‘Đại tướng bất tử’ giữa lòng dân

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng trăm ngọn nến xếp thành hàng chữ “Đại tướng nhân dân bất tử“ soi sáng lung linh khu vườn số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) trong ngày giỗ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
‘Đại tướng bất tử’ giữa lòng dân
Dòng chữ “Đại tướng nhân dân bất tử“ được người dân thắp lên trong ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Ảnh: Quý Đoàn.

Đêm 23/9, ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội) lung linh nến và hoa. Ông Võ Điện Biên cho biết, dù ngày mất của Đại tướng theo dương lịch là 4/10, nhưng gia đình tổ chức vào ngày 30/8 âm lịch, đúng với ý nghĩa tâm linh của người Việt và coi đây là ngày giỗ đầu.

Trước đó hôm 21/9, gia đình đã về làm lễ tại Vũng Chùa (Quảng Bình) - nơi an nghỉ của Đại tướng. Trong ngày giỗ đầu, con cháu chỉ làm mâm cơm truyền thống để cúng và mời một số bạn bè thân thiết đến dự. Nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang đến từ sáng sớm để thắp nén hương cho Người.

Người dân Hà Nội và nhiều tỉnh khác ghi nhớ ngày mất của Đại tướng theo Âm lịch nên đã đến tư gia đặt hoa, thắp nến, thắp hương từ vài ngày trước. Đêm qua, người dân tập trung thành từng đoàn, xin phép gia đình vào thắp hương cho Đại tướng.

Hàng trăm ngọn nến sáng lung linh hai bên tường rào, con đường dẫn vào tư gia, cúc vàng, sen hồng đặt dọc lối đi. Từ ngoài cổng, người dân quan sát được phòng làm việc của Đại tướng ngăn nắp với bức ảnh ông cười rất tươi, giơ cao tay chào thân ái. Các con trai, con gái của ông ra tận cổng tiếp đón và cảm ơn tình cảm sâu sắc mà đồng bào dành cho Đại tướng.

Ngày giỗ đầu Đại tướng, gia đình đón nhiều lượt đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đến chia sẻ. Ảnh: Quý Đoàn.

Trong khuôn viên, nhiều người dân đứng chắp tay trước dòng chữ "Đại tướng nhân dân bất tử" bằng nến tỏa sáng, có người lặng lẽ châm lại vài cốc nến bị gió thổi tắt. Dòng chữ ấy do vợ chồng ông Đỗ Chung Tú, bà Hoa Thị Trang (phường Điện Biên) tỉ mẩn xếp từ 17h chiều. Để có đủ số nến thắp, ông bà đã chuẩn bị từ hai tháng trước.

Bà Trang lý giải, dòng chữ có ý nghĩa "Dù Đại tướng không còn nhưng tinh thần, hình ảnh ông vẫn sống trong lòng nhân dân và điều đó không bao giờ thay đổi. Nến sáng ấm áp như tấm lòng Đại tướng dành cho nhân dân, bộ đội và các cựu chiến binh". Ngày Đại tướng đi xa, vợ chồng bà Trang từng chứng kiến người dân xếp hàng dài quanh đường Hoàng Diệu. Đêm qua cũng thế, hàng trăm người đổ về khiến bà Trang càng thêm cảm nhận sâu sắc vị trí của Đại tướng trong lòng nhân dân.

Cách đây 42 năm, ông Tú còn chiến đấu ở Quảng Trị may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần. Ông kể, khi đó mỗi người lính trên chiến trường đều rất ngưỡng mộ tài cầm quân thao lược cũng như tính cách gần gũi của "người anh cả". Sau này về UBND phường Điện Biên công tác, ông Tú có dịp gặp Đại tướng thêm vài lần nữa. Giản dị, thân thiện là cảm nhận của ông Tú về vị Đại tướng của nhân dân.

Cùng các đoàn viên Đoàn phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) đến từ 18h tối, chị Nguyễn Nguyệt Nga như sống lại không khí "cả dân tộc nắm tay nhau" những ngày thu Hà Nội một năm trước. Khi ấy, chị cùng các đoàn viên có mặt ở khu vực Hoàng Diệu trong nhiều ngày để làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự, hướng dẫn người dân xếp hàng… "Một năm rồi, mỗi lần nhớ về Đại tướng mình vẫn rưng rưng nước mắt. Cảm giác mất mát một điều gì đó rất lớn lao mà không thể nói hết", chị Nga chia sẻ.

Bà con, láng xóm ở làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) tới thắp hương nhân giỗ đầu Đại tướng tại quê nhà. Ảnh: Hoàng Táo.

Chạy xe hơn 25 km từ Đông Anh xuống thắp hương, cựu binh Vũ Văn Anh mặc nguyên quân phục màu xanh. Ông tần ngần đứng ngắm những ngọn nến sáng trong đêm. Nhiều ngày qua, mỗi khi xong việc là ông lại chạy xe qua, nhìn vào ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu rồi mới ra về.

Dù chưa từng gặp Đại tướng, người cựu chiến binh vẫn sáng tác những bài thơ, thêu vào 5 bức trướng để dâng lên Người vào 5 dịp đặc biệt: 49 ngày, 100 ngày mất Đại tướng, ngày thành lập quân đội 22//12, ngày sinh nhật Đại tướng 23/8. Sắp tới, bức trướng cuối cùng sẽ được ông tặng gia đình vào ngày 4/10 để kỷ niệm một năm ngày Đại tướng ra đi. Hơn 30 năm phục vụ ngành kỹ thuật xe tăng, ông Văn Anh còn làm mô hình hầm Đờ Cát vào dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ để thể hiện tấm lòng thành kính với Đại tướng.

Đêm về khuya, người dân đổ về càng đông. Sau một ngày bề bộn công việc, họ vẫn muốn đến căn nhà 30 Hoàng Diệu để tưởng nhớ về một người anh hùng dân tộc đã mãi mãi đi xa. Cặp vợ chồng trẻ làm công nhân còn bế con gái nhỏ ngủ say, đứng ngoài đường vái vọng vào trong.

Nguyễn Phúc Đại, admin của page Đại tướng Võ Nguyên Giáp, facebook chính thức về Đại tướng do gia đình thực hiện cho biết, mấy ngày nay, rất nhiều người dân gọi điện, nhắn tin hỏi về lịch thăm viếng Đại tướng trong ngày giỗ đầu, có những người ở tận Cao Bằng, Yên Bái. Trung bình mỗi ngày, page nhận được hơn 10 bài thơ, trong đó có cả những em nhỏ.

Cảm động trước những tình cảm người dân dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Võ Hòa Bình, con gái của Đại tướng, chia sẻ trong những ngày này, bà lại càng nhớ nhiều đến hình ảnh giản dị của cha. Thuở sinh thời, Đại tướng luôn dặn dò các con muốn làm việc gì thành công thì đều phải bắt nguồn từ những điều nhỏ nhất. Bà hy vọng tinh thần của Đại tướng sẽ lan tỏa tới từng người dân, biến thành những hành động dù nhỏ bé nhưng làm cho đất nước giàu đẹp, nhân dân no ấm như Đại tướng vẫn hằng mong ước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật