Lần đầu tiên nông dân tham gia diễn nhạc kịch

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vở nhạc kịch đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của những người nông dân mang tên “Dòng sông không chảy ngược” xoay quanh tình yêu của Bí thư Thạch với dòng sông Nhuệ. Ông tìm mọi cách thuyết phục bà con làng lụa bảo vệ con sông đang dần chết.
Lần đầu tiên nông dân tham gia diễn nhạc kịch
Ảnh minh họa

Tối 30/8 vừa qua, buổi nhạc kịch đầu tiên theo phong cách Broadway “Dòng sông không chảy ngược” thuộc Dự án “Đi và Mở” đã đến với người dân làng Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Rất đông người dân đến xem vở kịch.

Tham dự sự kiện có GS. Nguyễn Lân Dũng - Cố vấn của Dự án “Đi và Mở”; Họa sĩ Nguyễn Như Bạch Tuyết - Giám khảo cuộc thi vẽ tranh “Ước mơ xanh”, hoạt động bên lề của Dự án; ông Đặng Anh Phương - Phó Chủ tịch xã Cự khê, huyện Thanh Oai, HN; cùng hơn 600 người dân địa phương đã tập trung ngay tại đình làng từ 7h30-11h30 tối để theo dõi vở nhạc kịch.

GS. Nguyễn Lân Dũng là cố vấn của Dự án.

Được nhào nặn từ chính những câu chuyện thường ngày của người nông dân, vở nhạc kịch này không chỉ kể chuyện, mà còn dành chỗ để người dân chủ động cất lên tiếng nói về những câu chuyện của bản thân mình, bằng một hình thức nghệ thuật vốn vẫn còn xa lạ ngay cả với những cư dân thành phố - nhạc kịch theo phong cách Broadway. Tuy nhiên vở “nhạc kịch theo phong cách Broadway” này lại vô cùng gần gũi và mang đậm hồn cốt Việt.

“Dòng sông không chảy ngược” xoay quanh tình yêu và nỗi day dứt của nhân vật bí thư Thạch với dòng sông Nhuệ quê hương, cùng thôi thúc bảo vệ dòng sông quê luôn ám ảnh trong lòng ông. Từ những kí ức tuổi thơ tươi đẹp nhất cho tới giây phút đau đớn nhất là mất đi mối tình đầu của Thạch đều gắn với dòng sông. Khi trở thành Bí thư xã, ông đã tìm mọi cách thuyết phục bà con làng mình cùng thay đổi để bảo vệ con sông đang dần chết.

Những hình ảnh đầy day dứt trong vở kịch.

Nhưng ông Thạch đã phải trả giá quá đắt cho việc đối chọi lại những nếp sản xuất vốn là “miếng cơm manh áo” của cả làng: đó là sự ghẻ lạnh, chống đối của dân làng và cả chính vợ con ông. Vở nhạc kịch để lại cái kết mở với những mâu thuẫn dần được gỡ nút, và căn bệnh ung thư dạ dày của ông Thạch vừa là nhân tố hòa giải để các nhân vật khác thông cảm và tỉnh ngộ, vừa là dư âm lặng lẽ về hệ quả của dòng sông “chết”. Câu chuyện không xoáy sâu vào vấn đề và tìm xem lỗi là của ai mà hướng tới tương lai, tình yêu và trách nhiệm của mỗi người với dòng sông quê hương.

Không dừng lại ở đó, sau khi vở kịch khép lại, người dân đã tự xây dựng cái kết riêng trong phần “diễn kịch giải pháp”. Các thanh niên địa phương tự lên kịch bản, tự diễn xuất để thể hiện được cái nhìn của mình cũng như tự đưa ra các giải pháp thân thiện và thực tế với chính địa phương họ (như sử dụng hầm bioga). Đồng hành cùng vở kịch chính, buổi triễn lãm tranh “Dòng sông ước mơ” đã trưng bày 30 bức tranh ý nghĩa và sáng tạo nhất được giải của 30 em học sinh tới từ trường tiểu học Cự Khê. Qua những bức tranh này, các em học sinh đã thể hiện cái nhìn cũng như ước mơ của các em về con sông Nhuệ.

Người dân thích thú theo dõi diễn biến của vở kịch.

Dự án “Đi và Mở” là dự án nghệ thuật trình diễn vì cộng đồng với sự tham gia của hơn 70 tình nguyện viên, diễn viên đang là sinh viên và học sinh các trường tại Hà Nội, nhằm đưa nghệ thuật tới gần hơn với cộng đồng và qua đó truyền cảm hứng hành động tới cộng đồng để giải quyết các vấn đề xã hội.

Những hình ảnh của vở kịch Dòng sông không chảy ngược


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật