Làm gì khi con bị bạn cùng lớp bắt nạt?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Con trai tôi năm nay học lớp 2. So với các bạn trong lớp (kể cả nam và nữ) cháu có ngoại hình nhỏ hơn, sức khỏe của cháu không được như các bạn, lại còn thêm tật “mít ướt”.
Làm gì khi con bị bạn cùng lớp bắt nạt?
Ảnh minh họa

Chưa kể sức học ở lớp của con tôi không được như các bạn. Dạo gần đây tôi không đến đón con sớm như trước được nữa vì lý do công việc. Tôi có nghe giáo viên chủ nhiệm phản ánh là con tôi thường bị các bạn cùng lớp bắt nạt và trêu đùa. Những lúc như vậy cháu thường báo lại với cô. Dù được cô nói rằng con có quyền tự vệ và phản kháng nhưng cháu vẫn không dám chống cự. Về nhà vợ chồng tôi đã nói chuyện và giải thích cho cháu hiểu nhưng vẫn không cải thiện được vấn đề. Có cách nào để con tôi mạnh mẽ, bạo dạn hơn không?

Chào bạn,

Không hiếm trường hợp trẻ bị bạn cùng lớp trêu đùa và bắt nạt, nhất là đối với trẻ trai. Bởi một số lý do chẳng hạn như trẻ bắt đầu với một môi trường mới, trẻ có ngoại hình khác biệt với các bạn, trẻ nhỏ con hơn bạn bè hay quá “mít ướt”...

Tuy không hiếm song nếu không được quan tâm giúp đỡ tinh thần kịp thời thì lâu dần con sẽ hình thành nên tính cách tự ti, sợ hãi khi đến trường lớp, thu mình với những mối quan hệ mới, ảnh hưởng tới kết quả học tập và tương lai của con. Bởi vậy cha mẹ cần tìm hiểu khi phát hiện ra con có dấu hiệu bị bạn trêu đùa, bắt nạt và giúp đỡ trẻ để chấm dứt tình trạng trên.

Đối với trường hợp của con bạn thì bé đã có sự hậu thuẫn từ cô giáo. Bạn băn khoăn muốn tìm cách cho con tự tin, bạo dạn hơn để có thể chủ động đối phó với vấn đề của mình. Chúng tôi có một vài lời khuyên dành cho bạn như sau:

Nên lắng nghe để hiểu con và đáp lại tất cả các điều trẻ phản ánh về mình bị bắt nạt, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Và cho con thấy mình là một chỗ dựa vững chắc để con tin tưởng và tâm sự.

Khi đã có được sự tin tưởng của con, hãy hướng dẫn bé tin tưởng vào chính bản thân mình để trực tiếp “đối mặt” với bạn xấu khi bị trêu đùa, bắt nạt. Bạn có thể khuyên bé khi đứng trước tình huống này nên bình tĩnh, cương quyết nhìn thẳng vào người bạn bắt nạt và dõng dạc nói “Không được trêu tớ nữa”. Nếu người bạn đó không dừng lại thì con hãy cảnh cáo “Tránh ra, đừng có trêu chọc tớ. Nếu không tớ sẽ nói với cô giáo và bố mẹ cậu đấy”. Và có thể tiếp tục chủ động thông báo cho cô giáo, bố mẹ biết nếu tình trạng này vẫn tái diễn.

Đưa thêm các tình huống cụ thể cho bé tập xử lý, nhằm trang bị cho con kỹ năng giải quyết vấn đề để tự tin đối phó khi gặp phải.

Tạo điều kiện tăng cường tính tự tin cho con bằng một số cách như: cùng con xem một số bộ phim hoạt hình có nhân vật dũng cảm chiến đấu với mãnh thú, quái vật. Và sau mỗi bộ phim bạn nên ngồi lại cùng con phân tích về sự dũng cảm của nhân vật trong phim và rút ra bài học cho bản thân.

Thêm đó, hãy dành thời gian cho con đến những chỗ đông người như siêu thị, công viên, chỗ có đông trẻ nhỏ, cho bé chủ động hơn bằng việc chọn mua hàng, thanh toán tiền, giao tiếp, kết bạn... Từ đó tăng dần tính chủ động, bạo dạn ở con.

Sức học tập kém hơn các bạn cũng là một lý do càng khiến cho sự tự tin vào bản thân của bé bị giảm sút. Vì vậy cha mẹ dành nhiều thời gian hơn kèm cặp giúp bé học tiến bộ. Phối hợp tốt giữa giáo viên và gia đình, có sự ghi nhận những thay đổi dù nhỏ nhất của con và biết cách khen ngợi khéo léo những cố gắng mà con đạt được. Điều này tác động rất lớn tới tâm lý của bé. Giúp nâng cao tính tự tin cho bé.

Đừng vì lý do thể chất cũng như tinh thần của con yếu đuối hơn bạn bè cùng lứa tuổi mà cha mẹ càng bao bọc con hơn. Vì làm như thế chỉ khiến cho bé thêm thụ động, lệ thuộc mà thôi. Thay vào đó, bạn nên chú ý bổ sung dưỡng chất và tăng cường các hoạt động thể chất cho bé như cho bé đi tập thể dục hoặc tập võ thường xuyên để tăng cường thể lực. Vì với một c‌ơ th‌ể khỏe mạnh, nhanh nhẹn, linh hoạt bé sẽ dễ dàng đối phó trong những tình huống xấu.

Một yếu tố nữa cũng khá quan trọng đó là tình bạn. Tình bạn là một pháo đài bảo vệ trẻ khỏi những kẻ bắt nạt. Nếu trẻ gặp phải khó khăn khi kết bạn hoặc duy trì tình bạn, bạn hãy giúp đỡ tạo dựng được tình bạn trong sáng cho trẻ bằng việc hướng dẫn bé cách chơi hòa đồng với bạn bè.

Nếu tình trạng không có chuyển biến thì bạn nên gặp phụ huynh các bạn thường trêu chọc, bắt nạt bé để trao đổi nhờ được giúp đỡ can thiệp. Cùng kết hợp với giáo viên đưa ra cách thức để giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật