Mùa vừng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mùa thu dịu dàng dắt ký ức của tôi quay về với nỗi nhớ đồng quê – một cánh đồng nhuộm vàng màu vừng chín.
Mùa vừng
Ảnh minh họa

Đồng ruộng quê tôi khô cằn sạn cát, vì thế chỉ hợp để gieo lạc, trồng vừng. Sang thu, khi đàn sẻ nâu ríu rít chở nắng về, ấy là lúc vừng đến mùa thu hoạch. Lúc này, trông cả cánh đồng vừng như một tấm giấy kim tuyến lớn, tươi vàng, lấp lánh. Trên đồng, các bà, các mẹ đang cần mẫn gặt vừng. Màu áo bà ba nâu sờn, màu nón trắng nhấp nhô như tạo điểm nhấn cho bức tranh ngày mùa ấn tượng.

Trên những con đường nhỏ như những dải lụa đỏ quanh co vắt ngang cánh đồng, những chiếc xe bò chất đầy những bó vừng vàng tươi đang túc tắc về làng. Mùi dầu vừng mới gặt xong theo gió thoảng tỏa ra hăng hăng, nồng nã. Trên lưng trâu, chú bé con có chỏm tóc trái đào nở nụ cười rạng ngời trong nắng, bỏ lại đằng sau bầy chim non líu ríu gọi nhau về nhặt nhạnh những hạt vừng còn vương sót lại.

Những bó vừng vừa thu hoạch xong sẽ được dàn trải đều ra trên sân, phơi nhanh cho kịp nắng. Đến lúc những bông vừng khô giòn, cha tôi sẽ dùng chiếc trục đá lăn qua lăn lại nhiều lần trên thân vừng để những vỏ bọc lép bép nổ tách ra. Và khi ấy những hạt vừng nhỏ bên trong sẽ rơi xuống sân gạch.

Mẹ nhanh nhẹn giũ thân vừng khô bó lại làm chất đốt, sau đó lấy chổi rơm nhóm hạt vừng lại và dùng chiếc nong lớn sàng lọc cẩn thận những lá vụn và hạt sạn. Công việc tưởng chừng như đơn giản mà thực ra rất cần sự tỉ mẩn, kiên trì. Đôi lúc, tôi tự hỏi, để làm ra hạt vừng bé xíu ấy, cha mẹ tôi đã phải đổ ra biết bao công sức, mồ hôi?

Mùa thu hoạch vừng vừa kết thúc, cũng là lúc mùa mưa kéo đến. Những ngày mưa dầm dề dai dẳng, mẹ nhóm lửa rang vừng làm thức ăn. Còn nhớ hồi đó, mẹ từng dạy tôi, hạt vừng nhỏ, vỏ lại mỏng manh vì thế khi rang vừng phải rang bằng những chiếc chảo dày, đảo đều tay và điều chỉnh lửa liu riu thôi để vừng vừa chín tới thì hạt vừng mới béo và bùi. Sau khi rang vừng xong, mẹ sẽ cho vừng vào cối giã nhỏ cùng với chút muối. Tiếng giã đều đều như dẫn dắt hương vừng bay đi khắp nẻo, nồng thơm, thao thức, bâng khuâng…

Những bữa cơm có muối vừng mẹ làm, anh em tôi ăn rất vào cơm. Vị vừng béo béo, hương vừng bùi bùi cứ thôi thúc chúng tôi ăn bát cơm này đến bát cơm khác mà không biết chán. Chúng tôi rải đều vừng lên bát cơm trắng thơm ăn ngon lành cho đến lúc tranh nhau cạo cả miếng cháy cuối cùng. Bố mẹ nhìn chúng tôi mỉm cười hiền hậu. Những ngày tháng ấy sao mà ấm êm và hạnh phúc đến thế.

Lên cấp ba, tôi phải trọ học xa nhà. Mỗi tuần, mẹ vẫn đều đặn chuẩn bị những lọ muối vừng thơm nức để tôi mang đi ăn dần. Những lần chia sẻ chút muối vừng quê nhà cho đám bạn phòng bên, chúng cứ tấm tắc khen ngon mãi. Có nhiều hôm, dẫu trong mâm cơm đã có đủ thịt, cá, rau, đậu rồi vậy mà vẫn thấy thiêu thiếu chút muối vừng mằn mặn thân thương.

Phải chăng vì ẩn chứa trong những hạt muối vừng dân dã ấy là hương vị của đất, của nắng, của gió và của tình mẹ nồng ấm, bao la. Để rồi có những ngày nghỉ, đạp xe về thăm nhà, nhón một nắm cơm nguội chấm với muối vừng lót dạ mà thấy ngon không gì tả nổi. Ăn xong rồi vẫn cứ thấy thòm thèm.

Chiều nay, lên facebook bắt gặp tấm ảnh một người mẹ lom khom gặt những khóm vừng trĩu bông mà đứa bạn thân chụp lại, đăng lên; chợt muốn được là chú bé có chỏm tóc trái đào năm nào, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu đi giữa cánh đồng vừng chín vàng như kim tuyến và rộn ràng tiếng sẻ du ca…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật