Nỗi oan... của Chí Tài

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tỉnh táo, bản lĩnh và có duyên sâu với nghề tấu hài, đặc biệt nghiêm túc nhưng bởi gương mặt “kỳ kỳ“ khiến anh bị nghĩ oan.
Nỗi oan... của Chí Tài
Chí Tài

Gặp anh đúng lúc anh đang diễn một suất ở Nụ cười mới, nhìn anh hóa trang nghiêm nghị, lụ khụ hơi ngồ ngộ bèn xin phép sờ má và hỏi: Mặt anh nhìn bên ngoài trẻ hơn trên sân khấu, mà cũng không mập như trên hình... Anh cười hiền khô bảo: "Ờ, trên hình tôi vậy, vì nguyên tắc hình ảnh là tăng gần 5kg. Mà tôi cũng mập thiệt, 85kg tính cả quần, áo, giày, dép..." (cười lớn).

Đúng lúc đó, khán giả quây quanh, có nhiều em bé xin được chụp với chú Tài và chẳng ai nhịn được cười khi anh, người đàn ông tuổi 56 lại xòe tay "xì tin" chẳng kém gì cô bé 6 tuổi bên cạnh. Chí Tài là vậy, nghiệp hài thấm vào máu thịt nên anh luôn định đoạt tuổi cho mình. Anh nói: "Con người thể xác của anh là 56 nhưng con người tinh thần tính ra chỉ mới... 25 thôi chứ mấy" (cười).

Từng đi giữ xe 2 bánh để... mua bánh ăn

Chí Tài xuất thân từ gia đình công chức nên không nghèo khổ như Hoài Linh hay những bạn diễn tấu hài khác. Song với bản tính lanh lợi từ nhỏ nên mới 10 tuổi đã tự đi kiếm tiền. Anh thích tự làm ra tiền để xài chứ không muốn đi xin ai. Mỗi lần thấy người đến bưu điện gửi thư phải loay hoay tìm chỗ để xe, anh mạnh dạn xin được giữ xe. Khôn khéo và giảo hoạt, lại biết "chiều" khách như xếp xe ngay ngắn, lau yên xe ướt... nên anh rất được cưng và được trả tiền nhiều hơn.

Tiền kiếm được thường đem "nướng" vào tiệm bánh Tây bên đường, chỗ đó bán bánh kiểu pate chaud cay rất ngon. Anh mê tít món bánh đó mà đến bây giờ, dù có tiền rồi cũng khó mà mua, mà tìm lại được hương vị ấu thơ đó được nữa.

Ngồi trộn giữa hàng ghế khán giả ồn ào, náo nhiệt, anh hài hước kể: "Mọi người nhìn tôi mập mạp, "tươi tốt" vậy chắc nghĩ tôi công tử dữ lắm. Thú thật hổng phải vậy. 35 năm trước tôi rất ốm. Gương mặt tôi gầy nhom chứ không có phệ như bây giờ".

Thời đó, ba anh là nhân viên bưu điện nên cả gia đình tá túc dưới tầng hầm của Bưu điện TP.HCM. Một khoảng thời gian dài với những kỷ niệm khó phai. Nơi thiếu ánh sáng mặt trời và thiếu không khí. Ngày ngày nhìn lên cửa sổ thấy chân người qua lại. Nơi hiện diện một Chí Tài gầy nhom, bị suyễn, ho hen, khò khè chứ không phải một Chí Tài ngập tràn năng lượng như hiện tại. Để vào được nhà phải đi qua một toilet công cộng rất dơ. Kể đến đó anh cũng còn thấy rùng mình.

May mắn thay, hết lớp 4, cả nhà được "lên mặt đất", chuyển đến một nơi mới nên sức khỏe anh cũng khá khẩm hơn. Rồi anh mày mò đi học đàn guitar và sống vừa đủ với nghề.

Hoa nở muộn nhưng bền lâu là tốt

26 tuổi, Chí Tài qua Mỹ. Cảm thấy khó sống được với nghề đàn hát trên đất nước của Nữ thần Tự do, anh gác cây đàn vào một góc tủ, quyết định đi học nghề điện tử để kiếm sống.

Thời gian đó, anh nhìn cảnh đa phần nghệ sĩ làm nhiều tiền nhưng tính nghệ sĩ tiêu xài hoang phí, sống nghèo túng khi về già khiến anh chạnh lòng. Nhìn họ, Chí Tài có chút lo xa. Trong câu chuyện không đầu, không cuối, anh tự nhận mình "khác người". Với anh nghệ thuật vị nhân sinh chứ không phải nghệ thuật vị nghệ thuật. Con người Chí Tài thiếu chất "nghệ sĩ tính" nhưng giàu đam mê và luôn theo kịp thời đại. Ở tuổi anh, nhiều người thích nghe nhạc tiền chiến, nhạc cải lương, trữ tình... còn Chí Tài vẫn nghe nhạc trẻ. Trong lòng anh lúc nào cũng chỉ nghĩ mình là một chàng trai 20. Chí Tài tự nhận rằng mình thích chơi với người trẻ, không thích chơi với người già.

Thời mới qua Mỹ, Chí Tài rất vất vả để học một môn không phải sở trường là viết chương trình cho máy tính. Anh tự nhận mình tính toán dở nên không yêu thích gì món ấy, chỉ là làm theo yêu cầu của ba. Trên đường đi học, mỗi ngày anh sẽ đi qua một trường dạy đàn, lần nào Chí Tài cũng dừng lại say mê ngắm và lắng nghe. Kìm lòng không được, anh lén tự đăng ký một khóa nhạc Jazz để học. Mới vào học nhưng Chí Tài đã khiến thầy giáo rất khâm phục vì khả năng chơi nhạc, truyền tải trong từng giai điệu rất điêu luyện. Mãi về sau, anh mới thú nhận với thầy là mình từng học đàn gần 4 năm rồi. Thầy gật gù khen ngợi và bảo rằng anh solo rất giỏi, đầy sáng tạo và ngẫu hứng.

Thầy thích Chí Tài lắm nên thường rủ anh ra các buổi hòa nhạc bãi biển chơi, nhiều lần thầy mời anh lên đàn nhưng anh không dám bước lên. Năm đó Chí Tài 26 tuổi, không quá nhỏ mà cũng chẳng quá lớn. Cuộc sống cũng cần mưu sinh nên anh đi làm cho hãng điện tử 7 năm và bắt đầu chơi nhạc cho cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Duyên hài nhờ có gương mặt "kỳ kỳ"

Duyên hài bắt đầu nhờ trong nhiều lần chơi nhạc, nhìn mặt anh đang phiêu, nhiều ca sĩ cũng nói mặt anh trông hề và "kỳ kỳ", sao không thử diễn hài. Rồi một lần, giám đốc sản xuất của Paris By Night đã đề nghị các cameraman hãy quay hình anh thật nhiều. Lý do là gương mặt của anh rất vui vẻ, hứng khởi. Không có khiếu kể chuyện tiếu lâm nhưng thông minh và hài hước trong ngôn từ nên nói chuyện rất duyên và dễ khiến mọi người cười. Rồi Vân Sơn đưa anh đến với nghiệp hài từ đó.

Trong làng hài kịch, Chí Tài là ngôi sao hàng top, nhưng với điện ảnh thì ngược lại, anh chủ yếu đóng những vai phụ. Lý giải cho sự thật "trớ trêu", Chí Tài cho biết vì anh cần thêm sự may mắn. Cái "oan" của Chí Tài nằm ở chỗ hình thể và các vai diễn xem ra thường vai "khờ" hoặc "dê gái"... nhưng bản chất của anh lại vô cùng nghiêm túc và chung thủy với vợ.

Hơn nữa, Chí Tài vẫn tin đôi khi chỉ là vai phụ, nhưng nếu diễn xuất sắc khán giả lại nhớ, ấn tượng nhiều như những phim Trái đắng, Lâu đài tình ái, Kỳ phùng địch thủ, Chuyện quý bà...

Người nghệ sĩ tay ngang đầy tỉnh táo

Quen biết vợ từ thời ở Việt Nam, qua Mỹ gặp lại. Ngày chính thức rước nàng về dinh từ Hawai về California là năm 1984. Tới năm 1886 mới chính thức có hôn thú. Đến nay, họ đã có 30 năm sống với nhau như một đôi vợ chồng son chính hiệu.

Trong khi Hoài Linh rất thích có nhiều con nuôi thì Chí Tài lại khác. Anh không muốn có con cái. Nói về lý do này, anh kể: "Anh bị ảnh hưởng tâm lý của gia đình. Hồi nhỏ ở chung với chị, thấy chị gái phải vật vã chăm sóc con vô cùng cực khổ. Đêm thì con bệnh khóc quấy ồn ào. Từ đó anh cảm thấy rằng, nếu mà có con cái thì sự nghiệp mình sẽ chậm lại. Vì xuất phát điểm của anh khác mọi người. Anh diễn hài tay ngang, vào nghề quá muộn nên chỉ đủ thời gian học hỏi mỗi ngày, mỗi giờ, không còn thời gian cho việc chăm sóc con cái.

Anh biết nhiều người nói anh ích kỷ, chỉ biết đến bản thân nhưng đam mê lớn nhất đời anh không phải là con cái mà là sự nghiệp. Anh sẵn sàng chấp nhận điều đó và may mắn là anh gặp một người vợ cũng chấp nhận một cách thoải mái.

Đôi khi ngồi ngẫm lại, anh cũng thấy tự phục ý chí của mình. Một tuần 7 ngày, anh dành hết 4 ngày để đến các tụ điểm chơi đàn. Hai vợ chồng thời đó rất nghèo, có một chiếc xe nên 4 giờ sáng, anh thức dậy chở vợ đến sở làm rồi mới đi làm, chiều lại tất tả đi chơi đàn và quay về đón vợ... Ròng rã 7 năm như thế, không ngơi nghỉ, cực khổ vô cùng nhưng chưa bao giờ oán thán cuộc đời mà anh luôn cảm ơn những khổ nhọc trong quá khứ. Nhờ nó anh mới có ngày hôm nay.

Tựu trung lại, nói Chí Tài là người "nghệ sĩ tay ngang tỉnh táo" cũng không sai. Anh xác định việc làm hãng để có bảo hiểm lâu dài nhưng lương không cao. Bù lại, đi đánh đàn thì thù lao cao và cũng thỏa niềm yêu thích. Chịu khó một chút, anh vừa đủ sung túc cho đời sống lẫn đam mê nghệ thuật. Sự vững chắc tài chính sẽ khiến con người ta thoải mái sáng tạo và yêu cuộc sống hơn. Đó là quy luật!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật