Phòng chống HIV/AIDS giai đoạn mới: Chống “sốc” cho người nghiện

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo lộ trình rút kinh phí tài trợ của quốc tế, năm 2018 toàn bộ nguồn kinh phí mà quốc tế viện trợ cho chiến dịch phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam sẽ bị rút hoàn toàn.
Phòng chống HIV/AIDS giai đoạn mới: Chống “sốc” cho người nghiện
bệnh nhân điều trị methadone đến uống thuốc tại khoa tham vấn cộng đồng Q.4 chiều 14/10. Ảnh: Đình Thắng

Lúc này, chúng ta hoàn toàn phải “tự lực cánh sinh” để đương đầu với đại dịch. Một trong những lo ngại là người được hưởng lợi từ chương trình này sẽ bỏ điều trị nếu phải đóng phí.

Theo ghi nhận của phóng viên Infonet, chỉ sau một thời gian ngắn sau khi quốc tế rút viện trợ, một số địa phương đã bắt đầu gặp phải những khó khăn mà giới chuyên gia từng tiên lượng.

Thạc sĩ Mai Thị Hoài Sơn, Cán bộ chương trình Methadone thuộc Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM cho biết, hiện nay tình trạng thiếu nhân sự tại các khoa tham vấn cộng đồng trên các địa bàn của thành phố HCM đang diễn ra khá nghiêm trọng. 
Trước đây, bình quân mỗi khoa tham vấn cộng đồng có trung bình từ 50 đến 60 bác sĩ, cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên hiện nay con số này đã giảm đi 3 lần.

Trao đổi với Infonet, bà Cao Kim Vân, bác sĩ điều trị tại khoa tham vấn cộng đồng Q.4 cho biết, hiện tại khoa có 17 bác sĩ, cán bộ, nhân viên. Với số lượng nhân viên như thế mà phải đảm nhận toàn bộ công việc từ điều trị bệnh nhân ARV, Methadone và xét nghiệm tự nguyện (VCT).

Trước đây, việc ai nấy làm, nhưng từ khi có quyết định về việc tinh giảm nhân sự, những người còn lại bắt đầu phải đi học thêm các khóa nghiệp vụ chuyên môn mới để gánh việc cho nhau. 

Khoa tham vấn cộng đồng Q.4 hiện chỉ có 3 tư vấn viên, trong đó mỗi tư vấn viên chịu trách nhiệm chính cho một “lĩnh vực” hoạt động. “Tưởng thế là êm xuôi, nhưng khi đi vào thực tế thì chua xót nhiều lắm, gần 1 năm nay, anh em phải thường xuyên hỗ trợ nhau”, anh Nguyễn Công Hưởng tư vấn viên thuộc khoa tham vấn cộng động Q.4 nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, khoa tham vấn cộng đồng Q.4 đang tư vấn và điều trị cho 1200 bệnh nhân ARV và 305 bệnh nhân Methadone, đồng thời, mỗi ngày tiếp đón hàng trăm lượt người đến tham gia xét nghiệm HIV tự nguyện. 

Người bệnh dù đã khá tuân thủ thời gian quy định của khoa, tuy nhiên, trên thực tế, ở đây vẫn xảy ra tình trạng thiếu người, thừa việc. “Mỗi ngày, khoa phải mở cửa từ lúc 7 giờ kém để đón bệnh nhân methadone đến uống thuốc để họ kịp giờ đi làm. Tối mịt, khi những bệnh nhân là công nhân tăng ca đến uống thuốc xong mới đóng cửa”, bà Nguyễn Thị Tâm bán nước gần khoa tham vấn cho biết.

Một trong những khó khăn mà nhiều bác sĩ trong ngành dự đoán là khi đưa ra phương thức điều trị ARV, Methadone và VCT xã hội hóa, khả năng thu tiền của người hưởng lợi là rất khó. 

“Bình thường đi hút, chích 1 ngày hết mấy trăm ngàn không sao chứ khi nói đến chuyện đóng 10.000/ngày để uống methadone hay trăm mấy làm xét nghiệm VCT là thấy khó khăn rồi”, bác sĩ Vân trăn trở. 

Theo bác sĩ Vân, việc thu tiền của bệnh nhân vốn quen với dịch vụ điều trị miễn phí từ trước đến nay là khá khó khăn. Nếu làm không khéo sẽ khiến bệnh nhân bỏ điều trị. Như vậy là đi ngược lại với những hoạch định về chiến lược phòng chống đại dịch HIV/AIDS của chính phủ.

Về việc thiếu nhân sự, các bác sĩ, cán bộ, nhân viên đang hoạt động trong lĩnh vực này cho biết, về lâu dài sẽ rất khó khăn. Còn việc điều trị xã hội hóa, thu phí điều trị đối với những người hưởng lợi, hiện nay nhiều khoa tham vấn cộng đồng đang tìm cách trao đổi, chia sẻ thông tin tới người bệnh và gia đình để tránh việc họ bị “sốc” khi phải đóng phí điều trị trong thời gian sắp tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật