Kỳ tích cứu sống trẻ bị ổ áp xe lớn trong não

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ổ áp xe gần 5cm, trẻ lại bị tim bẩm sinh nên không bác sĩ nào dám mổ vì sợ t‌ử von‌g. Cách duy nhất là điều trị bằng thuốc, nhưng vô cùng khó vì ổ áp xe xuất hiện gần 2 tháng - tình trạng rất nặng, thể trạng trẻ gày gò.
Kỳ tích cứu sống trẻ bị ổ áp xe lớn trong não
Hiện Tuấn đã có thể xuất viện, hết sốt, đau đầu; ổ áp xe não teo lại chỉ còn khoảng 1cm. Ảnh: Nam Phương.

Đây là trường hợp bệnh nhi Bùi Đăng Tuấn, 14 tuổi, ở huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk. Sau một tháng điều trị tích cực tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hiện kích thước ổ áp xe chỉ còn gần 1cm, trẻ hết sốt, nôn, đau đầu và có thể xuất viện. Trước đó, các bác sĩ cũng thấy bi quan, gần như hết hy vọng có thể cứu được em.

Theo gia đình, từ khi Tuấn một tuổi đã được gia đình phát hiện bị tim bẩm sinh, nhưng thấy con dù tăng cân chậm vẫn đi học, sinh hoạt bình thường nên gia đình không đi chữa trị. Gần đây, trẻ bỗng dưng đau đầu dữ dội, sốt cao nên được chuyển ra bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Tại đây, trẻ được chẩn đoán bị áp xe não, nhưng điều trị một tháng trẻ vẫn sốt, đau đầu. bệnh viện có hội chẩn ngoại định mổ nhưng do trẻ quá yếu lại bị tim bẩm sinh nên không thể mổ được.

Thấy con chữa mãi không đỡ, gia đình xin cho về nhà người quen ở tạm Hưng Yên. Được 2 ngày, cháu lại sốt cao, đau đầu, nôn liên tục. Lần này, gia đình đưa con vào khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi cho biết, trẻ nhập viện ngày 30/8 trong tình trạng sốt rất cao, nôn nhiều, đau đầu dữ dội, cả đêm trẻ không ngủ được, nằm co quắp ôm đầu. Hình ảnh chụp phim cho thấy một ổ áp xe trong não rất lớn, kích thước khoảng 4-5cm.

Về nguyên tắc những trường hợp có ổ áp xe lớn như thế, các bác sĩ sẽ mổ dẫn lưu ổ áp xe. Tuy nhiên, trường hợp này khoa đã mời hội chẩn ngoại 2 lần nhưng không thể mổ được. Lý do vì trẻ quá gầy - 14 tuổi nhưng chỉ nặng 24 kg, bên cạnh đó lại bị tim bẩm sinh với nhiều dị tật; nếu mổ nguy cơ t‌ử von‌g rất cao.

Vì thế, khoa quyết định thay đổi chiến lược điều trị, dùng thuốc - tính toán dùng kháng sinh chuẩn, đúng liều lượng. Trẻ đã chữa hơn một tháng bằng nhiều loại thuốc nên nếu xét nghiệm cũng không thể tìm thấy vi khuẩn nên các bác sĩ phải khám thật kỹ, tiên lượng xem có thể do vi khuẩn nào.

Theo phó giáo sư Dũng, ngoài tim bẩm sinh, trẻ còn bị viêm xoang mãn tính - vi khuẩn có thể từ xoang lên não gây ổ áp xe. Vì thế, trẻ được chỉ định dùng kết hợp 3 loại kháng sinh có thể tiêu diệt hầu như tất cả các loại vi khuẩn, kết hợp với nuôi dưỡng thật tốt, dùng thuốc chống phù não... Trong tuần đầu diễn biến bệnh của trẻ giảm chậm, đến ngày thứ 10 tình trạng trẻ bắt đầu khá hơn, đỡ đau đầu, đỡ sốt.

“Lúc đầu chúng tôi cực kỳ bi quan với trường hợp này. Theo phân loại ổ áp xe của thế giới những trường hợp nào quá 14 ngày rất khó chữa, ca này kỷ lục 2 tháng. Có nhiều nguyên nhân gây ổ áp xe ở não, ở trẻ này chủ yếu là do 3 nguyên nhân: tim, tình trạng nhiễm trùng chung và ổ xoang mãn tính”, phó giáo sư Dũng chia sẻ.

Đến nay trẻ có thể xuất viện, ăn uống, đi lại bình thường, ổ áp xe còn khoảng 1 cm sẽ tự tiêu hết về sau. Tuy nhiên, để chữa bệnh triệt để, trẻ cần được mổ để sửa dị tật tim bẩm sinh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật