Người ghi ký ức ngày tiếp quản Thủ đô bằng ảnh

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bằng ống kính máy ảnh và tình yêu Hà Nội sâu đậm, ông đã ghi lại những khoảnh khắc trọng đại của thành phố suốt từ thời khắc lịch sử quân ta tiến vào tiếp quản thủ đô ngày 10-10-1954 đến giờ.
Người ghi ký ức ngày tiếp quản Thủ đô bằng ảnh
Hồ Gươm là nơi ông gắn bó suốt từ ngày nhỏ đến bây giờ và có nhiều bức ảnh đẹp về nơi đây - Ảnh: V.V.Tuân

Ông là nhà nhiếp ảnh Nguyễn Quang Phùng, năm nay đã ngoài 80 tuổi, hiện đang sống tại xóm Hạ Hồi (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nhân chứng đã sống qua hai thế kỷ.

Đến thăm căn phòng nhỏ là nơi làm việc của ông, bốn bức tường được bao bọc bởi những tập ảnh dày xếp khít nhau. Ông nói trong căn phòng này, ông được sống với ký ức về một Hà Nội từ xưa đến nay bằng ảnh.

Tôi không chụp ảnh chơi bao giờ cả. Tôi chụp ảnh đều có nhiệm vụ và mục đích hết. Mục đích chụp ảnh của tôi là làm Hà Nội tốt đẹp hơn
Nhà nhiếp ảnh nguyễn Quang Phùng

Hai nửa buồn vui của Hà Nội

Ông là một trong những nhân chứng được chứng kiến giây phút lịch sử quân ta tiến vào tiếp quản thủ đô hơn 60 năm trước và cũng là người chụp được những bức ảnh tư liệu quý hôm ấy.

Trước đó suốt ngày 9-10-1954, từ sáng sớm đến tối đêm ông ăn mặc lịch sự, đeo thẻ nhà báo, đi lại khắp nơi trong thành phố để chụp ảnh.

“Tôi thấy các ngã tư, ngã năm đều không có xe tăng, thiết giáp, tất cả ụ súng đều bỏ ngỏ. Nghĩa là quân Pháp sẽ không có ý định chống lại khi quân ta tiến vào” - ông nhớ lại.

Nhưng từ khi vẫn còn là chàng thanh niên, ông đã cảm nhận được hai nửa buồn vui của Hà Nội ngày ấy.

Ông kể: “Ngày quân ta tiến về tiếp quản thủ đô, tôi được tận mắt chứng kiến hai nỗi niềm vui và buồn của người Hà Nội. Nếu bạn được đi qua một gia đình có con không trở về trong ngày vui giải phóng thủ đô (vì đã hi sinh) rồi lại đi qua một gia đình có đứa con trở về trong ngày ấy, bạn sẽ thấy nỗi đau và niềm vui đều tột cùng cả. Hai nỗi niềm tột cùng của thành phố lúc ấy thấm sâu và lắng đọng trong tôi đến bây giờ”.

Cẩn thận mang ra bức ảnh Những đứa trẻ đợi bố ở hồ Gươm chụp lúc 6g ngày 10-10-1954, ông kể lại câu chuyện xúc động: “Đây là những đứa trẻ con gia đình nghèo khó ở Hà Nội ngày ấy. Buổi sáng hôm ấy, tôi ra bờ hồ từ sớm và bắt gặp chúng đã ra sớm hơn cả tôi.

Tôi hỏi: “Các cháu ở đây làm gì?”. Một cháu trả lời: “Cháu ở đây đợi bố cháu về. Người ta gửi giấy báo tử về cho mẹ cháu rồi. Mẹ cháu đang khóc ở nhà. Còn cháu ra đây đợi bố cháu về cùng các chú bộ đội giải phóng quân vì cháu vẫn mong bố về!”.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Quang Phùng đã xuất bản cuốn sách ảnh Dạo quanh hồ Gươm. Ông cho biết hiện đang tập hợp để xuất bản cuốn sách ảnh tiếp theo Hà Nội băm sáu phố phường. Năm 2013, ông được trao giải thưởng “Giải thưởng lớn - Vì tình yêu Hà Nội” (giải thưởng Bùi Xuân Phái).

Những năm đế quốc Mỹ ném bom ác liệt miền Bắc, ông Phùng đã ghi lại những khoảnh khắc đau thương, tang tóc ở khu phố Khâm Thiên năm 1972 ấy. Ông kể lại rằng những ngày trời mưa, màu đỏ của máu hòa với nước mưa thành những dòng đỏ loang khắp phố đổ nát.

Hình ảnh ấy đến bây giờ vẫn ám ảnh ông về sự khủng khiếp của nỗi đau mất mát do chiến tranh gây ra. Khi đến thăm con ở bệnh viện Bạch Mai, ông đã chụp bộ ảnh Những đứa trẻ ở nơi sơ tán trong cảnh bị bom đạn tàn phá khiến nhiều bè bạn quốc tế xúc động.

Tình yêu Hà Nội đau đáu

Sau khi về hưu năm 1993, ông lại trở về với niềm đam mê nhiếp ảnh của mình. Ông tự đặt mua sách bổ sung kiến thức nhiếp ảnh ở nhiều nước Nhật, Mỹ, Anh...về tự học. Ông xách máy đi khắp các ngõ ngách, hẻm phố để ghi lại những khoảnh khắc, những cảnh đời trong thành phố.

Hà Nội trong những bức ảnh của ông chưa chắc đã đẹp, nhưng đó lại là tình yêu Hà Nội đau đáu của ông.

Bây giờ, ông vẫn luôn tự hào, nói rằng thành tích lớn nhất của đời ông là đã chụp được bộ ảnh m‌a tú‌y lộng hành giữa thủ đô. Có đêm mưa gió, ông vẫn đi đến từng ổ nghiện dưới chân cầu Long Biên, sau ghế đá hồ Gươm... nơi con nghiện tụ tập để chụp những bức ảnh trung thực nhất về những người nghiện m‌a tú‌y.

Để chụp được những bức ảnh chiếc xilanh con nghiện dùng vẫn còn màu đỏ tươi của máu vương lại, ông bất chấp nguy hiểm, chụp ngay trong khi đang bị con nghiện vây xung quanh.

Nhớ lại những lúc ấy, ông cười: “Chụp những bức ảnh này mất mạng như chơi, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm vì nghĩ rằng chụp ảnh cũng là một cách để góp phần làm xã hội tốt đẹp hơn”.

Ông Phùng còn có hàng nghìn bức ảnh về bãi giữa sông Hồng, nơi những người nghèo vô gia cư từ các tỉnh lên Hà Nội mưu sinh qua ngày. Ông thuê một chiếc thuyền, ăn cùng, ở cùng với những người nghèo khó, những người thất cơ lỡ vận. “Ngoài ấy, nếu biết lựa chiều gió thì tuyệt vời lắm” - ông cười.

Nhưng hồ Gươm vẫn là nơi ông gắn bó suốt nhiều năm, từ khi ông chụp bức ảnh Những đứa trẻ đợi bố ở hồ Gươm năm 1954 đến nay. Một lần lang thang chụp ảnh ở đây, ông bắt gặp câu chuyện của một chàng trai, con của người cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.

Anh ta nói rằng người cha của mình không dám sang Việt Nam, vì vẫn còn hội chứng Việt Nam với nhiều đau xót và cảm giác có lỗi. Ông bèn chụp bức ảnh một anh bộ đội tình tứ bên cô gái ở hồ Gươm gửi cho người con cựu binh Mỹ ấy, để gửi đi thông điệp rằng bây giờ tình yêu đã sinh sôi, nảy nở ở khắp Việt Nam.

“Tôi tin chắc rằng bức ảnh ấy sẽ giúp người cựu binh Mỹ hóa giải được hội chứng Việt Nam ở trong lòng bấy lâu nay. Tôi muốn nói với ông ấy rằng ông hãy cứ sang Việt Nam, đừng ân hận nữa”.

Ông chia sẻ: “Tôi không chụp ảnh chơi bao giờ cả. Tôi chụp ảnh đều có nhiệm vụ và mục đích hết. Mục đích chụp ảnh của tôi là làm Hà Nội tốt đẹp hơn, công bằng hơn, con người yêu thương nhau hơn”.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật