Thua thiệt vì không danh phận

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mẹ cháu gặp bố cháu muộn, ba mươi lăm mẹ mới sinh cháu. Bố cháu vì thế, là người đã có gia đình, có ba con riêng, mẹ cả cháu ở nông thôn.
Thua thiệt vì không danh phận
Ảnh minh họa

Năm nay cháu 26 tuổi, dưới con mắt mẹ cháu, cháu là đứa con trai không ra gì, hoàn toàn đáng thất vọng. Nhưng nếu quả đúng như thế thì cái gì cũng có căn nguyên của nó, đúng không cô?

Tốt nghiệp PTTH, cháu thi vào đại học, đỗ nguyện vọng 2, một ngành học cháu không thích lắm. Học đến năm thứ hai thì cháu bỏ, như cô biết đấy, học xong quân sự thì triết học và những môn không ăn nhập gì đến chuyên sâu cả.

Cháu đi học tiếng Anh, ở Hội đồng Anh, tốn kém của mẹ khá nhiều tiền. Nhưng làm gì mẹ cháu đủ tiền để cháu đi du học, thi lần đầu, cận điểm chuẩn, cháu thôi, không theo nữa.

Luyện thi và cuối cùng cháu đã vào được bách khoa như mong ước. Hiện cháu đang vào năm thứ hai, cũng quân sự và môn triết ấy nhưng đã đỡ chán hơn.

Cháu vẫn học chứ chưa bao giờ lông bông, sa sút, hay yêu đương nhăng nhít. Nhưng mẹ vẫn không hài lòng, bao giờ cũng kêu ca cháu không bằng một góc thằng A thằng B.

Cái tính mẹ cháu là như thế, nhưng nó không gây ra ấm ức ở cháu bằng hoàn cảnh mà cháu thấy, cháu rất cố gắng rồi mới có được ngày hôm nay chứ không phải từ sự chăm sóc, phàn nàn hay kêu ca của mẹ.

Mẹ cháu gặp bố cháu muộn, ba mươi lăm mẹ mới sinh cháu. Bố cháu vì thế, là người đã có gia đình, có ba con riêng, mẹ cả cháu ở nông thôn.

Chuyện bố mẹ nên duyên nhau, cháu nghe bà ngoại kể và bạn bè mẹ cháu kể, khi ấy ai cũng nghĩ, cho mẹ có chồng, sinh con để biết một đứa con là như thế nào.

Bố rời quân ngũ sớm, vì lấy mẹ cháu. Cháu sống với bố mẹ trong ngôi nhà bố dựng lên bằng đôi tay cần cù của ông. Không may di chứng chiến tranh khiến ông mắc bệnh hiểm và qua đời sớm.

Khi ấy, khi tang lễ diễn ra cháu mới biết bố mẹ không có đăng ký vì bố và mẹ cả không có ly hôn. Nhà đất mang tên bố, không có tên mẹ cháu, và tranh chấp diễn ra ngay sau đám tang của bố. Ba người con riêng của bố, cùng với mẹ cả làm thành một phe chống lại mẹ cháu.

Sống trong bầu không khí mẹ lúc nào cũng kêu ca thua thiệt, các anh chị cùng bố khác mẹ thì liên tục từ quê ra Hà Nội gây sự bắt mẹ bán nhà, nhiều lúc cháu phát điên với cả mẹ mình. Sao mẹ chấp nhận cuộc sống không giấy tờ gì cả như thế để đến giờ, một phần nhỏ cho mình trong sản nghiệp bố để lại cũng không có?

Mấy năm nay mẹ con cháu đã bỏ ch‌ỗ ấ‌y để về với ngoại. Nhà ngoại chật, lại có cậu và vợ con của cậu ấy nữa. Cháu không có không gian cho mình, còn mẹ thì đã về hưu một cục từ sớm và giờ, tiền cho cháu học cũng khó xoay sở.

Cháu phải làm sao? Xin xỏ các anh chị khác mẹ kia hay là làm gì để có tấm bằng bách khoa đây cô?

Giữ kín email hộ cháu.

---------------------

Cháu thân mến!

Áng chừng mẹ cháu cũng đã xế rồi, mẹ già con muộn, còn phải nuôi con đi đại học, thật là ậm ạch, đúng không?

Cô không biết bố mẹ nghĩ sao mà bố chưa ly dị, mẹ đã sinh cháu rồi thì chịu cảnh không danh phận gì cả?

Thời nào cũng vậy thôi, khi người đàn ông sống với hai người phụ nữ thì thông thường, họ chạnh nghĩ, vợ nào cũng là vợ, bỏ ai đây? Thế là thời gian ngụy biện, thời gian câu giờ, thời gian chặc lưỡi.

Bố ngại đặt vấn đề ly hôn với bà vợ nông thôn, vì như thế là bạc đãi, tác tệ, đủ cả… và chắc chắn, các con riêng của bố đã đứng về phía mẹ của mình.

Không ai ngờ bố mất sớm dù bố ra sức gây dựng cho mẹ con cháu một ngôi nhà từ chính đôi tay cần cù của ông. Không có hôn thú thì sao ngôi nhà ấy có tên mẹ của cháu được dù trên danh nghĩa, bố và mẹ cháu có cuộc hôn nhân thực tế.

Cuộc hôn nhân này được luật pháp ghi nhận là vì có cháu trên đời, để cháu có quyền lợi với khai sinh (chắc có tên bố trong khai sinh chứ?) Và những quyền lợi khác, như quyền lợi trong ngôi nhà mà các anh chị cùng bố khác mẹ với cháu đang tranh chấp ấy.

Đúng là sai một li đi một dặm. Cô không nghĩ mẹ cháu thấy ế muộn nên nhắm mắt lấy bố đâu mà chắc họ có tình yêu chứ. Đã yêu thì có thể mù quáng (với vấn đề giấy tờ thủ tục) và rồi cháu ra đời, ấm cúng, như mọi gia đình không phải lúc nào cũng nghĩ đến tờ giấy kết hôn.

Cháu cố đeo đuổi mộng ước bách khoa, đúng, và cháu đã làm được. 26 tuổi không muộn đâu, cháu vào năm thứ hai với vốn liếng tiếng Anh rất khá rồi mà. Cho hay mẹ dù về hưu “một cục”, tiền bạc chắc thất thoát nên nuôi cháu chật vật nhưng cũng là nuôi được con trai đó thôi.

Không nên can dự vào chuyện tranh chấp của mẹ và các anh chị con mẹ cả. Cháu cứ tìm việc làm thêm đi, rồi cháu sẽ thấy báo hiếu với mẹ là niềm vui thiêng liêng, cũng như tình mẫu tử hay tình con với mẹ vậy.

Cháu khá tiếng Anh rồi, đi làm gia sư, chẳng hạn. Và làm mọi việc vào lúc rảnh để mẹ thôi thất vọng về mình.

Ngôi nhà của bố ấy nếu bán được, cháu sẽ có phần nhưng không nhiều đâu, đừng hoài công nghĩ. Một chàng bách khoa thì chắc chắn tương lai sẽ sán lạn, hãy tin như thế, nhá.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật