong lịch sử Azerbaijan, về các màu (và ý nghĩa của nó) trên quốc kỳ Azerbaijan, về thể chế chính trị hiện tại của nước này, về cả các chi tiết nhạ‌y cả‌m trong nền chính trị và mối quan hệ quốc tế của quốc gia lớn nhất vùng Nam Kavkaz…

Kết quả, đội mang tên Guba giành giải quán quân. Một thành viên của nhóm này, bạn Trần Thị Phương Thảo, cũng giành được giải cá nhân với 5 câu trả lời đúng (cao nhất). Thảo, từng đoạt giải trong cuộc thi viết tiểu luận tiếng Anh về Azerbaijan năm 2014, được chọn phần thưởng là suất khuyến mãi tại nhà hàng cao cấp Beirut ở Hà Nội. Bạn đứng thứ nhì (với 4 câu trả lời đúng) chọn phần thưởng là dịch vụ phòng ốc ở Khách sạn Nha Trang. Ngoài ra còn nhiều bạn sinh viên nữa được nhận các phần quà mà Đại sứ quán Azerbaijan đã cố gắng “đầu tư” hoặc kêu gọi các nhà tài trợ.

Phu nhân Đại sứ Azerbajan (cầm micro, tận cùng bên phải) tham gia chế biến và giới thiệu ẩm thực AzerbaijanTrong buổi giao lưu, Đại sứ Imanov cho biết, trong năm 2015 họ sẽ tiếp tục tổ chức cuộc thi viết tiểu luận bằng tiếng Anh về Azerbajan, trong đó những người đoạt giải sẽ có cơ hội sang sống trải nghiệm ở quốc gia này.

Nhân sự Đại sứ quán Azerbaijan tại Hà Nội không nhiều nhưng họ vẫn xoay sở để quảng bá trực tiếp văn hóa Azerbaijan. Đích thân phu nhân ngài Đại sứ Imanov cùng với vợ của ông tùy viên Aslanov tham gia chế biến và giới thiệu các món ăn truyền thống của Azerbaijan. Đến tối, ông Aslanov và phu nhân trong trang phục dân tộc lại lên sân khấu biểu diễn và hướng dẫn các điệu múa dân gian của quốc gia Hồi giáo này, trong khi phía dưới các bạn trẻ hào hứng tập theo. Kết thúc chuyến đi là màn múa tập thể Yalli quanh ngọn lửa trại. Khác với vẻ nghiêm trang mọi khi, ngài Đại sứ Imanov đã hòa vào các vị khách trong đoàn chạy nhảy tưng bừng quanh ngọn lửa hồng.

Sự nhiệt tình đó của ngài Đại sứ ít nhiều phản ánh chính sách ngoại giao của Azerbaijan đối với Việt Nam, một đất nước có vị trí trọng yếu ở Đông Nam Á. Không phải ngẫu nhiên, dù Azerbaijan không thuộc hàng các nước lớn trên thế giới nhưng họ lại đầu tư hẳn một khoảnh đất riêng có vị trí đẹp ở khu vực trung tâm chính trị của Hà Nội làm đại sứ quán, trong khi nhiều quốc gia khác gần Việt Nam hơn hoặc thuộc diện cường quốc trên thế giới nhưng chỉ dừng lại ở việc sử dụng văn phòng cho thuê (chung địa chỉ với nhiều công ty nước ngoài khác) làm đại sứ quán nước mình tại Việt Nam


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật