Tự doanh, môi giới chứng khoán phái sinh: Góc nhìn của DN

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ông Trần Nam Sơn, Giám đốc Pháp chế, Quản lý rủi ro và Kiểm soát nội bộ của CTCP Chứng khoán An Bình trả lời phỏng vấn phóng viên TBNH.
Tự doanh, môi giới chứng khoán phái sinh: Góc nhìn của DN
Ông Trần Nam Sơn

Theo ông, quy định CTCK phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 500-700 tỷ đồng mới được tham gia tự doanh và môi giới CKPS có phù hợp?

Theo Luật DN và Luật Chứng khoán, chỉ có khái niệm vốn pháp định như là điều kiện để kinh doanh, không có khái niệm vốn tối thiểu. Theo đó, nếu vốn được đặt ra như là một điều kiện khi kinh doanh ngành nghề có điều kiện, tức là tiến hành hoạt động kinh doanh thường xuyên, không phải chỉ tham gia một dự án cụ thể như dự thầu… thì điều kiện về vốn thuộc chế định có thuật ngữ pháp lý là vốn pháp định và vốn pháp định đối với từng ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ.

Kinh doanh chứng khoán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và Nghị định 58 của Chính phủ thi hành Luật Chứng khoán đã quy định vốn pháp định, nếu kinh doanh tất cả các nghiệp vụ chứng khoán vốn pháp định là 300 tỷ đồng, trong đó vốn pháp định với nghiệp vụ môi giới chứng khoán là 25 tỷ đồng. Việc đưa ra thuật ngữ vốn tối thiểu như một điều kiện về vốn kinh doanh có điều kiện như vậy cần được làm rõ về tính pháp lý, vì nó nằm ngoài khung điều kiện về vốn đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay.

Hơn nữa, quy định mức vốn tối thiểu 500-700 tỷ đồng để là thành viên giao dịch, thành viên môi giới CKPS thuộc loại chấp thuận kinh doanh theo quy định của văn bản dưới Luật mà cao gấp 20-30 lần vốn pháp định đối với dịch vụ môi giới chứng khoán được quy định trong Luật thuộc loại cấp phép kinh doanh là thiếu tính hợp lý và chưa ổn thỏa về mặt pháp lý.

Quy định như vậy ảnh hưởng thế nào đến bảo đảm quyền lợi được tiếp cận, sử dụng dịch vụ của NĐT, thưa ông?

Việc đưa ra mức vốn tối thiểu 500-700 tỷ đồng để được cung cấp dịch vụ giao dịch/môi giới CKPS có thể mang lại lợi thế cho số ít CTCK có ưu thế vốn, số này chỉ chiếm 20% các CTCK hiện nay. Việc này ảnh hưởng đến các CTCK khác đã được cấp phép dịch vụ môi giới chứng khoán, hoạt động môi giới rất tốt, có hệ thống quản trị, kiểm soát hiệu quả, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và các công cụ quản lý tốt, có lượng khách hàng lớn đến hàng chục nghìn tài khoản…

Quan trọng hơn, hạn chế này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ mới của khách hàng. Đây là một rào cản, ảnh hưởng đến quyền lợi giao dịch của khách hàng hoặc gây khó khăn, phiền hà cho khách hàng…

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, quy định vốn tối thiểu để sàng lọc, loại bỏ những CTCK yếu kém khỏi thị trường đầy rủi ro này, thưa ông?

Việc yêu cầu một mức vốn nhất định đối với CTCK khi cung cấp dịch vụ môi giới hay giao dịch CKPS cần dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro theo vai trò của CTCK. Với vai trò là thành viên giao dịch, môi giới giao dịch thì rủi ro của CTCK cụ thể là những gì? Và yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro đó trực tiếp và đầu tiên là gì, nếu không phải là hệ thống giao dịch và con người? Vậy quy định điều kiện về vốn cao đến 500-700 tỷ đồng có thực sự hợp lý và cần thiết hay không?

Có lẽ, mục đích của việc này là bảo đảm khả năng tài chính của CTCK trong bồi thường do lỗi giao dịch họ gây ra? Nếu vậy, cần đánh giá về khả năng lỗi từ hệ thống và con người như quy trình, kiểm soát và thực tế lỗi/bồi thường của CTCK thời gian qua ra sao? Quy định về mức vốn cao như vậy có thể đi quá xa khi đánh giá yếu tố rủi ro trực tiếp sự tham gia cung cấp dịch vụ giao dịch/môi giới CKPS của các CTCK như là trung gian giao dịch.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật