Tổng thống Mỹ lại ‘đao to búa lớn’

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tổng thống Mỹ Barack Obama liên tiếp dọa Nga phải trả giá, tuyên bố phiến quân Hồi giáo không chốn dung thân...
Tổng thống Mỹ lại ‘đao to búa lớn’
Tổng thống Obama

Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (IS) ngày 13/9 tung ra một video ghi cảnh chặt đầu một nhân viên cứu trợ người Anh, David Haines. Hình ảnh này giống hệt cảnh hành quyết hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff hồi tháng 8/2014. Trong đoạn cuối video, phiến quân IS tiếp tục đe dọa sẽ chặt đầu con tin thứ 4 người Anh.

Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ và đầy nguy hiểm của lực lượng IS, cách đó vài hôm, tại Lễ tưởng niệm sự kiện 11/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố, Mỹ sẽ áp dụng chiến lược không kích và hỗ trợ các đối tác để tiêu diệt tổ chức IS.

“Chúng ta sẽ truy lùng những kẻ khủ‌ng b‌ố đe dọa nước Mỹ tại bất kỳ nơi nào chúng ẩn náu, có nghĩa là tôi sẽ không do dự thực thi hành động chống lực lượng IS ở Syria, cũng như ở Iraq. Trên cương vị Tổng thống, nguyên tắc của tôi là: kẻ đe dọa nước Mỹ sẽ không có chốn dung thân”, ông Obama hùng hồn nói.

Trong cuộc phỏng vấn với NBC hôm 7/7 trước đó, ông Obama cũng cho biết Washington có thể tấn công các lãnh đạo phiến quân ở bất cứ nơi nào.

Tuy nhiên, vụ chặt đầu con tin thứ 3 (và sắp sửa là con tin thứ tư, theo lời đe dọa) khiến nhiều người cho rằng ông Obama chỉ nói những lời "đao to búa lớn". Chống IS  là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn khi mà cách đây 6 năm khi lần đầu nhậm chức, ông Obama cũng đã mạnh miệng tuyên bố nước Mỹ sẽ chấm dứt sứ mệnh ở Trung Quốc.

Và dù lần này, ông Obama cam kết, quân Mỹ sẽ không đặt chân lên vùng đất này lần nữa thì với các chuyên gia quân sự, điều này vẫn cực kỳ khó tin. Đặc biệt, khả năng Mỹ có thể giành chiến thắng trong một thời gian ngắn rất khó xảy ra. Nhiều nhà quan sát lo ngại chiến dịch chống IS của Mỹ có thể kéo dài đến hết nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama vào năm 2016 hoặc có thể hơn.

"Nước Mỹ đơn giản là không có lựa chọn ngắn hạn nào cho thấy cơ hội giành chiến thắng rõ ràng và cũng sẽ không có trong những năm tiếp theo” - nhà phân tích Anthony Cordesman thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế nhận định.

Những tuyên bố hùng hồn cũng được Tổng thống Obama sử dụng trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong chuyến thăm Estonia đầu tháng 9 này, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cáo buộc Nga là "mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định của châu Âu".

Tháng 7/2014, trong cuộc nói chuyện dài 15 phút với người đồng cấp Nga, Tổng thống Mỹ cũng lại dọa cô lập Nga nếu Ukraine còn hỗn loạn.

Ông Obama đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng nước Nga sẽ phải trả giá đắt cho hành động can thiệp quân sự vào Ukraine. Tuy nhiên, chính người đứng đầu Nhà Trắng cũng khẳng định rằng, Mỹ không có ý định can thiệp quân sự vào cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này.

Tổng thống Mỹ đang bị chỉ trích không thể giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng Ukraine bởi biện pháp ưa thích của ông là tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Tuy nhiên, Mỹ đang bị "gậy ông đập lưng ông" khi nước Nga đang thuần thục áp dụng biện pháp "ăn miếng trả miếng", trả đũa tất cả các đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Đặc biệt, với sự trỗi dậy của  khối BRICS, gồm các nước lớn đang phát triển Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã tạo cho Tổng thống Putin một đối trọng để vô hiệu hóa chiến thuật gây sức ép của phương Tây.

Trong một bài phân tích đăng trên tờ New York Times, chuyên gia nghiên cứu Ian Bremmer - Giám đốc Tập đoàn tư vấn Eurasia Group, Giáo sư về nghiên cứu toàn cầu tại Đại học New York, từng cho rằng Mỹ nên chấm dứt những lời đe dọa mà ông cho là “rỗng tuếch” nhằm vào Nga khi giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trong cuộc khủng hoảng ở Syria, chính quyền Obama đã vạch ra "giới hạn đỏ" với sự đe dọa can thiệp quân sự, nhưng rồi áp lực trong nước đã khiến Mỹ phải chấp nhận đề xuất của Nga. Mỹ đã mất sự tín nhiệm trên trường quốc tế bởi không biến lời nói thành hành động.

Trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine, chính quyền Obama lặp lại sai lầm này. Những lời lẽ đao to búa lớn của phương Tây khiến ông Putin trở nên quyết đoán hơn vì ông không tin phương Tây lại đối xử với Nga như đối xử với Iran.

Chính sách cô lập Nga, giống như kiểu cô lập Iran và Triều Tiên, không phải là một mối đe dọa mà Mỹ có thể tạo ra và áp đặt một cách dễ dàng đối với Nga.

Một cách tiếp cận cứng rắn với Nga không phải là lời giải cho bài toán khủng hoảng hiện nay. Theo học giả Bremmer, Mỹ cần phải thừa nhận các lợi ích cốt lõi của Nga và nhìn nhận thấy những hạn chế của chính mình - và nên chấm dứt đưa ra những lời đe dọa rỗng tuếch.

Một điều đáng lưu ý, kết quả cuộc thăm dò của ABC News và Washington Post ngày 9/9 trên 1.000 người Mỹ cho thấy chỉ 42% cho rằng ông Obama thành công trong thời gian cầm quyền và 38% đồng tình với cách tổng thống xử lý các vấn đề đối ngoại, giảm 8% so với cách đây hai tháng.

Khuynh hướng này có thể gây bất lợi cho Đảng Dân chủ của ông Obama trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật