Cơn đau đầu nặng của Trung Quốc: Hồng Kông hay Tân Cương?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phong trào dân chủ đang lan khắp Hồng Kông. Đây có lẽ là cơn đau đầu nặng nhất của Trung Quốc vào thời điểm này chứ không phải Tân Cương.
Cơn đau đầu nặng của Trung Quốc: Hồng Kông hay Tân Cương?
Ảnh minh họa

Sinh viên, trí thức Hồng Kông đòi dân chủ đúng luật

Rạng sáng 28/9, người khởi xướng phong trào "Chiếm lĩnh trung tâm", Phó Giáo sư Đại học Hồng Kông Đới Diệu Đình đã tuyên bố chính thức khởi động hoạt động này, bắt đầu bằng việc chiếm lĩnh trụ sở chính quyền Đặc khu với 2 yêu sách: Một là, Thường vụ Quốc hội Trung Quốc phải rút lại quyết định liên quan tới vấn đề cải cách chính trị của Hong Kong được thông qua hôm 31/8. Hai là, Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh phải đưa ra báo cáo cải cách chính trị phản ánh được nguyện vọng chân thực của người dân Hong Kong. Nếu hai yêu cầu trên không được đáp ứng, hành động "Chiếm lĩnh trung tâm" sẽ leo thang.

Các nhà tổ chức ước tính khoảng 80.000 người đã xuống đường. Cảnh sát chống bạo động liên tiếp bắn đạn hơ‌i ca‌y vào các đám đông biểu tình và dùng gậy ngăn chặn dòng người xông về phía trước.

Trước đó, cảnh sát Hồng Kông đã phong tỏa toàn bộ các tuyến phố chính để ngăn chặn phong trào biểu tình "Chiếm lĩnh trung tâm” làm tê liệt trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.

Người phát ngôn Cảnh sát Hồng Kông Kong Man-Keung khẳng định nhà chức trách sẽ bắt giữ bất kỳ ai sử dụng B.L.

Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau của chính quyền Bắc Kinh cũng tuyên bố ủng hộ cách xử lý tình hình của chính quyền Hông Kông.

Vào rạng sáng 26/9, gần 1.000 học sinh Hồng Kông, phần lớn mặc đồng phục, đã đồng loạt bãi khóa để đồng hành cùng các sinh viên đại học xuống đường biểu tình đòi dân chủ.

Đến tối 26/9, cảnh sát cũng nhiều lần dùng hơ‌i ca‌y để giải tán người biểu tình sau khi khoảng 150 người xông vào trụ sở chính quyền Hồng Kông. Bao vây bên ngoài trụ sở là tổng cộng khoảng 1.000 người biểu tình. Sang ngày 27/9, nhiều người biểu tình đã bị bắt.

Phong trào "Chiếm lĩnh trung tâm" đã lan ra toàn Hồng Kông. Hiệp hội Giáo viên Hồng Kông (PTU) cũng kêu gọi đình công từ ngày 29/9 để phản đối cảnh sát “dùng vũ lực và vũ khí” giải tán người biểu tình. Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông ra tối hậu thư cho chính quyền đặc khu và chính quyền trung ương. Sinh viên cũng kêu gọi người dân Hồng Kông và giới doanh nhân tham gia đình công.

Đây có lẽ là cơn đau đầu nặng nhất của Bắc Kinh, thậm chí còn hơn cả Tân Cương bởi phong trào đấu tranh đòi dân chủ của sinh viên, trí thức Hồng Kông diễn ra có quy mô, có tổ chức và có tiếng vang trên thế giới.

Nhà báo Kristina Kwok của một tờ báo lớn tại đặc khu Hồng Kông nhận định với báo Thanh Niên: "Tôi vừa nghe chính quyền đang triển khai thêm cảnh sát và đe dọa sử dụng các biện pháp mạnh để giải tán đám đông. Điều đó có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Tôi đã đến tận nơi biểu tình và thấy những sinh viên tổ chức rất bài bản, họ ôn hòa trong ứng xử và tôn trọng Pháp Luật”. Nhà báo này cũng dự đoán, nếu chính quyền Hồng Kông không xử lý được biểu tình theo cách mà trung ương mong muốn thì sự can thiệp trực tiếp từ Bắc Kinh có thể sẽ xuất hiện.

Một điều quan trọng khác khiến phong trào dân chủ của Hồng Kông khiến Trung Quốc lo lắng là bởi Hồng Kông có sức mạnh kinh tế, có tiếng nói trên trường quốc tế. Khi được Anh trao trả cho Trung Quốc với thỏa thuận "một quốc gia, hai chế độ", Hồng Kông tiếp tục giữ vai trò là một thương cảng tự do, trung tâm thương mại, tài chính quốc tế và duy trì, phát triển quan hệ kinh tế với các nước, các vùng lãnh thổ khác trên thế giới.

Không phải đến bây giờ phong trào dân chủ của Hồng Kông mới xuất hiện và bùng nổ. Trước khi chính quyền Trung Quốc đưa ra một khuôn khổ hạn chế đối với các cuộc bầu cử chọn ra người đứng đầu Hồng Kông (sẽ thực hiện vào năm 2017), hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra liên tiếp trong đó tiêu biểu là cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ hôm 1/7 với sự tham gia của hàng chục nghìn người Hồng Kông và cuộc trưng cầu dân ý không chính thức về cải cách dân chủ hồi tháng 6/2014 với sự tham gia của gần 800.000 người.

Tuy nhiên, cho đến nay, phong trào đấu tranh của Hồng Kông đã có bước ngoặt với quy mô và tổ chức rộng lớn, bài bản hơn rất nhiều. Những hành động này thậm chí có thể gây nguy hiểm và lo ngại cho Trung Quốc hơn là những vụ tấn công B.L đã và đang diễn ra tại Tân Cương.

Đài Loan từ chối cành ô liu "một quốc gia, hai chế độ"?

Trong một diễn biến khác, lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai đề xuất công thức "một quốc gia, hai chế độ" đối với Đài Loan kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.

Tại cuộc gặp phái đoàn ủng hộ tái thống nhất đến từ Đài Loan, ông Tập đã đưa ra đề xuất trên và cho rằng: “Tái thống nhất một cách hòa bình và một quốc gia, hai chế độ là nguyên tắc chỉ dẫn của chúng ta trong giải quyết vấn đề Đài Loan” và là “cách tốt nhất để hiện thực hóa tái thống nhất dân tộc”.

Tuy nhiên, đáp lại, nhà lãnh đạo Đài Loan, ông Mã Anh Cửu, người vốn theo chủ trương thân thiện với Trung Quốc đại lục, thẳng thừng từ chối. Bà Mã Vĩ Quốc, phát ngôn viên của Đài Loan cho biết, ông Mã Anh Cửu đã bày tỏ sự phản đối với quy chế "một nhà nước, hai chế độ" mà Bắc Kinh hứa hẹn với Đài Loan, nếu thống nhất vào Trung Quốc. Chính quyền và nhân dân Đài Loan không chấp nhận quy chế này, bà nói.

Tờ Want China Times của Đài Loan cũng cho biết, phần lớn người dân Đài Loan không ủng hộ ý tưởng tái thống nhất với Bắc Kinh hay các quy chế như “một quốc gia, hai chế độ”.

Bắc Kinh đã áp dụng quy chế trên với Hồng Kông và đây cũng là điều Trung Quốc muốn thực hiện kể từ khi lãnh đạo Đặng Tiểu Bình lần đầu đưa ra ý tưởng vào những năm 1980. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra tại Hồng Kông sau khi Bắc Kinh từ chối yêu cầu được tự do bầu cử của người dân, việc Đài Loan từ chối cành ô liu ông Tập chìa ra cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật