Nở rộ gói nghìn tỷ, bất động sản đang ‘ngập’ trong tiền?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ vay mua nhà cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… với lãi suất dự kiến dao động từ 6-7,5%/năm, thời hạn vay kéo dài 10 năm.
Nở rộ gói nghìn tỷ, bất động sản đang ‘ngập’ trong tiền?
Ảnh minh họa

Nở rộ những gói nghìn tỷ

Ông Nguyễn Tiến Đông, đại diện Vụ Tín dụng cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ vay mua nhà trị giá tối đa 2 tỷ cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang để trình Thủ tướng xin ý kiến.

Phương án này được xây dựng theo hướng tháo gỡ những bất cập (nhất là về đối tượng) đang xảy ra với gói 30.000 tỷ đồng đã triển khai từ tháng 6/2013. Trước đó, cá nhân, hộ gia đình chỉ được vay với lãi suất ưu đãi khi gặp khó khăn về nhà ở, với diện tích nhà mới dưới 1,05 tỷ đồng. Gói mới này cho phép cán bộ công chức, viên chức được mua cả căn hộ chung cư cao cấp, trung cấp, mua nhà liền kề…

Gói hỗ trợ sẽ có mức cho vay tối đa lên tới 75% tổng giá trị hợp đồng, còn lại là vốn tự có của người mua. Một số phương án lãi suất dự kiến cũng được đưa ra, dao động từ 6-7,5%/năm. Thời hạn cho vay kéo dài 10 năm và hạn mức tối đa mỗi khách hàng là 2 tỷ đồng.

“Nếu gói tín dụng này được chấp thuận, có thể chỉ trong 1 thời gian ngắn, các ngân hàng có thể giải ngân vài chục nghìn tỷ đồng” – ông Đông nói.

Thông tin về việc thị trường bất động sản sắp được tiếp thêm nghìn tỷ khiến nhiều người hy vọng và chờ đợi. Và nếu nhìn vào những gói nghìn tỷ lần lượt được công bố cũng chẳng sai nếu nói bất động sản đang “ngập” trong tiền.

Đầu tiên là gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ với lãi suất ưu đãi chỉ 6%/năm được tung ra nhằm “tháo gỡ khó khăn và giảm tồn kho”. Ngay khi mới được triển khai (tháng 6/2013) nhiều người đã kỳ vọng 30.000 tỷ sẽ tạo ra cú hích cho thị trường bất động sản đang dần xuống đáy. Nhưng kết quả đến nay vẫn chỉ dừng lại ở những con số rất khiêm tốn.

Tiếp đó, vào khoảng tháng 3/2014, thị trường bất động sản tiếp tục đón nhận thông tin về gói tín dụng 50.000 tỷ. Đây là gói liên kết bốn nhà gồm ngân hàng, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng và nhà cung cấp vật liệu. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư gói tín dụng này đã coi như rơi vào cảnh “chết yểu”.

Vẫn thấp thỏm

Ngay khi thông tin về gói tín dụng được đưa ra, nhiều người lại đặt câu hỏi liệu việc triển khai có khả thi, có thực sự tháo gỡ những bất cập đang xảy ra với gói 30.000 tỷ đồng?

Theo báo cáo của Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến cuối tháng 8/2014, giải ngân gói 30.000 tỷ đồng tiếp tục trong tình trạng ì ạch. Riêng các hộ gia đình, cá nhân mới vay được gần 2.000 tỷ đồng, chưa bằng 10% tổng giá trị chương trình, trong khi mục tiêu là phải giải ngân được 70% gói này.

Về phía các ngân hàng, với khoản vay kéo dài 5 năm, 10 năm không biết được thị trường sẽ như thế nào trong khi nguồn tiền của ngân hàng đa số là ngắn hạn, rất ít tiền gửi trung, dài hạn. Nếu dồn tiền cho vay như vậy sẽ gây mất cân đối.

Phía đối tượng nằm trong diện được vay vốn cũng còn nhiều băn khoăn, thấp thỏm. Anh Nguyễn Văn Chiến (Từ Liêm – Hà Nội) chia sẻ: “Thuộc diện được vay vốn gói hỗ trợ này nhưng thu nhập từ lương của tôi cũng chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nếu yêu cầu mức thu nhập của gia đình khoảng 20 triệu đồng/tháng mới được vay thì cũng là một trở ngại lớn. Trong khi đó, gói tín dụng 30.000 tỷ thì gia đình tôi không đúng đối tượng”.

Và rồi việc thực hiện có được nhanh chóng, hay người đi vay lại hoa mắt vì các thủ tục, giấy tờ? Việc xác định đối tượng và điều kiện vay vốn cần hết sức cụ thể như thế cả ngân hàng cho vay và người đi vay mới không bị “đánh đố”.

Sau thời gian dài chìm trong băng lạnh, liên tiếp những gói nghìn tỷ được tung ra nhưng nhìn từ thực tế triển khai, những khối tiền nghìn tỷ vẫn gần như “chôn chân”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật