Tự lập ban thờ cúng mình và những triết lý của ‘vua rượu mận’ miền Tây

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tự lập ban thờ chính mình và hàng ngày thắp nhang vái lạy các “di ảnh“ của lão nông Sáu Tia (67 tuổi) ở miền Tây, luôn là đề tài bàn tán sôi nổi của bà con nơi đây.
Tự lập ban thờ cúng mình và những triết lý của ‘vua rượu mận’ miền Tây
Ông Sau Tia thắp nhang bên bàn thờ đặc biệt

Tự chặt ngón chân để trốn lính

Cù lao Tân Lộc có chiều dài hơn 20km, chiều rộng khoảng 1,5km, nằm yên bình trên dòng sông Hậu thơ mộng. Từ lâu, nơi đây vẫn nổi tiếng là mảnh đất có nhiều đặc sản cây trái như: ổi Đài Loan, mận đá, ổi lê, mận An Phước (mận hay còn gọi là trái roi ở miền Bắc). Quanh năm được phù sa bồi đắp màu mỡ, khí hậu hài hòa, người dân Tân Lộc có cuộc sống sung túc, bình yên hơn nhiều xứ khác ở vùng sông nước miền Tây. Cũng bởi sự giàu có, Tân Lộc còn được mệnh danh là “cù lao tỷ phú” bởi nhiều biệt thự, villa nối đuôi nhau mọc lên bên cạnh những ngôi nhà cổ trầm mặc dáng vẻ thời gian dưới màu xanh bạt ngàn cây trái.

Về đất cù lao, hỏi thăm nhà lão nông Sáu Tia, người dân nơi đây thân thiện chỉ đường. Với họ, những việc làm “dị biệt” của hai lúa Sáu Tia vốn là chủ đề “nóng” mỗi khi được nhắc đến, đem lại những tiếng cười nép mình bên vườn mận xum xuê ngay ven lộ trên cù lao. Cổng vào được ông đề biển khu sinh thái, cơ sở sản xuất rượu mận Sáu Tia. Sau nhiều cuộc hẹn bất thành bởi sự bận bịu của lão nông, chúng tôi cũng có cuộc trò chuyện khi ông vừa đi giao rượu mận cho khách hàng ở Tiền Giang về.

Tiếp chuyện, lão nông 67 tuổi có gương mặt cương nghị, dáng vẻ còn rắn rỏi và giọng nói khỏe khoắn, hồ hởi kể về chuyện đời mình. Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, là con thứ tư trong 5 chị em trong nhà, từ nhỏ Sáu Tia đã lanh lợi, thông minh hơn người. Ông kể, lớn lên trong ngọn lửa căm thù giặc, ông trốn quân dịch của chế độ cũ. Thế nhưng, ông vẫn bị bắt quân dịch chống cách mạng.

Để không  phải phục vụ cho chính quyền cũ, vừa bị bắt vào quân dịch, ông đã tự hủy hoại thân thể để được giải ngũ sớm. “Hồi đó, cha tôi hoạt động cách mạng bị giặc đày đi tù Côn Đảo từ năm 1937 đến năm 1942 được thả về. Học hết bậc tú tài (thời Pháp), tôi bị bắt lính, tôi trốn nhưng không đặng. Năm 1971, tôi bị bắt đi quân dịch. Vừa vào trung tâm huấn luyện sư đoàn 9, tôi liền dùng dao tự chặt ngón chân cái, và ngón trỏ ở bàn chân trái. Sau khi tự gây thương tật, tôi bị đem ra tòa án quân sự xử và được cho giải ngũ. Từ đó đến nay, tôi làm nông nghiệp trên mảnh đất quê hương”, ông Sáu Tia bồi hồi nhớ lại.

Trở về với cuộc sống đời thường, chẳng cam chịu cuộc sống quá đỗi bình thản, ông quyết tâm làm điều gì đó có ích cho quê hương. Trăn trở với trái mận (quả roi ở miền Bắc), lão nông đã sáng tạo ra loại rượu mận độc đáo “có một không hai”. Mỗi năm, ông thu mua giúp bà con một khối lượng mận lớn để nấu rượu. Ngoài ra, với tính cách mộc mạc, chất phác, ông được bà con nơi đây yêu mến.

Sáng sáng thắp nhang để tự… cúng mình

Đặc biệt hơn cả việc sáng chế rarượu mận là việc lão nông Sáu Tia tự lập ban thờ cúng mình. Đây luôn là chủ đề bàn tán đặc biệt sôi nổi của bà con ở đất cù lao Tân Lộc mỗi khi nhắc đến “ông lão kỳ lạ”.

Lão nông Sáu Tia

Theo lời kể, Sáu Tia lập gia đình năm 1970. Vợ ông vốn là một thôn nữ ở ấp bên trong xã. Vợ chồng ông sinh được 4 người con, 2 trai, 2 gái. Các con của ông đều đã trưởng thành và có gia đình riêng hạnh phúc. Bởi cuộc đời nhiều sóng gió, tuổi thơ trải qua chiến tranh, ông yêu mến cuộc sống thanh bình. Ngoài ban thờ ông bà tổ tiên, từ lâu gia đình Sáu Tia đã lập bàn thờ Phật. Ông bảo, do kính mến phật là tấm gương nhân từ, hiền đức, nên ông thờ tự từ mấy chục năm qua. Ông Sáu Tia nuôi dạy con cái tu tâm dưỡng tánh theo luật nhân quả của nhà Phật. Đến nhà ông, khách sẽ ấn tượng đặc biệt khi bước chân vào nhà, bên cạnh những tủ đựng những bình rượu mận độc đáo, là chiếc ban thờ “kỳ dị” nằm chính giữa nhà.

Chiếc ban thờ này, lão nông lập ra hơn 1 năm trước. Đó là ban thờ ông thờ di ảnh của cha mẹ, và lạ lùng hơn là thờ chính bản thân mình. Phía sau một bát nhang, ông để một loạt hình đặc biệt của ông. Mỗi bức hình là những dòng chữ diễn giải rất thú vị. Lão nông Sáu Tia bảo, bởi ông ghét thói đời mê tín dị đoan. Muốn đả kích sự mê tín và cảnh báo tác hại của nó nên ông lập ban thờ, thờ mình khi ông đang còn sống. Ông làm vậy để bà con thấy ông vẫn sống bình an, vẫn khỏe mạnh và hăng say lao động khi làm cái việc ngược đời là thờ cúng bản thân. “Tui làm thế xem có chết được không”, ông sáu Tia chia sẻ. Đồng thời, chứng kiến, nghe chuyện về các bậc cha mẹ khi còn sống thì bị những người con đối xử tệ bạc, lúc chết thì cúng kiềng đàng hoàng, ông đau xót muốn bày tỏ chính ông Sáu Tia. Bức hình ngoài cùng bên phải trên ban thờ, chụp Sáu Tia trong bộ dạng đầu đội mũ lưỡi trai màu xanh, mắt đeo kính đen và thân người thủ thế hai tay giơ nắm đấm. Một dòng chữ chú thích ảnh ghi: “Ăn chơi quậy tối đa, tía mà nhìn không ra”. Một bức hình chụp ông trong bộ dạng giang hồ khác được đề: “Ai ơi! Nhìn thấy Năm Cam. Anh ta còn chết, mình ham nỗi gì?

Ở chính giữa ban thờ, là bức hình ông và dòng chữ: “Ráng tu thân tích đức, hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Qua 3 bức hình trên, ông muốn khuyên con cháu, anh em ăn ở hiền lành, tránh xa những tệ nạn xã hội. Còn 3 bức hình còn lại, một bức có hình ông xòe 2 bàn tay đề nội dung: “Sống tranh giành quyền lợi. Chết không mang theo sự nghiệp”, đó là tâm sự trân trọng cuộc sống bình yên, không nên vì trành giành mà mất niềm vui cuộc sống của Sáu Tia. Bức hình còn lại với dòng chữ: “Đời đen bạc, thế gian có một không hai, đụng qua thực tế đắng cay trăm bề” ông thờ để kỷ niệm hành trình gian nan sáng chế… rượu mận. Con đường gập ghềnh còn nhiều khó khăn phía trước, ông tâm niệm luôn luôn tự nhắc nhở mình phải cố gắng, vượt qua vì những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Hằng ngày, trước khi bắt đầu công việc, ông Sáu Tia đều thắp nhang lên ban thờ ông vừa phấn khởi bắt tay vào “chiến đấu”. Ông bảo ngày mới đầu ông lập ban thờ mình, nhiều người bảo ông lão khùng, điên. Tự dưng làm việc “động trời”, thậm chí báng bổ thần linh. Thế nhưng, khi được nghe ông giải thích cặn kẽ, những người bảo ông khùng lại gật gù tỏ ra đồng cảm và thấy thích việc làm “kỳ dị” của lão nông miệt vườn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật