Mâu thuẫn sắc tộc cản trở kế hoạch chống IS ở Iraq

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kế hoạch thành lập một lực lượng vệ quốc mới để đối đầu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) của Iraq được Mỹ hoan nghênh nhưng lại khó thành hiện thực, bởi những mâu thuẫn đã ăn sâu giữa các sắc tộc ở quốc gia này.
Mâu thuẫn sắc tộc cản trở kế hoạch chống IS ở Iraq
Watban al-Jabbouri, chiến binh người Sunni của Iraq, bị thương sau ba tháng giao chiến với IS. Ảnh: WP

Watban al-Jabbouri là kiểu người mà cả chính phủ Iraq lẫn Mỹ đều đang trông vào để tạo ra làn sóng chống lại các phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Suốt ba tháng, người đàn ông 33 tuổi thuộc dòng Hồi giáo Sunni này đã ngăn IS tràn vào thị trấn của mình, cho đến khi một chiếc xe Humvee chứa thuốc nổ bốc cháy ở tiền tuyến của Jabbouri. Anh phải nhập viện nhưng may mắn vẫn còn sống.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi muốn đưa những chiến binh như Jabbouri vào các đơn vị vệ quốc có nhiệm vụ bảo vệ cho các địa phương quê họ. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ủng hộ kế hoạch này của ông Abadi trong bài phát biểu tuần trước, nhằm đối phó với các phần tử cực đoan người Sunni trong IS.

Tuy nhiên, Jabbouri không chắc liệu kế hoạch này có thành công hay không.

"Chúng tôi đã vất vả năn nỉ các bộ tộc khác trong khu vực tham gia, nhưng họ hoặc là gạt sang một bên và không đả động gì, hoặc là đi theo những kẻ kia", anh nói, nhắc đến IS.

Trong khi chi tiết về đội vệ quốc mới đang được hoàn thiện, các cuộc thảo luận hiện tập trung vào việc thành lập các đơn vị từ người theo dòng Sunni và Shiite để bảo vệ ở khu vực tương ứng mà họ có ảnh hưởng.

Tuy nhiên, chính phủ do người Shiite đứng đầu của Iraq lại đối mặt với những thách thức lớn trong việc giành được sự ủng hộ từ cộng đồng Sunni và thuyết phục các tay súng Shiite đang dẫn đầu cuộc chiến chống IS. Trong khi đó, nhóm sắc tộc thiểu số Kurd cũng thẳng thắn từ chối đề xuất để lực lượng vũ trang ở vùng bán tự trị phía bắc của họ gia nhập liên minh trên.

Sự phản bội

Jabbouri không phản đối kế hoạch xây dựng một lực lượng vệ quốc. Bất cứ việc gì mang lại tiền của hoặc vũ khí cho bộ lạc của anh đều đáng để bỏ công bỏ sức, anh nói.

Tuy nhiên, cộng đồng của Jabbouri cũng không có gì khác. Khi các tay súng của IS tràn vào bắc và tây Iraq năm nay, một số bộ lạc Sunni đã hoan nghênh chúng hoặc lặng lẽ đầu hàng. Nhiều người Sunni bày tỏ sự tức giận vì sự phân biệt đối xử của cựu thủ tướng Nouri al-Maliki, một người Shiite.

Các phiến quân mà họ đang chống lại rất liều lĩnh và được huấn luyện cũng như trang bị tốt hơn. Chúng hy sinh cả hai chiếc Humvee trong vụ đánh bom liều chết tháng này ở thị trấn Dhuluiya nơi Jabbouri sinh sống, cách Baghdad hơn 70 km về phía bắc.

Tại Arab Jubour, từng là nơi ẩn náu của quân nổi dậy người Sunni phía bắc Baghdad, Sheikh Mustafa al-Shabib nói rằng ông đã từ chối khi giới chức đề nghị hỗ trợ điều phối đội vệ quốc mới. Với ông, kế hoạch này rất giống với Phong trào Thức tỉnh mà Mỹ phát động năm 2006 trong đó sử dụng các bộ tộc Sunni để tiêu diệt al-Qaeda.

Phong trào này đã kết thúc trong sự bất bình sau khi được chuyển giao cho chính phủ Iraq. Giới chức nước này không trả lương và cũng không giữ lời hứa kết nạp các chiến binh Sunni vào lực lượng an ninh thường trực.

"Hồi năm 2005, người Mỹ rất sợ đến đây. Đó là một thành phố chết chóc", Shabib nói. "Chúng tôi đã đánh đuổi al-Qaeda, đưa cuộc sống trở lại và chúng tôi nhận được lời cảm ơn nào từ chính phủ chứ? Không gì cả".

Shabib nói rằng khi lực lượng của Phong trào Thức tỉnh giải tán, ông đã được mời nhập ngũ làm một binh sĩ thường trực. Điều này khiến ông cảm thấy bị xúc phạm bởi trước đó từng là tướng dưới chính quyền của cựu thống Saddam Hussein và dẫn dắt 3.000 chiến binh Sunni.

Năm 2009, ông bị bắt theo luật chống khủ‌ng b‌ố, thứ mà người Sunni than phiền rằng được tạo ra để trừng phạt cộng đồng của họ.

Các chiến binh người Shiite luyện tập trước khi tiến vào làng Bo Hassan, phía bắc Iraq, để chiến đấu với IS. Ảnh: Reuters

Mất niềm tin

Thủ tướng mới Abadi đang nỗ lực xây dựng lại cầu nối với cộng đồng người Sunni. Hồi cuối tuần, ông tuyên bố đã ra lệnh cho không quân ngừng bắn phá các khu dân cư, thậm chí ở cả các thị trấn do IS kiểm soát mà người Sunni chiếm đa số. Các cuộc không kích bừa bãi, thường sử dụng các loại bom có độ chính xác thấp, đã gây thêm phẫn nộ với nhà nước.

Tuy nhiên, các phiến quân người Shiite cũng là một thách thức trong việc thành lập đội vệ quốc. Họ không bao giờ muốn bị ai quản lý, trừ các thủ lĩnh của mình. "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu mô hình này thành công, nhưng đó cũng là một nỗ lực cao quý", Raoul Alcala, một cựu cố vấn Mỹ ở Hội đồng an ninh quốc gia Iraq nói.

Kataib Hezbollah, một lực lượng phiến quân người Shiite bị Mỹ liệt vào hàng tổ chức khủ‌ng b‌ố, đã tăng gấp ba quy mô trong ba tháng qua với hơn 30.000 chiến binh đang hoạt động.

"Nếu chính phủ ra lệnh chúng tôi sử dụng vũ khí của mình để bảo vệ đất nước, chúng tôi sẽ làm", ông nói. "Nhưng không phải lần này và chúng tôi sẽ có những điều kiện. Chúng tôi đã bảo vệ thủ đô, bảo vệ chính phủ, chính phủ không thể chống lại kháng chiến Hồi giáo", ông nói, đề cập đến các chiến binh Shiite.

Hamid al-Mutlaq, một thành viên người Sunni của Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc hội Iraq, phản đối việc đưa người Shiite vào đội vệ quốc và cho rằng cần đào tạo và xây dựng lại quân đội để người dân cảm thấy quân đội và cảnh sát đại diện cho họ.

Chính quyền ông Obama đã bày tỏ ý định hỗ trợ huấn luyện và tái xây dựng quân đội Iraq cũng như ủng hộ dự án lập đội vệ quốc. Mỹ đã chi hàng tỷ USD để trang bị cho các binh sĩ Iraq.

Tuy nhiên, sự mất lòng tin vào các phiến quân Shiite đã ăn quá sâu vào nhiều cộng đồng Sunni. Trên đường phố Arab Jubour, một chủ cửa hàng cho rằng việc IS có những tay chân trong cộng đồng Sunni không có gì là bí mật cả. Ông không xem đó là điều gì xấu.

"Nếu các phiến quân Shiite đến khu vực của chúng tôi, chúng tôi sẽ cần họ để chiến đấu", ông nói, nhắc đến IS. "Các phiến quân Shiite là kẻ thù thực sự".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật