Không có gì phải giải trình

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc làm của ông chánh văn phòng Bộ Y tế, xét về bản chất, là dùng con đường hành chính để răn đe, cản trở đại biểu Quốc hội thực thi chức năng, quyền hạn của mình.

dư luận đang bàn việc ông chánh văn phòng Bộ Y tế có văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Y tế TP báo cáo và giải trình các nội dung phát biểu của một đại biểu Quốc hội TP.HCM về đấu thầu thuốc.

Vậy vị đại biểu này (đang làm phó giám đốc Sở Y tế TP) có cần phải làm giải trình theo chỉ đạo hành chính này hay không?

Theo tôi, không có gì phải giải trình vì ý kiến đã được phát biểu tại Ủy ban Các vấn đề xã hội (mà vị đại biểu Quốc hội là thành viên), nếu có nội dung gì “không chính xác” hoặc “không phù hợp với các quy định hiện hành” thì bộ trưởng y tế có quyền “nói lại” tại ủy ban hoặc bằng văn bản.

Việc làm của ông chánh văn phòng Bộ Y tế, xét về bản chất, là dùng con đường hành chính để răn đe, cản trở đại biểu Quốc hội thực thi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình đã được Hiến pháp quy định. Điều này không thể chấp nhận vì trái với Hiến pháp.

Bởi lẽ, để đại biểu Quốc hội thực thi được ba chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, Hiến pháp 2013 quy định: tại điều 79, khoản 2, “Đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ảnh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan”.

Tại điều 80: “1. Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tổng kiểm toán nhà nước.

2. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản.

3. Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định”.

Và “Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các cơ quan khác của Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội làm nhiệm vụ đại biểu” - điều 82, khoản 2 quy định.

Từ vụ việc trên, theo tôi, Luật tổ chức Quốc hội (sẽ được thảo luận và thông qua tại kỳ họp sắp tới) cần quy định việc tôn trọng và đảm bảo quyền phát biểu và chất vấn của đại biểu Quốc hội một cách rõ ràng và cụ thể.

GS NGUYỄN NGỌC TRÂN (Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật