Đại học ngoài công lập phi lợi nhuận: Không dễ chuyển đổi

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xây dựng và đưa vào hoạt động thành công một trường ĐH ngoài công lập phi lợi nhuận đúng nghĩa ở Việt Nam là một công việc khó khăn và cần có một lộ trình rõ ràng về quy định và thời gian thực hiện.
Đại học ngoài công lập phi lợi nhuận: Không dễ chuyển đổi
Ảnh minh họa

GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

Theo ông vì sao ở các nước mô hình trường ĐH ngoài công lập phi lợi nhuận thành công còn ở nước ta mô hình này vẫn chưa phổ biến và chưa gặt hái được nhiều kết quả như mong muốn?

Có những vấn đề mà chúng ta có thể nhìn thấy, tuy là bài học của nước ngoài nhưng rất khó để nền giáo dục của chúng ta có thể áp dụng được. Ví dụ như ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, số sinh viên học các trường ngoài công lập chiếm 85%. Hay như ở Mỹ các trường ngoài công lập lâu nay đã có danh tiếng. Trong top 20 trường uy tín ở Mỹ phần lớn không phải là trường công.

Ở nước ta, trường ngoài công lập đã tồn tại suốt hơn 20 năm nhưng tốc độ phát triển vẫn tương đối chậm so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Vừa rồi trong hội nghị tổng kết năm học 2013-2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đánh giá các trường ngoài công lập ở nước ta đang còn rất ít, phát triển không bền vững.

Lý giải về điều này, tôi cho rằng nguyên nhân đầu tiên là vấn đề tài chính. Vốn đầu tư của các trường ngoài công lập hiện nay nói chung rất nhỏ lẻ, không đến tầm. Nhìn vào chương trình đào tạo sẽ thấy hầu như các trường không đầu tư mấy vào máy móc, thiết bị giảng dạy. Có nhiều trường vẫn phải đi thuê cơ sở, nay đây mai đó, thậm chí có trường đào tạo cả chục năm rồi mà vẫn chưa có phòng học riêng. Như vậy làm sao có thể thành công được.

Thứ hai, văn hóa giáo dục ở nước ta không mặn mà với giáo dục ngoài công lập. Tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử so với Nhà nước. Tâm lý của người dân vẫn thích gắn bó với Nhà nước hơn.

Mặt khác, các chính sách của Nhà nước như thuế, đất đai đều hướng các trường hoạt động vì lợi nhuận, không có ưu đãi cho các trường hoạt động phi lợi nhuận. Lẽ ra các chính sách ưu đãi đối với các trường phi lợi nhuận phải gần giống với trường công, nhưng chưa có điều đó.

Tất cả những vấn đề này làm cho chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập thấp và đến nay vẫn chưa có được vị thế vững chắc trong bản đồ giáo dục Việt Nam.

Để có thể tồn tại, nhiều trường ĐH ngoài công lập đang hướng đến mục tiêu phi lợi nhuận. Vậy theo ông, trường đang từ lợi nhuận chuyển sang phi lợi nhuận có khó thực hiện không?

Việc chuyển đổi này không phải đơn giản. Thực ra vấn đề này liên quan đến câu chuyện sở hữu, vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận xét cho cùng tiêu chí đầu tiên là cái lợi hay không lợi. Xung quanh vấn đề sở hữu rất  phức tạp.

Thực ra ở đây có khái niệm bất vụ lợi hay phi lợi nhuận. Theo cá nhân tôi, khái niệm bất vụ lợi tốt hơn. Bất vụ lợi tức là hoạt động của trường vẫn có lợi nhuận nhưng là lợi nhuận được đổ lại cho trường, không phải là vụ lợi của hoạt động nhà trường. Chúng ta không trông chờ vào một trường chỉ chờ đợi vốn từ các nhà hảo tâm. Chúng ta phải xây dựng mô hình nào để nó tự nó có thể sống đàng hoàng được và nhân ra phổ biến.

Luật của ta có quy định mô hình phi lợi nhuận sẽ có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận chỉ dừng lại ở mức vừa phải. Ví dụ như tôi gửi tiết kiệm tôi sẽ được hưởng lãi suất tiết kiệm. Bây giờ tôi không gửi tiết kiệm mà tôi đầu tư vào trường thì như vậy sẽ được coi là không vì lợi nhuận.

Đến nay chưa nhiều người làm được điều đó. Nếu chúng ta thực sự thay đổi tư duy để thúc đẩy thành lập các mô hình ĐH phi lợi nhuận thì tôi hy vọng rằng khoảng cách giáo dục giữa các trường ngoài công lập ở nước ta với các trường đại học trên thế giới sẽ được rút ngắn.

Vậy để chuyển từ lợi nhuận sang phi lợi nhuận, các trường cần phải làm những gì thưa ông?

Việc chuyển đổi sẽ là cả quá trình phức tạp vì đây là 2 mô hình hoàn toàn khác nhau, chẳng những về sở hữu mà cả tổ chức, cơ chế hoạt động... Nếu chuyển thì còn quá nhiều việc phải làm, trước hết là tài sản, rồi cấu tạo hội đồng quản trị, rồi quy chế, nguyên tắc biểu quyết... Để chuyển đổi được các trường phải có động lực rất lớn. Vì vậy tôi nghĩ sẽ không nhiều trường làm được việc chuyển đổi này.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật