Đã sử dụng hết 30% dung lượng vệ tinh VINASAT-1

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), sau khi được phóng thành công vào ngày 19/4/2008, vệ tinh VINASAT-1 đã và đang hoạt động ổn định với các chỉ tiêu chất lượng hoạt động rất tốt. Hiện, đã sử dụng hết 30% dung lượng vệ tinh VINASAT-1.
Đã sử dụng hết 30% dung lượng vệ tinh VINASAT-1
Ảnh minh họa

Vệ tinh tinh VINASAT-1 kể từ khi phóng lên quỹ đạo cho đến nay đã đi vào khai thác được 6 tháng, hiện vệ tinh đang được điểu khiển và giám sát 24/24h bởi đội ngũ các kỹ sư Việt Nam và chuyên gia nước ngoài tại hai trạm điều khiển Quế Dương và Bình Dương.

 

Theo ông Lê Thành Nam, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin vệ tinh – Công ty Viễn thông quốc tế -VTI (thuộc VNPT), sử dụng vệ tinh VINASAT-1 hiện nay có cả khách hàng trong và ngoài nước. Khách hàng sử dụng vệ tinh trong nước là các Đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, doanh nghiệp khai thác trong ngành dầu khí, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, các cơ quan Bộ, ngành. Khách hàng sử dụng vệ tinh nước ngoài hiện có Thái lan, Singapore, Lào… Tính đến thời điểm này, sau khi vệ tinh đã đi vào khai thác chính thức được 6 tháng, đã có khoảng 30% dung lượng của vệ tinh VINASAT-1 được sử dụng cho các mục đích thương mại và thử nghiệm dịch vụ.

 

Bên cạnh đảm bảo lợi ích quốc gia về chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, mục tiêu đặt ra hàng đầu của VNPT vẫn là phải kinh doanh và khai thác vệ tinh VINASAT-1 có hiệu quả. Theo đó, VNPT đã tích cực triển khai hoạt động kinh doanh song song với giai đoạn thực hiện dự án. Từ khi vệ tinh VINASAT-1 đi vào hoạt động, VTI đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện phủ sóng thành công các kênh truyền hình quảng bá như VTV1, VTV2, VTV3, VTV4 trên mọi miền Tổ quốc và phủ sóng đến một số nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Mặt khác, VTI đã và đang chủ động thực hiện chuyển các kênh VSAT hiện đang thuê dung lượng của vệ tinh nước ngoài sang sử dụng vệ tinh VINASAT-1.

 

VTI đã ký hợp đồng với Đài truyền hình Việt Nam sử dụng gần một nửa bộ phát đáp băng tần C và đang đàm phán hợp đồng sử dụng một số bộ phát đáp trên băng tần Ku. VTI cũng đã ký hợp đồng với Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh với dung lượng 2 bộ phát đáp trên băng tần Ku; đã ký hợp đồng với Công ty MODEC MANAGEMENT SERVICES PTE LTD sử dụng 5MHz dung lượng băng C phục vụ thông tin liên lạc giữa các tầu khai thác dầu ở vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, VTI cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc sử dụng dung lượng vệ tinh với các khách hàng như Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) và đang đàm phán hợp đồng sử dụng 2 bộ phát đáp băng Ku. VTI hiện đang làm việc với Viettel về khả năng sớm sử dụng dung lượng băng tần C phục vụ triển khai mạng VSAT của Viettel. Bên cạnh đó, VTI cũng đã làm việc và ký hợp đồng với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Bình Dương (BTV), Đài Tiếng nói Thành phố Hồ Chí Minh (VOH), Tổng Công ty Viễn thông Toàn cầu (GTel) và đang làm việc với các cơ quan thuộc các Bộ ngành trong nước có nhu cầu sử dụng vệ tinh VINASAT-1 như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao,...

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi theo dõi phóng vệ tinh VINASAT-1 ngày 19/4/2008. Ảnh:Lê Quang

 

Căn cứ vào khả năng phủ sóng thì VINASAT-1 có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn cả ở các thị trường lớn khác như: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, … và thậm chí còn phủ sóng tới tận vùng Hawaii của Mỹ. Để thực hiện mục tiêu kinh doanh vệ tinh VINASAT-1 với hiệu quả cao nhất, VNPT, thông qua Công ty trực thuộc là VTI, khẩn trương xúc tiến làm việc với các đối tác nước ngoài về khả năng hợp tác kinh doanh. Đến nay, VTI đã ký kết hợp đồng đào tạo với SES ASTRA (hãng khai thác vệ tinh của Luxembourg); ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác kinh doanh và trao đổi lưu lượng với hãng khai thác vệ tinh ABS (Hongkong); ký kết biên bản ghi nhớ về việc làm đại lý bán lại băng tần vệ tinh VINASAT-1 với Universal Telecom Services (Mỹ); đàm phán để ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác kinh doanh và trao đổi lưu lượng với hãng khai thác vệ tinh Protostar (Singapore).

 

VTI cũng đang đàm phán với các đối tác nước ngoài về khả năng hợp tác kinh doanh dịch vụ vệ tinh VINASAT-1 tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương, tiến hành trao đổi với các đối tác nước ngoài về khả năng cho thuê một số bộ phát đáp băng C tại các thị trường Indonesia và Ấn Độ, đàm phán với Thaicom về khả năng cho thuê và hoán đổi dung lượng vệ tinh.

 

Theo đại diện VTI, chính sách giá cước dịch vụ vệ tinh của các nhà khai thác trên thế giới rất linh hoạt, dựa trên yêu cầu cụ thể của khách hàng về quy mô dịch vụ, thời hạn dịch vụ, yêu cầu kỹ thuật..., ở từng thị trường giá cước sẽ khác nhau. Chính sách giá cước dịch vụ vệ tinh VINASAT-1 cũng được xây dựng theo nguyên tắc như vậy nên sẽ khó đưa ra mức so sánh cụ thể về giá. Tuy nhiên giá thuê dịch vụ VINASAT-1 của VNPT linh hoạt và đảm bảo cạnh tranh với các vệ tinh trong khu vực.

 

Theo kết quả đo thử vệ tinh trên quỹ đạo do Ban Chỉ đạo Quốc gia Dự án Vinasat, hầu hết thông số thực của VINASAT-1 đều vượt các chỉ tiêu thiết kế, như thời gian sống 25,9 năm (yêu cầu là 20 năm), độ tin cậy là 0,84 (so với yêu cầu là 0,78), số bộ phát đáp có thể hoạt động là 23 bộ (yêu cầu là 20 bộ).

 

Cũng theo VNPT, kế hoạch sản xuất vệ tinh VINASAT-2 hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, nhu cầu xã hội và khả năng kinh doanh dung lượng trên vệ tinh VINASAT-1. Khi việc kinh doanh khai thác vệ tinh triển khai theo đúng kế hoạch dự kiến và nhu cầu thị trường tiếp tục phát triển, thì khả năng phóng quả vệ tinh VINASAT-2 trong vòng 4-5 năm nữa là khả thi.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật