Cần xử lý các “đường dây” dụ công nhân

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng nghìn công nhân tại các KCN của Bình Dương trở thành miếng “mồi” béo bở cho các đường dây cá độ, đánh đề chiêu dụ, khi đã “sa lầy” thì công nhân bị chúng không chế, giao nộp thẻ ATM. Những nạn nhân phải vùi đầu làm việc để kiếm tiền trả nợ từ ngày này qua tháng nọ, lẩn quẩn không thể thoát ra.
Cần xử lý các “đường dây” dụ công nhân
Nhà trọ công nhân là “bãi đáp” của những cuộc chung chi đánh đề.

Trong vòng quay nợ nần

Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi tiếp cận được nhóm công nhân Cty Foster (Thuận An, Bình Dương) và nhóm này tiết lộ nhiều chiêu thức tinh vi dụ công nhân đánh đề. “Tụi em đánh đề ngay tại xưởng sản xuất nhưng không bị ai phát hiện, vì tất cả được thực hiện qua tin nhắn điện thoại cho các “chân rết” của các “đầu nậu” thầu đề ở ngoài KCN. Hằng ngày, muốn đánh đề thì cứ nhắn tin cho một người tên Việt, sau đó nếu cho trúng đề thì hẹn tại nhà trọ hay chỗ vắng để nhận tiền chung. Sau giờ xổ số vài phút, tin nhắn sẽ báo ngay cho người đánh biết là trúng hay trật đề, nên có ai trúng thì sẽ được nhận tiền liền tay, không phải chờ đợi” - công nhân tên P nói.

Qua tìm hiểu “anh Việt” mà P nhắc tới chính là công nhân của Cty Foster, nhưng đây chỉ là “nghề tay trái”, nghề tay phải của Việt là thầu lô đề. Với ưu thế là công nhân trực tiếp sản xuất, gần gũi với hàng nghìn công nhân, Việt dễ dàng tiếp cận rồi móc nối, lôi kéo đồng nghiệp trong nhà máy tham gia đường dây lô đề của mình. “Nếu ghi một đồng đối với lô đề 2 số thì trúng 73 đồng, lô đề ghi 3 con số thì 1 đồng trúng đến 360 đồng” - P cho hay. Với sự chênh lệch khá lớn, đặt ít - trúng nhiều nên các đường dây lô đề dụ được hàng nghìn công nhân tham gia. “Buổi trưa, khi công nhân nghỉ giải lao ăn cơm thì chuyện ghi đề cũng nổi lên rần rần. Cao điểm vào thời gian các nhà đài xổ số bắt đầu hẹn giờ quay số thì cả nhà máy rôm rả bàn tán con số ghi đề, rồi chờ đợi. Ai cũng hồi hộp, hy vọng vào con số mình ghi. Kinh nghiệm mấy năm theo đề, nói cho thật tình thì số người được mừng vì trúng đề hiếm hoi lắm! Người thua thì cay cú, trật một số thôi thì điên lắm nên phải quyết “nuôi” và theo nó cho bằng được. Biết bao người theo một thời gian dài mà con đề không chịu ra, mất cả tháng lương chứ chẳng chơi. Theo đề hoài rồi túng quẫn, nợ nần chồng chất, cầm thẻ ATM để rồi làm suốt tháng mà không được nhìn thấy mặt lương” - P kể.

Công nhân xa quê, khó khăn, ở trọ là đối tượng được các “chân rết” đưa vào “tầm ngắm”

Để tránh bị phát hiện và thuận tiện, đường dây của Việt đánh đề qua tin nhắn điện thoại, mỗi ngày Việt thu ít nhất cũng được 7-8 triệu đồng. Khi nhận các lô đề, để tránh bị phát hiện, Việt dùng chiêu thức “mã hóa” thành ký tự viết tắt như 92b1, 23d8d820, 52đđ10, 379b2, 45b1, 52, 92, 79đal… rồi chuyển tin nhắn số liệu mã hóa này cho thầu Tuấn - một lái xe đưa rước công nhân từ Đồng Nai và các địa bàn phụ cận đến nhà máy Foster tại KCN VSIP2 (Bình Dương). Tuấn sau khi nhận tin nhắn các lô đề thì nhắn lại cho các đầu mối với ký tự “ok” là coi như đã thực hiện thành công phi vụ. Tuấn tổng hợp lại rồi “giải mã”, tiền bạc thu, chi cho công nhân đã có các “chân rết” lo.

Để xây dựng được mạng lưới “chân rết” dày đặc, các “đầu nậu” chi hoa hồng cho các “chân rết” của mình khá đậm. “Cứ dụ được công nhân nào đánh đề các anh sẽ thưởng nóng tiền hoa hồng ngay”, một “chân rết” lô đề cho biết. Trường - công nhân tại Cty nhựa T.PH (phường Hòa Phú, Thủ Dầu Một, Bình Dương) - tiết lộ, qua người bạn, Trường quen với “đầu nậu” Tuấn. Tuấn đề nghị Trường là “chân rết” cho đường dây lô đề của mình, mỗi ngày Trường chỉ cần đi gom đề của công nhân trong nhà máy giao cho Tuấn. Theo đó, cứ mỗi lô đề do công nhân đánh mà không trúng thì Trường được hưởng hoa hồng. Số tiền được ăn là cứ 100.000 đồng thì người đứng ra thu gom được hưởng 30.000 đồng. Số lượng công nhân tại Cty của Trường hơi ít nên có ngày Trường chỉ gom được 700.000 đồng đến 1 triệu đồng tiền đề. “Trong đường dây của tôi, Tuấn lái xe chưa phải là người chóp bu, mà sau Tuấn còn có một “đầu nậu” cỡ bự tên Trí. Trí là người đứng phía sau chỉ huy, tập hợp các số liệu trong một ngày thu gom được các lô đề, đồng thời quyết định tất cả trong đường dây này” - P cho hay.

“Công nhân ít tiền, ban đầu thì đánh ít hoặc không dám đánh nhưng mình cứ rỉ tai, chỉ cần một vài người trúng là sẽ câu được công nhân ngay. Khi đã máu lên rồi thì “đừng hỏi bố cháu là ai”, bao nhiêu họ cũng đánh. Có người nuôi con đề, quyết đánh là chơi luôn cả tháng lương, vất cả thẻ ATM cho mình cầm làm bằng” - Mỹ (một “đầu nậu”, làm công nhân tại Thủ Dầu Một) cho hay.

Có lệnh cấm, các “đầu nậu” vẫn nhởn nhơ!

Trong những ngày đi tìm hiểu về vụ việc, chúng tôi đã nghe nhiều câu chuyện “đắng lòng” của công nhân khi dính vào các đường dây cá độ, đánh đề, mượn cầm thẻ ATM. “Còn một đồng nợ cũng phải để thẻ cho chủ nợ giữ, có khi lương chuyển vào thẻ mình phải đi vay, năn nỉ mượn lại chính đồng lương của mình. Có anh tên Chính, công nhân Cty nhựa ở Thủ Dầu Một, quê Quảng Trị, có vợ người Phú Yên. Anh Chính làm công nhân ở Bình Dương được 10 năm, ma xui quỷ khiến thế nào anh dính chặt vào đường dây vay nóng, vay lạnh, cầm cố thẻ ATM, chứng minh nhân dân. Đến một ngày, anh bị chủ nợ dí dao vào cổ bảo “không trả nợ thì thế mạng”, anh hoảng quá đã bỏ vợ con trốn về Quảng Trị ngay trong đêm, sau đó vợ con anh cũng khăn gói về quê. Chẳng biết gia đình giờ thế nào, hai đứa con nheo nhóc” - Lan (công nhân Cty Foster) kể.

Một chủ nợ (đội khăn) tìm đến thẳng Cty để đòi nợ công nhân

“Vay bên ngoài nguy hiểm là vậy, tại sao khi gặp khó khăn, công nhân không liên hệ với Cty để tìm nguồn hỗ trợ, vay tiền của các tổ chức có uy tín để tránh bị xã hội đen kề dao vào cổ?”. Đáp lại câu hỏi của chúng tôi, Lan thở dài thườn thượt: “Công nhân vào đây làm việc chủ yếu là dân tỉnh, ở trọ, không có tài sản gì quý giá, không có bà con họ hàng, thân cô thế cô. Khi muốn vay tiền ngân hàng thì không có tài sản gì để thế chấp cả. Hơn nữa, khi chuyện gấp gáp cần vài triệu như gửi về cho con đóng tiền học, cha mẹ ốm, con đau… mình không thể nào làm hồ sơ rồi đợi xét duyệt hết cấp này qua cấp khác, cũng không ai có thể bảo lãnh cho mình. Thế nên, lựa chọn cuối cùng và cũng gần như là duy nhất của công nhân là vay nóng bên ngoài. Biết lãi suất cao nhưng có tiền liền tay, mình chưa cần hỏi, đã có người “đánh tiếng” rằng có cần tiền không thì cho mượn. Lúc mình ngặt nghèo, họ nâng lãi suất lên thì mình cũng phải chịu thôi” - Lan lý giải.

Đem chuyện vay nợ cầm thẻ, đánh đề, cá độ trong công nhân đi hỏi lãnh đạo các Cty ở Bình Dương, hầu hết họ đều khẳng định nội quy của họ là “cấm tiệt” việc cho vay, cá độ, đánh bài… trong Cty. “Nhẹ thì hạ bậc lương, giáng chức, nặng thì kỷ luật, cho nghỉ việc. Nhưng thú thực, chúng tôi chỉ nghe phong thanh là có chuyện này chứ chưa bắt được vụ nào cụ thể. Họ hoạt động rất tinh vi mà mình không thể nào biết được nếu công nhân không tố cáo” - đại diện Cty điện tử FT không giấu sự bất lực. Lại hỏi Lan: “Khi vay nợ, cầm thẻ ATM mà không trả được do lãi quá cao, mình có tính đến chuyện báo lãnh đạo, báo công an hay nghỉ việc chạy nợ không”, Lan lắc đầu: “Không!”. Theo lời Lan, có vay thì có trả và báo lãnh đạo hoặc công an thì hậu quả khôn lường...

Về vấn đề các đường dây cho vay với lãi suất cao, lôi kéo công nhân vào đường dây đánh đề, cá độ… đang lộng hành trong các Cty, nhà máy trên địa bàn tỉnh Bình Dương, ông Bùi Thanh Nhân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - cho hay, LĐLĐ và lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh về tình trạng này. “Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo cho các ngành, đặc biệt là Công an tỉnh Bình Dương cần rà soát, điều tra xử lý” - ông Nhân nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật