Những bất ổn nghiêm trọng từ cuộc chiến Ukraine

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine đã gây bất ổn nghiêm trọng đến trật tự thế giới và điều này sẽ dẫn đến ảnh hưởng lâu dài, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm nay (13/10) đã phát biểu như vậy.
Những bất ổn nghiêm trọng từ cuộc chiến Ukraine
Ngoại trưởng Nga Lavrov

"Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã làm rung chuyển mạnh mẽ tình hình quốc tế và nó sẽ gây ra tác động lâu dài. Ngày nay, rất khó để có thể đoán được mọi thứ sẽ đi theo chiều hướng như thế nào trên thế giới nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng trong tương lai sẽ có rất nhiều điều bất ngờ", Ngoại trưởng Lavrov cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn tập san MGIMO thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Moscow.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nhấn mạnh, những diễn biến ở Ukraine “về cơ bản không phải là sự thể hiện của những xu hướng mới mà thay vào đó chỉ là đỉnh điểm của một tiến trình mà các đối tác phương Tây đã thực hiện với Nga bao nhiêu năm nay”.

"Xu hướng không thừa nhận Nga như một trong những nước tồn tại ở Tây Âu trong nhiều thập kỷ qua bất chấp thực tế là trong ít nhất 300 năm qua, chúng tôi đã là một phần không thể tách rời của văn hoá và chính trị Châu Âu. Những thời kỳ Nga tham gia tích cực nhất vào các công việc Châu Âu được đánh dấu bởi sự ổn định và hoà bình trên lục địa”, Ngoại trưởng Lavrov nói thêm.

Cũng theo ông Lavrov, những gì xảy ra ở Ukraine đánh dấu đỉnh điểm của tiến trình kiềm chế, ngăn chặn Nga vốn đã diễn ra trong bao nhiêu năm nay. “Không may là tiến trình kiềm chế, ngăn cản đất nước chúng tôi vẫn tiếp tục sau sự sụp đổ của Liên Xô, mặc dù ở mức độ nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi bị coi như là đối thủ thay vì là đối tác”, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.

Tuy vậy, Ngoại trưởng Nga cũng khẳng định, Moscow phản đối việc đối đầu với phương Tây bởi cần phải có nỗ lực chung của quốc tế mới có thể chống lại những mối đe dọa đối với sự ổn định của toàn cầu.

"Bất chấp thái độ thù địch của các đối tác phương Tây, chúng tôi vẫn phản đối việc chúng ta trượt trở lại kịch bản nguyên thủy thời xưa với cuộc đối đầu trực diện Đông-Tây. Nga sẵn sàng tiếp tục đóng góp cho tiến trình tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề xuyên biên giới nhưng cần phải có sự tôn trọng lẫn nhau và các bên đều có quyền bình đẳng”, ông Lavrov cho hay.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh, ngoài cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng đang diễn ra hiện nay, những mối đe dọa toàn cầu như chủ nghĩa cực đoan của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq, cuộc xung đột Israel-Palestine, sự bất ổn ở Afghanistan và các cuộc xung đột ở Châu Phi vẫn tồn tại.

Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, chỉ có nỗ lực chung của quốc tế mới có hiệu quả trong việc chống lại những mối đe dọa toàn cầu như chủ nghĩa khủ‌ng b‌ố, buôn bán m‌a tú‌y, buôn bán vũ khí, nhập cư bất hợp pháp, biến đổi khí hậu....

"Việc từ chối hợp tác không phải là một lựa chọn cho cả Nga lẫn phương Tây. Tuy nhiên, rõ ràng, đang có sự quay trở lại phương pháp tiếp cận trước đây đối với Nga: đó là sự thiếu chân thành và tiêu chuẩn kép”, ông Lavrov nói.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh. Kiev cùng với Mỹ và phương Tây ra sức đổ lỗi, chỉ trích Moscow về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Với lý do này, Mỹ và phương Tây tìm mọi cách dồn ép, gây áp lực với Nga. Các nước này đã liên tiếp tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đồng thời không ngừng chỉ trích và lên án Nga trên các phương tiện truyền thông thế giới. Phương Tây cũng tìm cách thổi phồng mối đe dọa từ Nga, khiến các nước láng giềng xung quanh Nga cảm thấy bất an.

Moscow bác bỏ những cáo buộc của phương Tây đồng thời khẳng định chính phương Tây mới là lực lượng đứng đằng sau giật dây, gây ra tình hình biến loạn ở đất nước Ukraine hiện giờ. Nga tin rằng, phương Tây kích động tình hình Ukraine và lợi dụng nó để kiềm chế Nga, để có cớ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực vốn là sân sau của Nga.

Cuộc đối đầu Đông-Tây bắt đầu hạ nhiệt?

Sau khi cuộc đối đầu Đông-Tây lên đến mức cao trào, người ta bắt đầu thấy có một số dấu hiệu dịu nhẹ ban đầu từ cả Nga và phương Tây. Đang có những lời kêu gọi từ giới chức ở Liên minh Châu Âu (EU) về việc xem xét nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã ra lệnh rút 17.600 quân trở lại sau cuộc tập trận quy mô lớn của Nga ở biên giới với Ukraine.

EU được cho là đang nóng lòng muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga bởi nền kinh tế vốn không mấy sáng sủa của họ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chính những “đòn” mà họ tung ra đối với Nga.

Việc quan hệ hữu nghị Đông-Tây có được nối lại hay không sẽ được xác nhận rõ ràng hơn vào ngày mai (14/10) ở thủ đô Paris khi  Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Tuy nhiên, câu trả lời cuối cùng chỉ có thể có sau cuộc gặp có thể diễn ra ở Milan, Italia giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Ukraine (17/10).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật