Thị trường chứng khoán: Nhìn lại để bước tới…

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc trò chuyện cuối năm của Chủ tịch UBCK Vũ Bằng với phóng viên không chỉ nhuốm màu xám trong bức tranh ảm đạm của thị trường năm qua. Thẳng thắn nhìn vào những thách thức, hạn chế, câu chuyện với ông đã gợi mở hy vọng về một TTCK dày dạn, trưởng thành hơn sau những khó khăn, thử thách.
Thị trường chứng khoán: Nhìn lại để bước tới…
Chủ tịch UBCK Vũ Bằng Nguồn ảnh: cafe.vn
Nói về TTCK năm qua, điều gì khiến ông trăn trở nhất?
Có thể nói, TTCK Việt Nam trong năm qua đã trải qua hai thử thách lớn. Thứ nhất, phần lớn thời gian của năm 2008 chúng ta phải tập trung chống lạm phát, giải quyết vấn đề nhập siêu, tỷ giá. Những vấn đề này có tác động lớn đến tính ổn định kinh tế vĩ mô, tới hoạt động của các tổ chức tài chính, tín dụng và đời sống nhân dân. Những khó khăn đó đã phản ánh vào TTCK.

Không riêng chỉ số chứng khoán sụt giảm, việc huy động vốn qua TTCK cũng giảm tới 75 – 80% so với năm trước. Nhờ các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, kinh tế vĩ mô đã từng bước ổn định, thị trường đã có sự hồi phục.

Trong 2 tháng 7 – 8 và đến giữa tháng 9, luồng vốn FII có hướng tăng lên; đối với trái phiếu, lượng bán ra đã giảm mạnh.Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến tháng 11, chúng ta đã chịu ảnh hưởng mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và đó là thử thách thứ 2. Tác động của nó là khó lường và đến nay vẫn chưa có câu trả lời đến bao giờ những tác động này mới chấm dứt.

 Cho dù có những khó khăn khách quan, nhưng nhiều NĐT cho rằng, việc VN-Index giảm một mạch từ hơn 900 điểm xuống trên dưới 300 điểm trong vòng 1 năm là điều không bình thường, thưa ông?

TTCK với tư cách là tấm gương phản ánh nền kinh tế, trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều khó khăn thì TTCK không thể không sụt giảm. Không chỉ Việt Nam mà cả các TTCK lớn cũng bị sụt giảm mạnh. Đơn cử như TTCK Trung Quốc, lúc cao nhất trên 6000 điểm, nhưng có lúc giảm đến 1500 điểm và hiện nay khoảng 1800 điểm. Đối với Việt Nam, mức độ tác động còn lớn hơn do vấn đề tâm lý, trình độ NĐT nhỏ lẻ, thông tin thị trường chưa được tốt. Ngoài ra, tính hiệu quả, khả năng cạnh tranh thấp cũng như cơ cấu nợ trên vốn chủ sở hữu của DN niêm yết tương đối cao nên khả năng chống đỡ cũng bị hạn chế hơn.

Thưa ông, những giải pháp can thiệp của cơ quan quản lý có vẻ không tác động nhiều đến chỉ số giá chứng khoán trong năm qua?

Những giải pháp can thiệp vừa qua chủ yếu giải quyết vấn đề tâm lý và tác động một phần đến cung – cầu trên thị trường. Do vậy, các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ là yếu tố hết sức quan trọng cho sự ổn định của TTCK.

Năm 2009, sẽ là năm đón chào cơ hội của TTCK Việt Nam?
Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Trong bối cảnh khó khăn của năm qua, UBCK vẫn chủ trương tiếp tục các giải pháp dài hạn để hoàn thiện thị trường, tiếp tục hoàn thiện về cơ sở pháp lý, hạ tầng, về cơ chế chính sách, hệ thống cấu trúc và vận hành thị trường để có thể đón nhận những cơ hội trong trung và dài hạn.

Về ngắn hạn, UBCK đã xây dựng đề án đầu tư gián tiếp nước ngoài và đề xuất các giải pháp ứng xử phù hợp, để làm sao vẫn huy động được luồng vốn FII mà không gây ảnh hưởng đến thị trường, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Ủy ban cũng đã trình cấp quản lý đề án chống khủng hoảng, xây dựng quy chế hướng dẫn đầu tư nước ngoài, quy chế văn phòng đại diện nước ngoài, sửa Quyết định 238 về đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng sửa đổi các quy chế về TTCK và công ty quản lý quỹ, phát hành chứng khoán để nâng tiêu chí thành lập tổ chức kinh doanh chứng khoán, nâng tiêu chí và hiệu quả phát hành, sử dụng vốn.

Nhiều đợt IPO ế ẩm trong năm qua do sức cầu thị trường quá yếu ớt. Ông vẫn bảo lưu quan điểm cần đẩy mạnh việc cổ phần hóa trong năm tới?

Việc đưa thêm các công ty lớn niêm yết và chào bán cổ phần ra công chúng trong năm 2008 đúng là bị giảm sút, tác động đến mục tiêu đa dạng hóa và tăng cường niêm yết cổ phiếu có chất lượng. Năm 2009 được dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn. Nhưng nếu chúng ta không tiếp tục cổ phần hóa thì không đẩy mạnh được quá trình cải cách, đổi mới doanh nghiệp cũng như không đưa được hàng hóa có chất lượng cho thị trường. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, các nước đều đẩy mạnh cải cách. Chúng ta cũng cần phải kiên trì mục tiêu này.

Nhưng có vẻ quy định phải đấu giá cổ phần rộng rãi mỗi khi cổ phần hóa đã bị lỗi thời, thưa ông?

Mỗi chính sách phù hợp với từng thời điểm. Trước đây, chúng ta đưa ra cơ chế đấu giá cổ phần là một bước cải cách rất quan trọng nhằm tăng cường tính công khai minh bạch, thu hút nguồn vốn cho đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Riêng trong năm 2007, việc đấu giá qua Sở/ Trung tâm GDCK cũng đã thu hút gần 50.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh hiện nay, cần xử lý vấn đề chào bán cổ phần linh hoạt hơn theo các hướng sau: Giảm tỷ lệ chào bán ra bên ngoài để bảo đảm thành công và tránh tác động lớn đến nguồn cung, sử dụng nhiều phương thức như chào bán thỏa thuận cho đối tác chiến lược, đấu giá riêng cho các tổ chức đầu tư lớn, lấy giá chuẩn để các nhà đầu tư nhỏ lẻ đấu giá. Để tránh thất thoát khi thỏa thuận, cần tăng cường công tác định giá và vấn đề minh bạch, công bố thông tin khi cổ phần hóa.

Có người ví cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 như cơn sóng thần bởi nó đến bất ngờ với cường độ mạnh. Nhưng khác cái là rất dai dẳng, thưa ông?

Theo đánh giá thì cuộc khủng hoảng này phải kéo dài từ 1 đến 3 năm. Có thể hình dung cuộc khủng hoảng tài chính này diễn ra 3 vòng. Vòng 1, ảnh hưởng đến các ngân hàng cầm cố bất động sản, xuất phát từ cho vay dưới chuẩn tại Mỹ. Vòng 2 là tác động tới bảo hiểm, mở đầu là khó khăn của AIG. Các sản phẩm bảo hiểm lại kết nối với TTCK kèm theo là ảnh hưởng của việc chứng khoán hóa bất động sản, 2 gọng kìm đó tác động tới ngân hàng đầu tư, từ đó một loạt ngân hàng lớn bị ảnh hưởng, thậm chí phá sản như Merrill Lynch, Morgan Stanley, Leahman Brothers. Những khó khăn của khủng hoảng tài chính tác động tới khu vực sản xuất, khiến nhiều tập đoàn lớn như General Motor, Intel gặp khó khăn, từ đó có tác động đến vòng thứ ba rất quan trọng là các ngân hàng thương mại, đầu tiên là Citi Group.

Về vĩ mô, hiện chúng ta đang phải giải quyết hai câu chuyện. Một là tiếp tục các giải pháp nhằm ngăn ngừa lạm phát có nguy cơ quay trở lại, nhưng mặt khác phải chống giảm phát, kích thích nền kinh tế. Điều đó sẽ có tác động như thế nào đến TTCK năm 2009?

Năm 2009, kinh tế và TTCK Việt Nam còn có nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán và tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Theo tôi, lạm phát không phải là vấn đề lớn trong năm 2009. Chính phủ đã đánh giá những thuận lợi, khó khăn và đề ra các giải pháp cơ bản để ổn định tình hình vĩ mô. So với các nước, bên cạnh khó khăn, chúng ta cũng có thuận lợi như tình hình chính trị - xã hội ổn định, tiềm năng và nhu cầu phát triển kinh tế còn rất lớn, TTCK đã trải qua các bước điều chỉnh lớn trong năm 2008 và là thị trường trẻ nên sẽ còn có cơ hội phát triển trong trung và dài hạn.

Phóng viên

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật