Xuống phố cùng ông đồ

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong không khí rộn ràng của mùa xuân, hình ảnh ông đồ khăn đóng áo dài hí hoáy viết chữ cho khách đã trở nên quen thuộc với người Sài Gòn.
Xuống phố cùng ông đồ
Khách tham quan tại Phố ông đồ tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM
60 chiếu ông đồ đặt ở hai địa điểm mang tên Phố ông đồ tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM và Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM (NVHTN). Cả hai Phố ông đồ kéo dài trong 10 ngày, từ 20 đến 30 Tết, trở thành nét độc đáo với người Sài thành mấy năm nay.

Khai mạc trong năm đầu tiên, Phố ông đồ tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM chưa quen khách như ở NVHTN. Khách đi ngắm nghía, quan sát nhiều hơn là khách đặt mua. Theo một ông đồ ở đây thì từ tối 25 Tết, Phố ông đồ mới bắt đầu tấp nập.

 

Với trang phục khăn đóng áo dài đen, mấy chục ông đồ ở hai phố đã góp phần làm đẹp cho đường phố Sài Gòn những ngày cuối năm. Ban ngày vắng khách thì cởi bỏ khăn đóng áo dài, hí hoáy vẽ, viết sẵn để bán cho khách dễ tính, đêm đến “đóng bộ” nghiêm chỉnh ngồi viết, vẽ theo yêu cầu.

 

Tấp nập nhất phải kể đến Phố ông đồ trước NVHTN (số 4 đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1). 32 chiếu trải trên vỉa hè được ưu tiên cho các ông đồ thời nay. Phần lớn những ông đồ ngồi tại Phố ông đồ NVHTN đều là “những người muôn năm cũ”, dày dạn kinh nghiệm “trận mạc”.

 

"Ông đồ" trẻ Nguyễn Hoàng Việt đang... tiếp thị hàng tại Phố ông đồ NVHTN

 

Năm thứ ba tổ chức, Phố ông đồ ở đây đã quen khách. Mấy ngày đầu khách chưa nhiều, nhưng cận Tết, phố phường rộn ràng với người và hoa thì các ông đồ cũng làm ăn khấm khá. Người qua kẻ lại mua chữ tấp nập.

 

Đông khách nhất là buổi tối, có chiếu bán không kịp. Khách quen thì chọn mặt, khách lạ thì chọn chữ. Giá bán năm nay có nhỉnh hơn năm trước từ 5 ngàn đồng đến hai chục ngàn đồng tùy theo loại. Đặc biệt nếu năm trước các ông đồ được yêu cầu vẽ chữ trên mũ bảo hiểm hoặc trên xe máy thì năm nay, khách hàng thích mua các mảnh gốm có chữ thư pháp. Nhiều nhất vẫn là các chữ “Phúc – Lộc – Thọ”.

 

Các mảnh gốm được trang trí bằng chữ thư pháp

 

Những bức thư pháp nhỏ cũng được ưa chuộng. Vài chữ hoặc câu thơ khắc lên đó bán với giá 80 ngàn đồng được khách mua về treo trong phòng khách hoặc biếu tặng. Tùy theo khách hàng mà ông đồ bán một chữ hay cả bài thơ.

 

Khách hàng khó tính thường đòi hỏi cao. Họ không thích mua tranh thư pháp đã viết sẵn mà đưa chữ hoặc thơ ngồi đợi ông đồ viết xong rồi mang về nhà.

 

Nhiều người chọn ông đồ già để mua chữ. Tuy nhiên, theo bác Chính - khách hàng tại Phố ông đồ NVHTN - thì già trẻ không quan trọng mà quan trọng là chữ họ “múa” có đẹp hay không.

 

Ông đồ Nguyễn Văn Phước "múa" bút

 

Có mặt ở Phố ông đồ mấy ngày nay nhưng bác Chính vẫn chưa hài lòng về bức thư pháp có ba chữ Phúc – Lộc – Thọ do một ông đồ trẻ măng thực hiện. Bác yêu cầu chữ phải sắc nét, thanh mảnh, gọn gàng.

 

Năm nay, kinh tế khó khăn, chỗ ngồi của ông đồ cũng lên giá nên mỗi chiếu ông đồ đều phải có hàng “độc” để hút khách. Xin gửi tới độc giả chùm ảnh ông đồ tại Phố ông đồ Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM:

 

 

Khách hàng mang thiệp đến, "ông đồ" trẻ viết lời chúc năm mới theo yêu cầu.

 

"Ông đồ" không chỉ viết mà còn... phun, xịt lên chữ

Thư pháp trên gốm, sành, sứ.

Ngắm thành quả của mình, vui với mùa xuân của muôn người.

Theo VTC
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật