Không tìm thấy bằng chứng virus Eloba lây qua không khí

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sự kiện nữ y tá gốc Việt Nina Phạm bị nhiễm virus Ebola trong khi chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm virus này, đang dấy lên lo lắng cho người dân, cũng như các chuyên gia y tế trên khắp thế giới. Băn khoăn lớn nhất của các nhà khoa học là đường lây nhiễm virus Ebola như thế nào?
Không tìm thấy bằng chứng virus Eloba lây qua không khí
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - lo lắng dịch Ebola tăng chóng mặt.

Nhiều ý kiến nghi ngờ virus Ebola có thể lây qua đường không khí? PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này.

Thưa ông, đường lây nhiễm virus Ebola cho nữ y tá Nina Pham vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải. Nhiều ý kiến quan ngại liệu virus Ebola có lây qua đường không khí?

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) trong suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân Thomas Duncan, nữ y tá luôn mặc quần áo bảo hộ cũng như có các thiết bị phòng tránh lây nhiễm virus Ebola. Hiện, đường lây nhiễm virus Ebola của trường hợp này đang được các chuyên gia y tế làm rõ.

Tại cuộc làm việc giữa Bộ Y tế các chuyên gia y tế tại VN cách đây 2 ngày, các chuyên gia của WHO, CDC đều cho rằng đường lây nhiễm virus Ebola không có gì thay đổi, không tìm ra bằng chứng bệnh lây qua đường không khí. Loài dơi ăn quả là ổ chứa virus trong tự nhiên, nhưng không có biểu hiện bệnh. Ở VN có loài dơi ăn côn trùng, nhưng là loài dơi khác dơi ăn quả ở Châu Phi nói trên. Tuy nhiên, người dân nên hạn chế sử dụng thịt động vật hoang dã, kể cả ăn thịt dơi.

Đến nay, mới thấy virus Ebola lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, qua dịch của người nhiễm bệnh, chứ không lây qua đường không khí, hay qua đường nước. Có ý kiến cho rằng virus này lây qua không khí dưới dạng hạt nhỏ bắn ra, nhưng chưa có khẳng định. Các ca nhiễm bệnh ở một số nước ngoài khu vực Tây Phi, nguyên nhân đều do bệnh nhân đã có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Đối với các quốc gia chưa có trường hợp nào nhiễm virus Ebola, mà cũng chưa tiềm ẩn nguồn nhiễm thì không đáng lo ngại quá mức.

Hiện nay, dịch bệnh Ebola chưa có dấu hiệu chững giảm, các chuyên gia y tế có đặt ra khả năng dịch tễ học của bệnh có gì mới và khác trước để các nước thay đổi các ứng phó cho phù hợp với diễn biến mới của bệnh?

Đây là một câu hỏi đang được đặt ra và cần tiếp tục nghiên cứu. Còn tại Việt Nam, nguy cơ virus Ebola lây lan sang VN rất thấp, vì nhiều lý do: Thứ nhất là số lượng người đi du lich từ các nước Tây Phi đến VN không nhiều. Tuy nhiên, vẫn xảy ra khả năng là một số người đã nhiễm virus Ebola bên ngoài VN, sau đó đi du lịch đến VN. Bộ Y tế vẫn giữ nguyên mức cảnh báo, nhưng nâng cao cảnh giác, tăng cường giám sắt chặt chẽ tại cửa khẩu - đây là khâu rất quan trọng. Việt Nam hiện có đầy đủ thiết bị phòng hộ cũng như các phòng xét nghiệm virus Ebola.

WHO có dự báo gì về tình hình dịch bệnh Ebola trong thời gian tới, thưa ông?

Theo đánh giá của WHO, số ca nhiễm virus Ebola đang tăng rất nhanh, cần phải có một nỗ lực hợp tác toàn cầu để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Ebola. Dự báo phải mất 6-9 tháng mới có thể khống chế được dịch.

- Xin cảm ơn ông!

Tăng cường giám sát dịch bệnh do virus Ebola Ngày 15.10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường phòng chống dịch bệnh do virus Ebola. Thứ trưởng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo sở y tế giám sát chặt chẽ người nhập cảnh từ các quốc gia vùng dịch châu Phi, đặc biệt những người nhập cảnh từ các nước vùng dịch bệnh do virus Ebola cư trú trên địa bàn tỉnh, thành phố trong vòng 21 ngày. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh virus Ebola áp dụng đầy đủ, đúng quy trình giám sát, xử lý theo đúng quy trình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật