Đường sắt đô thị đội vốn: Bộ trưởng Thăng vào cuộc

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện 6 dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại Hà Nội và TPHCM.
Đường sắt đô thị đội vốn: Bộ trưởng Thăng vào cuộc
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội)

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về 6 dự án ĐSĐT, Bộ GTVT cho biết, đây đều là những dự án lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, có quy mô và tổng mức đầu tư (TMĐT) rất lớn và sử dụng vốn vay ODA.

Công nghệ áp dụng đều là công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến, có độ tin cậy cao trong khai thác và vận hành (Nhật, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Canada, Trung Quốc…); xuất xứ hàng hóa của các dự án thường bị ràng buộc bởi các điều kiện vay trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định.

Thế nhưng, trong quá trình triển khai các dự án đều gặp nhiều khó khăn dẫn đến phải điều chỉnh, TMĐT tăng từ 50,2 - 172% so với TMĐT ban đầu và điều chỉnh tiến độ từ 2-4 năm.

Từ thực tế này, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án ĐSĐT tại Hà Nội và TPHCM do Bộ trưởng Bộ GTVT là Trưởng ban. Phó ban là các Thứ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Hà Nội, TPHCM và đại diện các Bộ, ngành liên quan làm thành viên Ban Chỉ đạo nhằm đôn đốc việc thực hiện các dự án và tăng cường sự phối hợp của các Bộ ngành với các địa phương trong quá trình triển khai dự án.

Đặc biệt, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục giám sát để tránh xảy ra thất thoát, tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong quá trình thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, lập quy hoạch chi tiết các dự án ĐSĐT trong quy hoạch xây dựng chung để xác định chỉ giới quy hoạch và các công trình kiến trúc, nâng cao tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu khi thương thảo, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.

Trong khi, theo TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải thì nếu cho rằng là do mới thực hiện những dự án đường sắt đô thị nên nguồn nhân lực chưa hiểu biết cũng không đúng bởi những người làm các dự án này, năm nào cũng đều được đi các nước để học hỏi kinh nghiệm. Vậy số tiền hàng nghìn tỷ của nhân dân dùng đi sang các nước để làm gì?

Chính vì vậy, ông khẳng định nguyên nhân đội vốn chủ yếu là do nhân sự, con người chứ không cần đổ ở đâu.

"Nếu lãnh đạo là những người có chuyên môn, có trách nhiệm với XH, những người được chọn là những người thực sự rút kinh nghiệm có tâm huyết, đúng chuyên môn, người chủ trì công trình ít nhất cũng đã từng làm nhiều công trình giao thông đô thị, nắm được kiến thức vững vàng, thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Còn ở đây, do chúng ta chọn không đúng người, không đúng chuyên môn, năng lực đã yếu kém, tâm càng yếu kém hơn nữa, thì hệ quả như vậy là điều sớm hay muộn", ông Thủy nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng đưa ra lời cảnh báo: "Bộ GTVT nên lưu ý, trước khi làm thì nên có sự tư vấn chuyên nghiệp cẩn thận tránh việc làm sai rồi mới thấy hối hận, kiểu tại sao tất cả đúng quy trình mà tai nạn vẫn xảy ra".

Cho nên phải có ràng buộc về cơ chế trong việc thi hành các dự án, không ai chịu trách nhiệm thì cha chung không ai khóc, tăng thì lại xin, xin thì lại cho, cuối cùng tất cả đều lại trở về vị trí ban đầu.

Trước đó, ngày 12/9, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã cùng làm việc với Hà Nội, TP HCM "mổ xẻ" các nguyên nhân chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư của các dự án đường sắt đô thị, Bộ Trưởng cho rằng, do chưa có tiền lệ thực hiện dự án đường sắt, cũng như chưa có con người đủ kiến thức, bản lĩnh để nghiên cứu thấu đáo nên khâu chuẩn bị đầu tư sơ sài, đưa ra tổng mức ban đầu rất thấp nên phải điều chỉnh sau này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật