Eurozone: Lạm phát tháng 9 xuống thấp nhất 5 năm

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tháng 9, tỷ lệ lạm phát của khu vực eurozone tiếp tục giảm thấp, nhấn mạnh khó khăn mà chính phủ liên minh phải đối mặt.
Eurozone: Lạm phát tháng 9 xuống thấp nhất 5 năm
Ảnh minh họa

Cục Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) vừa cho biết, giá tiêu dùng của khu vực đồng tiền chung euro chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 9, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Trước đó trong tháng 8, giá tiêu dùng tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù giá tiêu dùng chung của cả khu vực tăng nhưng lạm phát hàng năm tại Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia, Slovenia và Slovakia lại đồng loạt giảm.

Những số liệu trên chứng tỏ, áp lực lạm phát tại khu vực đồng euro đang có xu hướng giảm, dấy lên lo ngại về nguy cơ quay trở lại thời kỳ giảm phát của khu vực.

Giá tiêu dùng tại khu vực đồng euro tăng chậm lại do ảnh hưởng từ tình trạng suy yếu của kinh tế Đức và căng thẳng địa chính trị tại Ukraine.

Trước đó để giải quyết vấn đề giảm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu buộc phải hạ một số lãi suất chủ chốt xuống mức thấp kỷ lục, đồng thời triển khai chương trình mua lại tài sản (gồm trái phiếu thế chấp bằng tài sản và trái phiếu có bảo đảm bằng đồng euro) và nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu (TLTRO).

Cũng trong báo cáo này, Eurostat nâng dự báo lạm phát lõi của khu vực lên 0,8%.

Cùng thời điểm, Eurostat cho biết, thặng dư thương mại tháng 8 (đã điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ) của khu vực đồng euro tăng lên 9,2 tỷ euro từ mức 7,3 tỷ euro trong cùng kỳ năm ngoái.

Thặng dư thương mại của khu vực tăng mạnh chủ yếu là do nhập khẩu giảm thay vì xuất khẩu tăng.

Theo đó, xuất khẩu của khu vực đồng euro giảm 0,9% so với tháng trước đó và ghi nhận tháng thứ 3 giảm liên tiếp. Xuất khẩu giảm là tín hiệu xấu đối với kinh tế khu vực Eurozone - vốn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động thương mại. Trong quý II, thương mại chính là động lực thúc đẩy kinh tế khu vực đồng euro tăng trưởng. Xuất khẩu tháng 8 giảm một phần là do lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Nga nhằm trả đũa loạt đòn trừng phạt từ chính phủ liên minh trước đó.

Ngoài ra, nhập khẩu cũng giảm mạnh với 3,1% do nhu cầu tiêu dùng nội địa suy yếu. Tỷ lệ thất nghiệp cao cùng với tốc độ tăng lương chậm chạp và chương trình "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ là những yếu tố chính kéo giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật