Nga có ‘liều lĩnh’ áp đặt kiểm soát dòng vốn?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngay cả khi kiểm soát vốn chỉ được thực hiện tạm thời, điều đó cũng sẽ dập tắt ước mơ phát triển Moscow trở thành trung tâm tài chính toàn cầu.
Nga có ‘liều lĩnh’ áp đặt kiểm soát dòng vốn?
Ảnh minh họa

Kiểm soát vốn ở Nga - Những chặng đường 8 năm

Nga từng áp dụng biện pháp kiểm soát dòng vốn vào năm 1998. Khi đó, mục tiêu của Moscow là phá giá đồng Rúp (Ruble - RUB) và tuyên bố vỡ nợ. Phải mất 8 năm sau đó, chế độ kiểm soát vốn mới được Nga thay thế bằng chế độ tự do hóa dòng vốn vào năm 2006. Và tình cờ, đúng 8 năm sau đó, những tin đồn về đợt kiểm soát vốn mới lại được dấy lên.

Trả lời hãng tin Bloomberg ngày 30/9, hai quan chức giấu tên của Ngân hàng Trung ương Nga cho biết nước này đang tính đến việc áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn, để ngăn luồng tiền tháo chạy khỏi Nga do căng thẳng chính trị và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga.

100 tỷ USD tháo chạy khỏi Nga

Nga không sai khi lo lắng về hiện tượng dòng vốn tháo chạy. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2014, đã có 74 tỷ USD rời khỏi Nga. Theo Neil Shearing – chuyên gia kinh tế trưởng khu vực thị trường mới nổi tại Capital Economics, con số này được dự báo sẽ lên đến 100 tỷ USD trong cả năm nay, tương đương 4,5% GDP của nền kinh tế Nga.

Kiểm soát dòng vốn là thứ “vũ khí” vô cùng mạnh mẽ. Trên thị trường tài chính Nga, những tác động lớn đã đến ngay lập tức khi việc kiểm soát dòng vốn mới chỉ dừng lại ở những tin đồn. Cụ thể, đồng Rúp Nga đã liên tục “phá đáy” trong suốt hai ngày qua, xuống giao dịch ở 44 RUB đổi 1 USD vào ngày 1/10.

Tuy nhiên, cái giá phải đánh đổi cho một biện pháp ngăn rút vốn hiệu quả cũng không hề rẻ. Nếu biện pháp trên được thi hành, đồng Rúp sẽ tiếp tục giảm giá, nhà đầu tư sẽ yêu cầu mức lợi suất cao hơn đối với các công cụ nợ chủ yếu được phát hành bằng đồng Rúp của Nga. Điều này sẽ xóa bỏ toàn bộ nỗ lực của Chính phủ Nga cũng như Ngân hàng Trung ương trong việc củng cố sức mua của đồng Rúp – đồng nội tệ của Nga và cũng là đồng tiền thanh toán của nhiều đối tác thương mại khác. Trên hết, tác động lớn nhất khó có thể lường trước xuất phát từ tâm lý – Chính quyền Moscow đã điều hành chính sách hoàn toàn đi ngược lại với mong muốn của mọi nhà đầu tư.

Phương sách cuối cùng

Vì vậy, không ít chuyên gia cho rằng, kiểm soát vốn chỉ nên là biện pháp cuối cùng của Nga. Thay vào đó, Ngân hàng Trung ương nước này có thể áp dụng các biện pháp khác nhưng vẫn đạt được mục đích “giữ tiền ở lại”. Một trong số đó là nâng lãi suất điều hành – biện pháp thường được khuyến nghị nhiều nhất dành cho Nga trong thời điểm hiện tại.

Adam Collins – chuyên gia của Capital Economics tại London nhận định: "Chúng tôi nghĩ rằng nhiều khả năng lãi suất sẽ được tăng trước tiên" lên 8,5%. Lãi suất cao hơn có thể giúp bảo vệ đồng nội tệ đang suy yếu và dòng vốn rời khỏi Nga. Nếu tính đến biện pháp này, Ngân hàng Trung ương Nga có cơ hội hiện thực hóa ngay trong cuộc họp chính sách tiền tệ trong tháng 10 này.

Một tuần trước khi xuất hiện tin đồn, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga – bà Elvira Nabiullina từng khẳng định, kiểm soát dòng vốn là biện pháp “không có ý nghĩa gì” vào lúc này. Thay vào đó, bà Nabiullina cho biết sẽ hướng đến ổn định thị trường tài chính, sử dụng nhiều công cụ - bao gồm cả các công cụ “phi chuẩn” để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo dự báo mới nhất mới phát hành hôm qua 1/10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Nga được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2015 – giảm một nửa so với bản dự báo trước đó. Trong năm nay, tăng trưởng GDP của Nga sẽ chỉ đạt khoảng 0,2%.

Dự báo lạm phát của Nga cũng được điều chỉnh tăng do các biện pháp cấm nhập khẩu thực phẩm vào Nga có thể đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Tình trạng tài chính công cũng diễn biến căng thẳng khi thu ngân sách của Moscow sẽ liên tục giảm trong 3 năm tới.

Vỡ mộng "trung tâm tài chính toàn cầu"

Nếu như bản thân người Nga có thể không mấy lo lắng nếu nước này thi hành kiểm soát vốn do những kinh nghiệm đã có trong quá khứ, thì giới quan sát đang lo ngại liệu Nga có đi vào “vết xe đổ” của Venezuela – nước cũng từng áp dụng biện pháp trên nhưng vẫn thất bại trong việc ngăn nền kinh tế sụp đổ.

Dù cho hơn 140 triệu người dân Nga có không quan tâm về việc chuyển tiền ra nước ngoài của mình và dù cho kiểm soát dòng vốn chỉ được áp dụng tạm thời thì vẫn có ít nhất một người phải thất vọng vì ước mơ biến Moscow trở thành trung tâm tài chính toàn cầu có nguy cơ không thể thành hiện thực. Người đó không ai khác chính là Tổng thống Vladimir Putin.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật