Chủ nhiệm UB Kinh tế QH: Đã có doanh nghiệp lớn phải đóng cửa

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bắt đầu xuất hiện cả những doanh nghiệp lớn cũng phải đóng cửa trong số hơn 70.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động 9 tháng đầu năm.
Chủ nhiệm UB Kinh tế QH: Đã có doanh nghiệp lớn phải đóng cửa
Ảnh minh họa

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp cùng với tình hình kinh tế – xã hội trong nước, nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nước ta đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Tổng cầu suy giảm, chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013. Số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn. Tính chung 9 đầu năm 2014, số doanh nghiệp thành lập mới là 52.525, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 18.873. Có 213 nghìn doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai. Số nợ thuế khó thu tăng 7,3% so với cuối năm 2013.

Điều khiến Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lo ngại, khác với năm trước đến giờ không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ thay nhau ”chết”, mà giờ ngay cả những doanh nghiệp quy mô trung bình, doanh nghiệp quy mô lớn đã phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động.

Dù không tiết lộ danh tính doanh nghiệp lớn đóng cửa, song ông Giàu e ngại, điều này sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng tội phạm kinh tế. Nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Năng suất lao động xã hội thấp và có xu hướng tăng chậm lại.

"Thực trạng nền kinh tế và tình hình doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và số liệu liên quan đến việc làm, thất nghiệp không có biến động lớn là chưa phản ánh đúng thực tế. Cần đánh giá thực chất hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, khó khăn của các doanh nghiệp với chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp”- báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ.

Ngoài ra, một số ngành có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước như khí thiên nhiên, bia, xi măng có sản lượng sản xuất tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ như than, khí hóa lỏng, thu‌ốc l‌á, xe máy...

Về một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu lưu ý, cân đối ngân sách nhà nước rất khó khăn, đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công; huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho năm nay mà sẽ không đủ vốn đầu tư bố trí phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo.

Tỷ lệ bội chi ngân sách bình quân từ năm 2011-2014 khoảng 5% GDP chưa bao gồm trái phiếu Chính phủ, còn nếu cộng với khoản 85.000 tỷ trái phiếu Chính phủ thì mức bội chi đã lên tới hơn 7% GDP, là quá cao so với chỉ tiêu Quốc hội đến cuối năm 2015 đạt dưới 4,5% GDP (bao gồm cả trái phiếu Chính phủ).

Để đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế đề ra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất, tốc độ tăng chỉ số CPI nên giữ theo Nghị quyết về kế hoạch 5 năm của Quốc hội, khoảng 5-7% để tạo điều kiện linh hoạt các chính sách hỗ trợ tăng trưởng và việc làm.

Bên cạnh đó, bội chi ngân sách Nhà nước nếu tính cả trái phiếu Chính phủ nên phấn đấu đạt khoảng 6% GDP, thay vì mức trên 7% như hiện nay.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, ngoài các chỉ tiêu cụ thể, Chính phủ phải đẩy mạnh thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Có giải pháp về thuế, lãi suất, hấp thụ vốn tín dụng đủ mạnh và thanh toán nợ đọng của các dự án sử dụng nguồn đầu tư công để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật