Công nghệ Trung Quốc khiến người Việt ‘chăm’ thiệt hơn ‘lười’?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đáng lẽ ra 100 công nhân nhà máy điện có thể sản xuất ra 1 vạn KWh, nhưng do máy không ra gì, nên chỉ sản xuất ra được 4000 KWh
Công nghệ Trung Quốc khiến người Việt ‘chăm’ thiệt hơn ‘lười’?
Người nông dân rất kém trong việc dự báo thị trường

Đó là nhận định của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, viện trưởng viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ, trước câu chuyện người Việt lười hay không lười.

Không chủ động trong sản xuất

PV:- Vừa qua, theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, với sự tham gia của 1.005 sinh viên, du học sinh, trí thức trẻ (18-35 tuổi) trên cả nước, khi được hỏi về những đức tính của người Việt trong quá khứ và hiện tại, thì hầu hết đều chọn đức tính cần cù, thân thiện, tỷ lệ lên tới hơn 80%. Thế nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng con số điều tra này không phản ánh được thực tế đang diễn ra trong xã hội hiện nay. Quan điểm của ông ra sao?

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung:- Tôi thấy nó có thể đúng với nông dân Việt từ trước cho đến khi bị áp lực từ mô hình HTX hay các tổ chức làm không mang lại hiệu quả.

Nếu người nông dân ngày xưa thì đúng là họ rất cần cù, còn sau này có nếp làm việc với HTX thì họ rất lười biếng, bởi lý do làm bao nhiêu thì cũng chỉ được cho bấy nhiêu điểm và cũng không đủ ăn. Cho nên họ luôn có quan niệm như vậy không phải làm cho họ, mà làm còn phải nuôi bộ máy của HTX, cho nên không việc gì phải tích cực lao động.

Nông dân miền Bắc đã có biết bao nhiêu năm bị kiểu làm ăn HTX chi phối, từ đời bố, đời mẹ, cho đến đời con. Nói chung, khi đó cần cù chỉ còn ở lĩnh vực tư nhân, từng tổ chức tư nhân, nhưng khi đã vào công xã thì lại không còn.

Còn nói cụ thể về con số điều tra này, tôi nghĩ cần thực hiện ở những hoàn cảnh điều tra khác nhau, tổ chức khác nhau, lao động ở lĩnh vực khác nhau thì mới có được những kết quả chính xác.

Chứ còn cũng có nhiều số liệu tổng kết điều tra cho rằng hiện nay công nhân VN làm kém tất cả công nhân ở tất cả các nước Đông Nam Á, lười biếng, công suất thấp.

PV: - Một thực tế hiện nay đang xảy ra, nông dân dù có cần cù chăm chỉ lao động nhưng hiệu quả kinh tế thu được lại quá thấp hoặc lỗ to: đua nhau trồng cao su nhưng khi thu hoạch thì bán không được, giá thành thấp; thu hoạch thanh long, dưa hấu, củ cải… thì không bán được phải cho bò ăn hoặc bỏ thối tại ruộng…chính những điều này dẫn đến tình trạng người nông dân nản lòng, nhiều người bỏ ruộng trong khi không kiếm được việc làm khác.

Có thể quy chụp những người như thế là lười biếng không? Theo ông, đánh giá sự cần cù chịu khó lao động hiện nay có cần phải thêm điều kiện hiệu quả không, vì sao?

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung:- Tôi khẳng định không thể quy chụp những người này là lười biếng, vì đó là do hoàn cảnh.

Còn bất kỳ một nghề nghiệp nào cũng có rủi ro của nó, tất cả các sản phẩm mà sản xuất ra nếu chỉ để tự cung tự cấp, làm ra lúa để ăn, làm ra con gà, con lợn cũng để ăn thì dĩ nhiên không phải sợ. Nhưng nếu làm để bán ra thị trường thì chưa chắc đã quản lý được.

Vì nếu ở thị trường trong nước thì nhà nước có thể có biện pháp này, biện pháp khác như: kích cầu, thu mua giá cao. Nhưng còn ở thị trường quốc tế thì không thể nào chi phối được, vì nó bấp bênh có lúc lên, lúc xuống. Cho nên lao động có lúc tự nhiên thắng lên, vì giá thế giới tăng, nhưng có lúc giá cả thấp, người nông dân phải chịu hậu quả. Tức là nghị quyết của Đảng chỉ đạo vùng này sản xuất cái này, vùng kia sản xuất cái kia, nhưng đến lúc không đạt hiệu quả thì người ra nghị quyết có bị ảnh hưởng gì đâu, mà chỉ có người thực hiện theo chịu thiệt.

Còn người nông dân kể cả người có học thức, họ cũng rất kém trong việc dự báo thị trường. Chính vì vậy, nên họ chưa chủ động được thị trường tiêu thụ, nếu tự cung tự cấp nhà có bao nhiêu người mà phải làm ra bao nhiêu lúa, bao nhiêu thịt để ăn thì quá dễ dàng. Nhưng giờ XH không chỉ cần như thế, mà còn cần thuốc men, cần đi chơi, cần học hành,vì vậy cho nên phải làm ra hàng hóa để bán, phải chịu rủi ro chi phối bởi thị trường.

Chính vì thế, cho nên cần cù và hiệu quả có lúc liên kết, có lúc không liên kết với nhau, con người cần cù vẫn cần cù, nếu họ biết tôi làm cho tôi. Thoát khỏi kiểu làm việc HTX, ruộng đã được chia, vì vậy làm không bị người khác bó‌c lộ‌t, trừ trường hợp đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước, nuôi quân đội, công an, nhưng điều đó dễ chấp nhận vì đó là nghĩa vụ mà nước nào cũng phải nuôi.

Cái chính là họ thấy họ làm để họ thưởng, thì cần cù sẽ dần dần quay lại. Về sản xuất hàng hóa, nếu cấp trên chỉ đạo mà làm thua lỗ thì phải chịu trách nhiệm, cũng giống như thực trạng, phổ biến không trồng lúa chỉ trồng khoai, trong khi khoai thì không bán được, lúa thì lại đắt lên, chuyện này là không chủ động trong sản xuất, cần nhìn nhận lại.

Công nghệ lạc hậu

PV: - Tương tự như với người nông dân, đội ngũ công chức cũng bị dư luận đánh giá có tới 30% công chức cắp ô, nghĩa là những người này vẫn đảm bảo giờ giấc, ngày công làm việc đầy đủ, họ mẫn cán, cần cù một cách hình thức trong khi hiệu quả công việc thì hầu như không có. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng nhiều lần về công chức như thế nhưng việc cắt giảm biên chế vẫn không có chuyển biến gì.

Như vậy là có một nghịch lý đã xuất hiện: hiệu quả thấp mà vẫn cần cù mẫn cán? Phải gọi sự cần cù mẫn cán ấy là gì, thưa ông?

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung:- Cần cù là do bản chất của con người, mỗi người sẽ có mức cần cù khác nhau, chứ không phải cứ vào cơ quan nhà nước thì ai cũng cần cù. Giờ mình cứ so sánh với các nước khác sẽ thấy ngay, biên chế người làm quản lý nhà nước của nước ta thường gấp 3 lần nước khác.

Ở 1 nước Đông Nam Á, ví dụ như Malaysia, họ quản lý rất tốt, họ vạch rõ để quản lý đất nước họ cần bao nhiêu % công chức làm việc. Trong khi, bộ máy của nước ta phình ra gấp 3 lần, đáng lẽ chỉ trả lương cho 1/3 số người đó thì lương rất cao; nhưng chia lên 3 lần thì tất nhiên sẽ thấp.

Chi tiêu không đủ thì ai cũng muốn có cái gì thêm , như vậy ắt sẽ nảy sinh tham ô, ăn cắp, rút bớt thời gian làm việc. Nhưng chúng ta phải trả lời tại sao mình trả lương như thế vì nước ta có 3 bộ máy làm việc, còn các nước khác chỉ có bộ máy công chức của chính phủ.

Trong khi đó, lúc nào cũng nói cắt giảm, nhưng giảm thì giảm bao nhiêu, giảm chỗ nào, chỗ cần giảm thì chưa chắc đã muốn giảm, đôi khi lại giảm người công chức thực sự làm việc cho chính phủ.

Còn cần cù mẫn cán thì đúng là hợp để nói trong ngữ cảnh này, nhưng nó cũng tùy con người, môi trường làm việc,ví dụ các nước tư bản nếu không cần cù thì sẵn sàng bị đuổi ra khỏi lĩnh vực ấy. Nếu như là công nhân của một nhà máy làm việc theo dây chuyền, cá nhân anh không cần cù thì ảnh hưởng đến người trước, người sau, công ty sẽ loại ngay và chọn người khác.

Ngay cả đến thời gian làm việc cũng rất khắt khe, chỉ cần đến muộn 10 phút thì cửa đóng không vào được nữa, chứ không như người Việt chúng ta hay cao su thời gian, rồi xin nghỉ vì lý do là hôm nay bố đến thăm thì tôi nghỉ.

PV: - Nếu có thể, xin ông phân tích các nguyên nhân dẫn đến sự trái khoáy nghịch dị nêu trên?

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung:- Cũng có thể bản chất của con người là cần cù mẫn cán, nhưng khi hưởng lương thì họ sẽ có xu hướng chạy theo tổ chức của họ chứ không nhất thiết theo cá nhân.

Giả sử các xí nghiệp làm ra sản phẩm thì còn giả lương theo sản phẩm được, anh làm 100 cái gấp 2 lần anh làm 50 cái, thì lương chắc chắn cũng sẽ cao hơn. Nhưng ở đây làm theo dây chuyền, có 8 người làm, nhưng kết quả cuối cùng là sản xuất ra 100 cái, như vậy dĩ nhiên bán được bao nhiêu thì phải chia đều. Lúc đó sẽ xảy ra chuyện trong 8 người, anh cần cù với không cần cù lương bằng nhau, chính điều này không khuyến khích sự cần cù trong sản xuất tăng lên.

Cho nên tôi thấy, chỗ nào mà cắm cờ, loa đài thì không bao giờ hiệu quả, năng suất lao động cao vì họ làm theo phong trào chứ có phải làm ra sản phẩm đâu.

Bên cạnh đó, nó còn do tổ chức sản xuất , do công nghệ nữa. Doanh nghiệp quá lạc hậu, có công nghệ tiên tiến nhưng không làm, vì bị ép phải mua công nghệ của TQ, biết là lạc hậu nhưng vẫn phải mua.

GS.TS Nguyễn Ngọc Lung - viện trưởng viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ

Trước đây, TQ bán cho VN nhà máy điện, đáng lẽ ra 100 công nhân nhà máy điện có thể lao động sản xuất ra 1 vạn KWh, nhưng do máy không ra gì, nên chỉ sản xuất ra được 4000 KWh, mà lao động cực nhọc hơn.

Chính vì thế, phải đặt ra câu hỏi ai bắt mình phải mua những máy móc kém chất lượng đó, biết máy của nước khác tốt hơn sao lại không mua.

Nhà máy đường, nhà máy luyện kim lò đứng, lò nằm, nhà máy điện, tất cả đều của TQ, hết sức lạc hậu tại sao cứ phải mua, cái này tất nhiên không phải do người dân chịu trách nhiệm. Chính những nhà máy này làm ô nhiễm môi trường, nhưng lại sản xuất ra sản phẩm không ra gì.

Đó là những mặt yếu, còn có mặt rất mạnh như liên kết với các nước tiên tiến sản xuất bao nhiêu thứ bằng máy móc, dây chuyền viễn thông nhập hẳn của nước tiên tiến mà không hề có sức ép phải mua máy của TQ. Các đấu thầu ở nước ta bất kỳ một lĩnh vực nào nhà thầu TQ cũng thắng, không thoát ra được, hoàn toàn phụ thuộc.

Cần cù là bản chất cần phải giáo dục

PV: - Trong xã hội hiện nay, lao động trí tuệ luôn được đánh giá rất cao, có thể lương của một lập trình viên công nghệ thông tin lên tới 3000-4000 USD/tháng. Nhưng họ chỉ cần làm 6h/ngày, thay vì phải làm vất vả từ sáng sớm đến tối muộn như người nông dân. Lương cao, làm ít, hiệu quả lại nhìn thấy rõ. Thực tế này phản ánh điều gì và tư duy của chúng ta về sự cần cù chịu khó có phải bổ sung thêm những điều kiện mới không, vì sao, thưa ông?

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung:- Theo tôi, có 2 lý do, thứ nhất , lãnh đạo về khoa học công nghệ trang thiết bị chưa tốt, người đứng đầu về khoa học công nghệ đáng lẽ phải luôn sáng tạo ra các máy mới, nhưng không làm được, thậm chí không ưu tiên cho phát minh, sáng chế.

Trong khi đó, các nước bạn, có chế tạo ra máy mới thì họ cũng chỉ dùng trong nước chứ không bán ra. Như chế tạo ra máy bay thế hệ mới cũng không bán cho ai dù có trả giá cao, bởi nếu có như vậy thì trong lĩnh vực quân sự họ sẽ có uy lực.

Còn đưa vào dân dụng sẽ tiết kiệm được bao nhiêu xăng dầu. Công nghệ, trang thiết bị tiên tiến, do các nhà khoa học phát minh ra luôn đứng đầu thế giới, làm việc không đáng bao nhiêu nhưng nâng suất lại cao. Trong khi công nhân của họ làm việc vừa làm vừa chơi, thâm chí mặc áo trắng, bấm nút trong 1h bằng mình làm 10h tích cực, cả ngày cả đêm.

Nghịch lý này là do quản lý,  nền tảng của mỗi đất nước, bao nhiêu năm nay các nước cố gắng xây dựng 1 nền công nghiệp, 1 nền khoa học công nghệ tiên tiến chứ không phải tự nhiên có.

Thứ hai, do quản lý đất nước, nhiều nước xác định, xuất phát đều là nước nông nghiệp lạc hậu, nhưng chỉ chúng ta vẫn ở đó, không phát triển, mong chờ đi mua lại công nghệ. Trong khi họ bán cho mình các phát minh thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, quá lạc hậu, vậy thì làm sao khá lên được.

Cần cù là bản chất cần phải giáo dục, dĩ nhiên cần cù không đem lại hiệu quả bằng các tiên tiến về khoa học kỹ thuật, công nghệ thiết bị. Cả thế giới bây giờ chỉ làm việc 6h/ngày chứ không làm 8h/ngày như chúng ta, 1 tuần làm 5 ngày, nhưng năng suất lao động gấp 20 lần của mình, thành ra lương họ gấp 10 lần là chuyện bình thường.

Thế thì cần cù không làm ra sản phẩm là do quản lý nhà nước, trang thiết bị lạc hậu, nó thể hiện rõ ở mặt tổ chức sản xuấtvà công nghệ sản xuất tiên tiến.

PV: - Xin được hỏi một câu riêng tư, nếu phải tự đánh giá bản thân mình có cần cù chịu khó hay không, ông sẽ trả lời như thế nào?

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung:- Ai cũng đều biết khi xin vào làm việc hay xin vào đâu họ đều có yêu cầu, mình được vào làm thì dĩ nhiên là mình đã thuyết phục được họ là mình cần cù.

Nhưng hiện tại họ không cần người lao động chân tay, mà lao động có kiến thức, công nhân vào làm việc thì phải qua đào tạo, chứ không phải tôi ở nông thôn, mặc áo nâu ra thành phố, xin được vào làm công nhân ngay. Dù ở nước nào cũng phải qua đào tạo chứ không cần công nhân không có kiến thức, người đó thì chỉ cần quét đường, xúc đất đơn giản, trong quá trình làm thì đào tạo thêm.

Hiện nay, thực tế công nhân không có kỹ thuật ngày càng ít. Cần cù chỉ là một yếu tố mà yếu tố ấy không quan trọng bằng tổ chức sản xuất, vì nếu tổ chức sản xuất tốt không cần cù thì bị loại ngay lập tức. Giả dụ như bây giờ sản xuất một chiếc xe đạp qua bao nhiêu cấp, chỗ thì làm bánh xe, chỗ thì làm xăm lốp, dây chuyền hàng trăm người làm mới sản xuất ra được.

Không cần cù thì cản trở người khác, thì dĩ nhiên họ sẽ thay, tổ chức sản xuất bắt anh phải cần cù. Ở đây đi làm nghiên cứu khoa học cũng vậy, dĩ nhiên cái sáng tạo quan trọng hơn, bởi cần cù thì còn bắt buộc được.

Tôi không phải chuyên gia tổ chức lao động, nên chỉ coi đây là ý kiến cá nhân, đúng chút nào hay chút đó, nhìn nhận theo góc riêng của mình.

- Xin cảm ơn GS về những chia sẻ!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật