Giọng hát Việt nhí 2014: Thí sinh nhí gồng mình hát ca khúc của người lớn

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Càng về những phần cuối của chương trình, Giọng hát Việt nhí 2014 càng sử dụng nhiều bài hát quá tầm với sức thể hiện của các thí sinh nhí. Những bài hát nổi tiếng, độ khó cao dường như đang “phá sức” của các em và khiến nhiều em phải “gồng mình” trình bày khi lên sóng trực tiếp.
Giọng hát Việt nhí 2014: Thí sinh nhí gồng mình hát ca khúc của người lớn
Thiện Nhân tập hát cùng Cẩm Ly thử thách bản thân trong liveshow 4.

Một điều dễ nhận thấy ở Giọng hát Việt nhí 2014 đó là các bài hát được các thí sinh nhí thể hiện hầu hết là các ca khúc người lớn, nổi tiếng: “Giấc mơ Chapi”, “Làng lúa làng hoa”, “Dòng máu Lạc Hồng”, “Khúc hát sông quê”… đến những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ở liveshow cuối tháng 8, thí sinh nhí Mai Chí Công thể hiện ca khúc “Dòng máu Lạc Hồng” giữa một sân khấu hết sức hoành tráng, thế nhưng càng về sau càng thấy em khá… đuối và hình ảnh của em như “lọt thỏm” giữa rừng đạo cụ.

Cô bé Nguyễn Thiện Nhân được xem là có chất giọng cao vút, nhưng ở hai vòng liveshow với các ca khúc: “Quê hương tôi”, “Đất nước lời ru” thì lại biểu diễn khá áp lực. Ở đêm thi 6.9, đoạn cao của bài hát “Đất nước lời ru”: “Để đất nước mãi rực sáng…” dường như quá sức với Thiện Nhân. Đó là chưa kể, em dường như “nhỏ bé” giữa một rừng đạo cụ bên cạnh.

Ca khúc cho thiếu nhi không hề thiếu, nhưng vì sân chơi Giọng hát Việt nhí cũng chỉ là cái “mác” bề ngoài, vì sự thực đó là sân chơi cho người lớn. Hát một bài thôi chưa đủ, lần thi sau phải tăng “đô”, để tăng “nhiệt”. Thế nên, những ai theo dõi có thể thấy càng về sau các bài hát càng được nâng độ khó lên. Chưa nói đến kết quả, chỉ nhìn hình ảnh các em phải “lên gân”, phải “bơi” cho đến tận cùng bài hát đã thấy các em không còn sự hồn nhiên, ngẫu hứng như phút ban đầu.

Ở tuổi các em mà hát “Qua nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê…” thì làm sao có thể hiểu được? Sự hồn nhiên, ngây thơ của các em bỗng dưng được thách thức bằng những ca từ già dặn! Tất nhiên, các em chỉ biết hát và cố hát, bởi ngoài sân khấu kia là nhà sản xuất, là khán giả, là cả bố mẹ… đang đặt nhiều hy vọng “phải đi tiếp”.

Suy cho cùng, Giọng hát Việt nhí là một sân chơi cho các em, vậy cớ sao cứ bắt các em chạy theo áp lực bài hát khó? Thể hiện “đẳng cấp” âm nhạc? Và các em được gì ngoài việc gắng sức để mua những nụ cười từ khán giả truyền hình?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật