Nhà khoa học quốc tế: ‘Cảng Bình Châu là hiếm hoi trên thế giới’

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tham quan lặn biển Bình Châu (Quảng Ngãi), các chuyên gia quốc tế nhận định, hiếm có vùng nào có eo biển đẹp, chứa nhiều tàu cổ đắm bí ẩn như nơi này.
Nhà khoa học quốc tế: ‘Cảng Bình Châu là hiếm hoi trên thế giới’
Mô hình một trong sáu thuyền buồm của Hà Lan chở hàng hóa từng gặp nạn, chìm ở vùng biển miền Trung trong thế kỷ 17.

Trong khuôn khổ Hội thảo Khoa học quốc tế về khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á, chiều ngày 16/10, hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ học dưới nước về Bình Châu tham quan, lặn biển ngắm tàu cổ.

Đã 80 tuổi, chuyên gia khảo cổ học dưới nước BoRje Rorssell (Thụy Điển) không ngần ngại mặc đồ lặn khám phá vùng biển Bình Châu. Sau 2 giờ lặn ngắm tàu cổ, ông BoRje Rorssell cho hay, tàu đắm chứa nhiều cổ vật gốm sứ có hoa văn đẹp cách mặt nước chỉ khoảng 4 m, rất thuận lợi để phát triển tour du lịch lặn biển khám phá.

"Nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước ở nhiều nơi trên thế giới, tôi thấy hiếm có vùng nào có eo biển đẹp, chứa nhiều tàu cổ đắm ở vùng biển gần bờ bí ẩn như ở Bình Châu", vị chuyên gia bày tỏ.

Giới thiệu với bạn bè quốc tế về "nghĩa địa tàu cổ" đặc biệt này, Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia khảo cổ di sản văn hóa dưới nước cho biết, các nhà khoa học mới khảo sát trong phạm vi vỏn vẹn 10 km2 ở eo biển Vũng Tàu, xã Bình Châu, đã phát hiện 10 tàu cổ đắm. Trong đó, 2 con tàu đã được khai quật, số còn lại có nhiều cổ vật gốm sứ, vật dụng thủy thủ đoàn được xác định với nhiều niên đại khác nhau từ thế kỷ 8 đến 18 nằm gần bờ. Đặc biệt, xác tàu cổ đắm được kết bằng dây khoảng 1.200 tuổi (tương đương thế kỷ 8).

Dĩa men ngọc chạm khắc hình rồng 700 tuổi, độc bản tìm thấy trong tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu. Ảnh: Trí Tín.

Phó giáo sư Mark Staniforth, trường Đại học Monash (Australia), chuyên gia khảo cổ di sản văn hóa dưới nước nhận định, nhiều tàu cổ đắm với mật độ dày đặc ở khu vực này đã minh chứng Bình Châu là thương cảng cổ từng giao thương trên biển sầm uất vào bậc hiếm hoi trên thế giới.

"Di sản văn hóa dưới nước nơi đây thật quí giá, nếu Việt Nam khai thác tiềm năng du lịch kết hợp lặn biển ngắm tàu cổ thì thật tuyệt vời", ông Mark Staniforth nói.

Vị chuyên gia này tình nguyện là "cầu nối" kêu gọi bạn bè, các tổ chức quốc tế, nhất là từ phía Hà Lan hỗ trợ Việt Nam mua sắm thiết bị thăm dò, khảo sát; đồng thời đào tạo nguồn nhân lực khảo cổ để có thể bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước thời gian tới.

Phó giáo sư Nguyễn Giang Hải, viện trưởng Khảo cổ học cho hay, ngành khảo cổ học Việt Nam đang định hướng phát triển khảo cổ học cộng đồng. Nghĩa là người dân cùng tham gia như một chủ thể cùng với các nhà quản lý, các nhà chuyên môn thực hiện các hoạt động khảo cổ học thì mới có thể bảo vệ được. Di sản tàu cổ đắm Bình Châu nói riêng, di sản văn hóa dưới nước nói chung chỉ tồn tại một khi cộng đồng muốn gìn giữ.

Các chuyên gia trong nước, quốc tế lặn biển ngắm tàu đắm chứa "kho cổ vật" ở vùng biển Bình Châu chiều 16/10. Ảnh: Trí Tín.

Còn Tiến sĩ Lê Thị Liên, Chuyên gia viện Khảo cổ học bộc bạch: "Đừng đánh giá di sản bằng tiền mà phải hướng đến giá trị văn hóa của nó. Nếu di sản văn hóa dưới nước thuộc về nhân dân thì họ sẽ yêu quý và bảo vệ, dẫu cuộc sống họ còn rất nghèo".

Tỉnh Quảng Ngãi đang tiến hành khảo sát, mời chuyên gia quốc tế nghiên cứu lập bản đồ, hồ sơ di sản văn hóa biển Bình Châu, đề xuất Bộ Văn hóa thể thao - Du lịch công nhận là quần thể di tích tàu cổ đắm cấp quốc gia, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch gắn với lặn biển ở những khu vực có tàu cổ đắm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật