Nicolas Ancion: ‘Viết tiểu thuyết trong 24h như đi vào giấc mơ’

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhà văn viết tiểu thuyết trong 24h không định hình trước đề tài ông sẽ viết trong cuốn tiểu thuyết sáng tác tại hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn.
Nicolas Ancion: ‘Viết tiểu thuyết trong 24h như đi vào giấc mơ’
Nhà văn Nicolas Ancion đang viết tiểu thuyết trực tuyến trong 24h tại không gian L’Espace ở Hà Nội sáng 25/9. Ảnh: Quân.

- Từ đâu ông có ý tưởng viết tiểu thuyết chỉ trong vòng 24h?

- Tôi không chắc chắn, viết tiểu thuyết trong vòng 24h trực tuyến trên mạng (viết marathon) có thành công hay không, nhưng tôi muốn được thử thách bản thân. Tôi nhận thấy thế giới người lớn chúng ta giống như một cỗ máy, cứ lặp đi lặp lại những việc mà mình đã biết, và làm một cách thuần thục. Trong khi tôi may mắn được làm nghề viết là một nghề sáng tạo. Vì thế, tôi muốn thử thách mình, muốn làm một việc khác với những việc mọi người và bản thân tôi đã làm trước đó.

- Tại sao ông chọn Việt Nam là điểm dừng chân kế tiếp để viết?

- Tôi có ước mơ được viết năm cuốn tiểu thuyết trong vòng 24h ở năm châu lục khác nhau. Tôi đã thực hiện việc viết tiểu thuyết trong vòng 24h lần đầu ở Bruxelless (châu Âu), lần hai ở New York (châu Mỹ). Khi được biết Chuyện tầng 5 được xuất bản ở Việt Nam, tôi đã đề nghị công ty phát hành là Nhã Nam cho tôi được thử thách ở châu Á.

- Ông nhận được phản hồi thế nào về hai tác phẩm trước?

- Lần thứ nhất tôi viết ở hội chợ sách của Bỉ. Tác phẩm có tên Một diện tích rất nhỏ. Còn tác phẩm ở Mỹ có tên Chạy tới tận New York. Sau đó, tôi nhận được lời đề nghị xuất bản tác phẩm này thành sách. Khi đó, tôi có trau chuốt lại một chút, đổi tên thành New York 24h. Sách được in để phục vụ cho sinh viên Mỹ học tiếng Pháp.

- Ông hiểu biết gì về đất nước Việt Nam trước khi tới đây viết sách?

- Tôi không hề đọc thông tin, tìm hiểu gì về Việt Nam. Sở thích của tôi là đi du lịch, tới một vùng đất nào đó, ở lại lâu, có khi tới vài tháng. Điều đó cho tôi ham muốn khám phá, cũng như cho tôi ham muốn được viết về vùng đất đó.

Hai chữ Việt Nam đã tồn tại trong tiềm thức tôi từ nhỏ. Năm 11 tuổi, tôi gặp một người bạn từ Việt Nam sang Bỉ và kết thân với cậu ta. Đối với tôi, trong bản đồ châu Á, Việt Nam và Nhật là hai sợi dây liên hệ.

- Ông đã phải chuẩn bị gì cho lần viết này?

- Viết tiểu thuyết trong 24h giống như đi vào một giấc mơ. Chúng ta không thể biết được mình sẽ mơ thấy chuyện gì. Cho đến giờ, tôi vẫn chưa biết mình sẽ viết gì vào buổi sáng khởi đầu 25/9. Tôi chưa định hình gì cả. Nhưng thường trong khoảng nửa tiếng đầu, tôi sẽ có bốn, năm ý tưởng khác nhau hiện lên trong đầu. Ý tưởng luôn có, vấn đề là chúng ta sẽ triển khai nó ra sao mà thôi.

- Ông làm thế nào để nuôi cảm xúc của mình trong 24h để hoàn thành tác phẩm?

- Tôi cho rằng không nhất thiết phải có cảm xúc tác động ta mới cầm bút sáng tác. Tất cả cảm hứng nằm trong lòng, trong tim người viết. Cảm xúc của người viết sẽ thể hiện trong câu chữ, trong nội dung đọng lại với độc giả. Tôi từng biết đại văn hào Nga Dostoesky phải viết gấp một tác phẩm trong một tuần để lấy tiền trả nợ, và đó là một kiệt tác của ông.

- Trong quá trình viết rồi xuất bản trực tuyến, ý kiến phản hồi của độc giả ảnh hưởng như thế nào tới tác phẩm của ông?

- Khi viết trực tuyến, tôi vừa nghĩ, viết, vừa đọc phản hồi của độc giả. Những comment đó có tác động nhất định tới tác phẩm của tôi. Có khi tôi đi theo ý kiến, mong muốn của độc giả, cũng có khi tôi làm ngược lại hoàn toàn cho vui. Lần viết tác phẩm ở Bỉ, khi tôi sáng tác trực tuyến, cũng có một nhà phê bình văn học vào phê bình. Trong một phản hồi, ông ấy nói rất thích nhân vật của tôi, vì lẽ này, lẽ kia. Thế là tôi tìm cách cho nhân vật ấy già đi, ốm yếu và biến mất khỏi tác phẩm.

- Đã bao giờ ông nghĩ sẽ dành thời gian sau đó để hoàn thành các tiểu thuyết viết trong 24h cho tốt hơn?

- Tôi hài lòng với những tác phẩm đã hoàn thành của mình. Nếu có nhiều thời gian hơn, tôi sẽ viết một tác phẩm khác chứ không chỉnh sửa lại tiểu thuyết đã viết trong một ngày đêm. Như Chuyện tầng 5 được tôi viết trong hai năm, và được biết các dịch giả Việt Nam mất một năm rưỡi để dịch tác phẩm này. Tôi cũng từng theo đuổi một tiểu thuyết trong 10 năm, rồi sau đó thấy nó không hay nên bỏ dở. Bởi vậy tôi không đặt yếu tố viết nhanh hay viết chậm để đánh giá chất lượng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật