GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Giáo dục mầm non đang phó mặc cho dân

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Góp ý tại hội nghị lấy ý kiến về việc thực hiện chính sách, Pháp Luật về GD mầm non, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng xã hội hóa là giải pháp rất quan trọng trong hoàn cảnh nguồn lực nhà nước có hạn.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Giáo dục mầm non đang phó mặc cho dân
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

Ông Thuyết cho rằng, trong hoàn cảnh nguồn lực nhà nước có hạn, xã hội hóa là giải pháp rất quan trọng để phát triển giáo dục mầm non. Và để đẩy mạnh xã hội hóa, thì nhà nước cần có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Theo ông Thuyết, trước thực trạng chỉ có 21,2% trẻ em dưới 3 tuổi được đến nhà trẻ và giáo dục mầm non không phải lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư, cần coi việc phát triển các nhóm trẻ gia đình, xem đây là một giải pháp quan trọng để toàn bộ trẻ em được đến lớp. Đây cũng là một cách giải quyết công ăn việc làm cho người dân.

Thưa ông, ông có thể giải thích rõ hơn về quan điểm của mình?

Trong báo cáo của Bộ GDĐT rất nhiều vấn đề về chuẩn hóa giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện chương trình mới nhưng tất cả chỉ liên quan các cơ sở giáo dục công lập. Còn các cơ sở giáo dục tư thục, những nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân thì sao?

Rồi những người trông nom trẻ trực tiếp đấy là cha mẹ, ông bà, người giúp việc thì sao? Bởi thực tế trẻ dưới 3 tuổi đến trường mẫu giáo chỉ chiếm 21,2%. Vậy gần 80% còn lại là ở gia đình, trách nhiệm được giao cho ông bà, cha mẹ, cho những người giúp việc. Trong khi họ gần như không có kiến thức gì về chuyên môn.

Tôi thấy nhiều nhóm trẻ tư thục xảy ra những chuyện này chuyện khác do nhiều lý do nhưng một lý do quan trọng là không được bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ.

Trong khi đó ở các nước, muốn làm cha làm mẹ thì phải đi học những cái đó, học từ trước khi lấy nhau để vợ chồng biết cách đối xử với nhau, rồi chăm sóc thai nhi như thế nào, có con thì dạy ra sao.

Người giúp việc cũng thế, phải huấn luyện họ, phải đủ điều kiện mới giao trông trẻ trong các gia đình. Ngoài ra các gia đình cần theo quy định luật pháp để đối xử với người giúp việc.

Trong khi đó, ở nước ta rõ ràng nhà nước không thể lo nổi, nhưng cũng không giúp cho các cơ sở giáo dục tư nhân, rồi những nhóm trẻ gia đình, những người trực tiếp trông nom trẻ con trong gia đình để họ có hiểu biết, có kỹ năng và trách nhiệm. Tôi nghĩ đó là điều cần phải quan tâm.

Thứ hai nữa, số trường công của nước ta hiện còn quá ít. Trường công ít, thì số trẻ được vào những trường đó phải là con gia đình có tiền hoặc quen biết, thậm chí có thế lực gì đấy mới vào được.

Vào trường công, thì lại chỉ phải trả một số học phí rất thấp, có 40 nghìn đồng/tháng thôi. Trong khi đó các cháu khác lại không được hưởng những cái ưu ái ấy của nhà nước. Tôi cho là nếu đã đi học thì học phí phải cao, còn những đối tượng thuộc diện chính sách thì nhà nước phải hỗ trợ.

Mà nếu nhà nước đã hỗ trợ cho các em bằng học phí thấp thì phải hỗ trợ cho toàn bộ trẻ em, chứ không phải chỉ những cháu học trường công. Tôi cho rằng đây là một chuyện cần tính toán lại.

Bộ GDĐT cũng như chính phủ phải có một chiến lược và theo tôi cần phát triển theo hướng xã hội hóa là chính, chú ý đến giáo dục gia đình, và đấy là hướng lâu dài.

Hiện, việc trông trẻ đang được phó mặc cho nhân dân, không có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ.

Phải chăng sự phó mặc ấy đang gây nên những hệ lụy như tình trạng B.L gia đình, cha mẹ đánh con khủng khiếp diễn ra liên tục thời gian qua?

Nhiều người vì cuộc sống mà lập ra những chỗ trông trẻ, tuy nhiên lại không có nghiệp vụ, đấy là cái dở ở nước ta. Tôi nghĩ giờ mình cũng đừng nên cấm đoán, bắt người ta có chứng chỉ nọ, bằng kia vì như thế sẽ hạn chế sự xã hội hóa.

Giờ dân mình cũng đang thiếu việc làm nên người ta sẵn sàng mở lớp trông trẻ để có thu nhập. Nhưng cái chính là cần phải giúp đỡ họ, huấn luyện nghiệp vụ và kiểm tra họ thường xuyên.

Ở các trường công, học phí chỉ 40 nghìn đồng/tháng, vậy đấy có phải là một trong những nguyên nhân mà các trường tìm cách để lạm thu ở đầu mỗi năm học không?

Ở trường nào cũng vậy, phổ thông hay mẫu giáo cũng thế thôi, học phí trường công thấp quá thì người ta buộc phải thu bù. Không thu bù thì họ lấy tiền đâu mà trang trải. Đặc biệt, thầy cô lương thấp như thế thì làm sao mà trông con người ta cho tử tế được.

Cần xem xét việc Nhà nước hỗ trợ nhưng nên hỗ trợ cho ai? Tôi nghĩ nhà nước chỉ hỗ trợ cho những đối tượng chính sách, vùng có nhiếu đối tượng chính sách.

Bởi giờ mở nhóm trẻ, nhà trẻ thì người ta sẵn sàng mở ở các trung tâm, thành phố lớn. Nhưng mà giờ bảo lên miền núi, nông thôn mở lớp thì ai người ta lên, thì ch‌ỗ ấ‌y nhà nước mới phải gánh thôi. Không thể đầu tư cho các thành phố lớn nhiều trong khi đó ở nông thôn, miền núi lại không đầu tư được.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật