Thăng trầm phố cổ - Kỳ I: Hồn cốt ngàn năm

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với người Việt mình thì khu phố cổ là “Hồn cốt” của thành phố ngàn năm tuổi. Chả thế mà hầu như ai đó có dịp về qua Hà Nội, đều ít nhất một lần ghé thăm khu phố cổ, để mà xem, để mà đắm mình vào nhịp sống hối hả, tấp nập bán mua suốt ngày đêm ở nơi đây. Còn với du khách nước ngoài thì kiến trúc và cuộc sống của khu phố cổ có sức quyến rũ đặc biệt.
Thăng trầm phố cổ - Kỳ I: Hồn cốt ngàn năm
Phố cổ Hà Nội là nguồn cảm hứng vô tận với danh họa Bùi Xuân Phái.

Kỳ I: Hồn cốt ngàn năm

Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, những con phố chạy dọc ngang với những ngôi nhà lô xô, mái ngói thâm nâu, tường vôi mốc thếch loang lổ rêu phong, đã in dấu, hằn sâu trong ký ức của biết bao thế hệ người Hà Nội.

Có nơi nào như nơi đây, nơi những đường phố nhỏ có cái tên bắt đầu từ chữ Hàng, gợi cho ta nhớ về những phường nghề xa xưa của ông cha thời dựng nước. Đó là những Hàng Khay, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Bồ, Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Mắm..., rồi Thuốc Bắc, Lò Rèn, Lãn Ông, Cầu Gỗ, Đồng Xuân, Cửa Đông... Thủa ấy, vào cuối thế kỷ thứ X, dân làng nghề tứ xứ kéo nhau đổ về ngoài thành Thăng Long sinh cơ lập nghiệp, quây quần bán mua bên bờ sông Nhị. Dần dần tạo thành phường, thành hội. Câu ca “Buôn có bạn, bán có phường” cũng là vì thế. Như phố Hàng Đào chuyên bán tơ lụa, vải vóc. Phố Hàng Bạc chuyên về nghề đúc bạc, chế tác kim hoàn. Hay phố Hàng Chĩnh chuyên mua bán đồ sành sứ của làng Phù Lãng, Thổ Hà...


Cho đến những năm 1875, khi người Pháp tiến hành công cuộc đô thị hóa lần thứ nhất ở Hà Nội, thì khu 36 phố phường được xây dựng lại với việc xây dựng hệ thống đường phố rộng rãi theo hình ô bàn cờ, trải nhựa, có vỉa hè, hai bên xây nhà phố một, hai tầng lợp ngói. Nhà có đặc trưng là mặt tiền hẹp, chỉ rộng hơn 3 m nhưng chạy sâu vào bên trong như một cái ống dài vài chục mét, nhiều nhà còn thông từ phố này sang phố kia, nhưng được khéo léo ngăn chia thành nhiều lớp bởi các khoảng sân trong, là nơi nghỉ ngơi thư giãn, trồng cây cảnh, đón ánh sáng, gió và khí trời, tạo nên nét độc đáo của kiến trúc nhà ống. Nhà phố thường dùng tầng một để mở cửa hàng, nơi buôn bán trao đổi.

Phố Hàng Thiếc trong tranh Bùi Xuân Phái.

Bên trong và tầng hai dùng để ở, làm kho chứa hàng hóa. Do nơi đây buôn bán thuận lợi, giao thương dễ dàng vì cạnh sông Hồng nên rất nhiều người Hoa và cả người Ấn cũng tìm đến để làm ăn sinh sống. Phố Hàng Buồm đông người Hoa nhất. Ở đây có cả Hội quán Triều Châu, Phúc Kiến. Người trong phố cổ sống với nhau hòa thuận, coi trọng nếp nhà, tình người, lễ nghĩa, tuy làm ăn buôn bán nhưng rất đàng hoàng và luôn giữ chữ tín. Chính những đức tính đó đã tạo nên văn hóa thanh lịch của người Tràng An.

Cuối những năm 70 trở về trước, khu phố cổ Hà Nội hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Những ngôi nhà lô xô mái ngói thâm nâu, nhô ra thụt vào với mái hiên thấp lè tè là đề tài lãng mạn để họa sỹ tài danh Bùi Xuân Phái sáng tạo nên những tuyệt tác mang tên “phố Phái”. Khi đó, tầu điện chạy suốt từ dưới chợ Mơ lên Bờ Hồ rồi qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân, Quán Thánh, Thụy Khê cho đến tận Bưởi. Người từ ngoại ô vào, hay ở các phố trung tâm lên khu phố cổ hầu hết đều đi tầu điện. Chỉ với 5 xu, là đi thoải mái.

Thời ấy, người Hà Nội còn thưa vắng, không đông đúc, nhộn nhạo như bây giờ. Giao thông trong thành phố cũng thưa thớt, chủ yếu là xe đạp, xe buýt và đặc biệt là tầu điện. Chao ôi! Còn gì thú vị bằng được ngồi trên chiếc ghế băng bằng gỗ trong toa tầu điện nghe tiếng chuông “leng keng... leng keng” mỗi khi tầu đến chỗ tránh, đông người... để mà ngắm nhìn phố phường qua ô cửa sổ. Bây giờ, đường tầu điện đã bóc đi, các đầu tầu nghe nói cũng đã bị bán cho nước ngoài theo giá sắt vụn. Thật tiếc!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật