Nghỉ việc thế chỗ “osin“

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm hết Tết đến, nhiều gia đình ở Hà Nội lâm vào cảnh dở khóc dở cười chỉ vì ô sin đòi nghỉ Tết sớm, mặc dù gia chủ đã sẵn sàng chi trả tiền công cao hơn cho những ngày này.

Nghỉ việc thế chỗ ôsin

 

Hai tuần nữa là đến Tết, công việc cuối năm bận tối mặt, nhưng gần tuần nay, cả nhà chị Lan Anh ở Cầu Diễn, Hà Nội trở nên... tanh bành chỉ vì giúp việc đột ngột về quê.

 

Hai vợ chồng chị Lan Anh đều làm báo, mấy năm nay, nhà chị vẫn phải thuê một cô bé giúp việc để chăm sóc cậu con nhỏ 4 tuổi và mẹ chồng chị bị bệnh nằm một chỗ.

 

Nhưng đùng một cái, cô bé giúp việc xin phép về quê để chăm mẹ bệnh nặng. Quá bất ngờ, lại đúng vào dịp giáp Tết nên chị Lan Anh không kiếm đâu được người thay thế.

 

“Cả nhà gần như toán loạn. Hai vợ chồng tôi và cậu em chồng cứ phải thay phiên nhau nghỉ để chăm sóc mẹ ốm. Còn nếu đi làm thì chỉ chực về sớm hoặc gọi về liên tục xem tình hình ở nhà ra sao nên không còn tâm trí làm việc”, chị Lan Anh mệt mỏi.

 

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình anh Linh ở Đội Cấn, Hà Nội gặp cảnh bác giúp việc nhất định đòi về quê sớm chuẩn bị Tết dù anh hứa tăng lương hay chia sẻ công việc cũng không giữ nổi.

 

“Cháu mới được hơn 6 tháng tuổi nên có muốn gửi trẻ cũng chẳng nơi nào nhận trông mà nội ngoại đều không còn nên tình hình căng quá, vợ chồng tôi cũng phải thay nhau nghỉ ở nhà liên tục để trông cháu”, anh Linh than thở.

 
"Chữa cháy" bằng việc mang con đến cơ quan

 

Một số vợ chồng trẻ may mắn có ông bà ở gần thì việc ôsin vắng 1-2 tuần cũng không đến nỗi “bi kịch” lắm, nhưng với những gia đình có con nhỏ mà ông bà lại ở xa thì quả là chật vật.

 

Chị Mai Hoa ở khu Lĩnh Nam, Hà Nội cũng đang sôi sùng sục vì chuyện ôsin. “Tôi không dám thuê người giúp việc ở trung tâm vì vợ chồng đi vắng cả ngày, giao con nhỏ và toàn bộ nhà cửa cho họ trong khi không biết họ là người thế nào nào thì cũng sợ. Bác giúp việc ở cùng quê được người thân giới thiệu thì nhất định 20 tháng Chạp này phải về quê chuẩn bị Tết. Mà ít nhất 27 Tết vợ chồng tôi mới được nghỉ nên chưa biết trong một tuần tới sẽ phải xoay sở ra sao”, chị Hoa lo lắng.

 

Đoán trước tình hình là người giúp việc sẽ về quê trước khi mình được nghỉ Tết, chị Bình ở phố Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội, đã nhanh trí lên ngay kế hoạch gửi cậu con trai hơn 2 tuổi về quê ở Nam Định cho ông bà nội. “Giáp Tết nên “điều” ông bà ra Hà Nội trông con cho mình cũng khó vì tâm lý các cụ phải có mặt ở nhà để lo Tết. Đằng nào nghỉ Tết là cả nhà cũng sẽ về quê nội nên gửi con về trước như thế là “nhất cử lưỡng tiện”, chị Bình chia sẻ.

 

Còn chị Bảo, làm việc tại một tổng công ty viễn thông lớn của Hà Nội, biết trước tình hình là cô giúp việc nhà mình sẽ ăn Tết đến mùng 10 tháng Giêng mới chịu ra, nên chị đã chủ động có kế hoạch ăn Tết ở quê xong sẽ để cô con gái 3 tuổi lại cho ông bà trông đến mùng 10 mới về đón. 

 

Chị Bảo tỏ ra thông cảm: “Chẳng còn cách nào khác, vì tìm người giúp việc mới đâu có dễ. Người giúp việc quen thì nắm được “thóp” của mình là chẳng dễ đuổi việc họ. Hơn nữa, cả năm mới có một cái Tết, mình khắt khe với họ quá cũng không nên”.

 

Thế nhưng với những trường hợp như vợ chồng chị Thủy Anh (quê Quảng Bình), công tác tại một tập đoàn công nghệ lớn ở Hà Nội thì gửi cậu con 2 tuổi rưỡi về quê cũng không ổn. “Bác giúp việc nói mùng 10 tháng Giêng phải làm giỗ bố xong mới ra được, trong khi mùng 4 tôi đã phải đi làm. Về quê ăn Tết ở quê xong mà gửi con lại rồi mùng 10 lại quay về đón thì cũng mất thêm hai ngày đi lại nữa. Thôi thì cứ mang con ra Hà Nội, tuần đầu tiên đi làm thì xách theo cậu con đến cơ quan vậy, tôi nghĩ mọi người trong cơ quan cũng sẽ thông cảm vì tôi chẳng còn cách nào khác", chị Thủy Anh giãi bày.

 

Kinh tế suy thoái đã kéo theo nhiều khó khăn khác, nhưng khó khăn về chuyện người giúp việc thì không chỉ do vấn đề tiền bạc. Đơn giản vì ở Việt Nam, giúp việc vẫn chưa phải là một nghề chuyên nghiệp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật