Người mang thông điệp

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở tiền sảnh thư viện những chiếc áo khoác của trẻ em tỏa ra mùi ẩm thấp của một ngày mùa thu. Tiếng bước chân lẹt xẹt, tiếng cười rúc rích của con gái, tiếng cãi cọ của con trai: Những âm thanh ấy lấp đầy khoảng không gian yên tĩnh của thư viện. Tôi ân cần tiếp đón các em học sinh và cô giáo của chúng đến thư viện.
Người mang thông điệp
Minh họa của họa sĩ Đỗ Phấn.

Tôi có thói quen là chiều chuộng trẻ em trước, và lần này cũng vậy, tôi cho những miếng dán và một quyển sổ nhỏ mà chúng có thể dùng để ghi chép những gì chúng đọc. Tôi đưa quyển sổ của tôi để làm ví dụ, và hỏi bọn trẻ những sách ưa thích của chúng là gì. Những cái miệng của bọn trẻ mở ra cùng lúc, giống như mỏ của những con chim non. Sự huyên náo càng lớn hơn khi những câu trả lời của chúng tuôn ra.

Một tờ báo rời giá rơi lên sàn nhà để lộ ra hai cô bé núp sau giá báo. Một trong hai đứa thắt bím, đứa kia tóc hung hung và mặt có tàn nhang. Hai đứa tay che miệng thì thầm với nhau. Tôi cố thu hút chúng vào cuộc thảo luận nhóm. Tôi liếc nhìn đầy ý nghĩa vào cô giáo vài lần, nhưng có vẻ cô không quan tâm những gì hai cô bé đang làm.

Tôi cảm thấy khó chịu, đặc biệt là khi tôi thấy cô bé tóc vàng thắt bím thỉnh thoảng dừng nói để nhìn tôi. Cô bé có thể nghĩ gì; tôi làm cô bé cảm thấy mắc cỡ sao?

Trong khi cùng nhau đi trong thư viện cũng vậy, hai cô bé nhởn nhơ ở đằng sau nhóm. Tôi thấy chúng la cà phía sau để xem những quyển sách ở khu sách người lớn.

Một đôi thân thiết. Tách khỏi những người khác, như thể chúng ở thế giới riêng của chúng.

Khi bọn trẻ vội vàng chạy đến những giá móc áo khoác, tôi đi tìm hai cô bé. Nhưng ngoài vài cặp học sinh, khu sách người lớn vắng ngắt. Tôi sắp quay trở lại thì tôi thấy một quyển sách còn để mở trên bàn đọc sách.

Hai cô bé ranh mãnh ấy đã chuồn trước những đứa khác và quên trả cuốn sách lại kệ sách. Khó chịu, tôi cầm lấy cuốn sách trên bàn, và ngạc nhiên khi thấy đó là một quyển sách về thời tiền sử ở Phần Lan.

Chúng đã đọc quyển sách đó sao? Đó là một quyển sách khá cũ và khô khan chỉ có những tấm ảnh đen trắng và những hình vẽ minh họa. Tôi lắc đầu và trả cuốn sách vào kệ.

Trong văn phòng, tôi lơ đãng dời chồng báo này sang chồng báo khác. Tôi thấy mình không thể tập trung thêm nữa vào việc hạch toán ngân sách. Thỉnh thoảng tôi lại đưa mắt lướt qua ô cửa sổ để nhìn công viên bên kia đường. Gió thổi xào xạc những bụi cây, những mẩu lá vàng rơi trên bãi cỏ trong cơn gió. Chỉ có vài đôi trẻ đang vẩn vơ trong công viên, những ghế đu lắc lay, không có người ngồi. Gió đu đưa chúng?

Tôi nhìn màn hình sáng. Màu xanh trải rộng, trở thành một bề mặt rộng lớn trước mắt tôi.

Sau chuyến thăm thư viện của trường học, vài ngày trôi qua theo lệ thường. Rồi thì chuyện xảy ra.

Cô bé tóc vàng đang ngồi trên những bậc cấp của thư viện khi tôi đến làm việc.

Tôi nhìn quanh xem thử có cô bạn mặt tàn nhang của cô bé không, nhưng dường như cô bé tóc bím chỉ có một mình.

Hôm ấy là một ngày trời lạnh buốt, tôi vẫy cô bé vào trong thư viện.

Có lẽ mấy cô bé dự định gặp nhau ở đây. Chính tôi cũng thường gặp bạn bè ở thư viện, dù không sớm về thời gian như thế này. Ở tuổi của mấy cô bé, vào giờ này, tôi sẽ thường ngồi ở bàn học như một cô gái ngoan, sẽ chẳng có việc tôi trốn học đi chơi.

Tôi pha trà trong văn phòng, đọc báo, vài lần nhìn qua thư viện. Cô bé đang bình thản đọc sách, rõ là không quan tâm đến những gì xảy ra chung quanh.

Từ hôm đó, cô bé đến chỗ bậc cấp của thư viện mỗi ngày, có khi cả giờ trước khi thư viện mở cửa. Cô bé luôn luôn ngồi cùng chỗ bậc cấp đá, đong đưa hai chân và mắt nhìn chờ đợi về hướng tôi sẽ đến.

Vài lần tôi nghe được giọng nói cô bé, nhưng nói chung thì cô lặng yên; cô bé chỉ vui vẻ gật đầu đáp lời chào của tôi.

Chúng tôi luôn đi vào trong cùng lúc, khi ấy cô bé, ý tứ đi phía sau tôi.

Theo thói quen, tôi vào văn phòng trước, nhưng tôi biết những gì đang xảy ra trong thư viện: Khi chỉ một mình, cô bé sẽ mạnh dạn đi thẳng tới khu sách lịch sử tự nhiên. Ở đó, cô bé luôn với tay lên những kệ sách của những ngày trước, chọn vài quyển sách, và bày chúng lên chiếc bàn tròn chưa ai kịp chiếm chỗ.

Cô bé làm như vậy tuần này sang tuần khác - đọc với sự tập trung, tìm tài liệu mới từ kệ sách - cho tới xế ngày. Có vẻ như cô bé chẳng vội đi đâu cả. Rồi cô bé đơn giản biến ra khỏi cửa, chẳng hề mượn về một cuốn sách nào.

Trong mùa thu, tôi thử nhiều lần trò chuyện cùng cô bé bên các giá mắc áo khoác. Một lần tôi hỏi em bạn của em thế nào, nhưng em chỉ im lặng nhìn tôi. Tôi thoáng nghĩ tôi thấy ánh mắt em có vẻ trách móc.

Tôi cố giấu đi sự tò mò đang lớn dần của tôi; một hôm tôi đi ngang qua cô bé và lén liếc nhìn những gì cô bé đang đọc.

Các quyển sách đều là sách lịch sử tự nhiên và tiền sử. Cô bé đang đưa ngón tay lướt trên cổ những con khủng long, lướt đến những khu rừng mưa nhiệt đới vĩ đại, và từ đó, đến những người sọ khỉ bên đống lửa trại. Tôi thấy môi cô bé mấp máy không lời.

Cô bé lật các trang sách chầm chậm, dừng lại một chút trước những con chim thời tiền sử, rồi chuyển sang một cuốn sách giải thích các kỹ thuật săn bắt thời xa xưa.

“Tôi nghĩ em sẽ là một sử gia lớn vào một ngày nào đó, sẽ là một trong những nhà khảo cổ?”.

Câu hỏi bất cẩn của tôi là một sai lầm. Thậm chí cô bé không nhìn tôi trong khi gấp sách lại, đặt chúng lên kệ và biến nhanh ra khỏi cửa.

Phần ngày còn lại, tôi nghĩ về cô bé lạ lùng và ân hận về hành động của tôi khi chen vào công việc của cô bé.

Trong nhiều ngày sau, cô bé không còn xuất hiện trên bậc tam cấp thư viện chờ giờ mở cửa. Mỗi buổi sáng, tôi chờ đợi gặp em trên bậc cấp, với mái tóc thắt bím của em, nhưng tôi đã thất vọng.

Mặc cảm phá rối làm tôi tưởng tượng ra nhiều chuyện. Liệu cô bé có xúc động sâu sắc và gây ra chuyện gì cho chính em? Tôi là ai mà chọc mũi vào việc đọc sách của người khác? Tại sao tôi lại không để yên cho em vui hưởng sự yên ả và cô đơn của em? Có thể thư viện là nơi duy nhất cô bé có thể yên ổn.

Một buổi tối, từ nơi làm việc về nhà, tôi thấy một bóng người quen thuộc ở một góc công viên. Tôi chầm chậm tiến lại gần cô bé, đang bận làm gì đó với một đống cát.

Cô bé nhanh chóng ngoái nhìn về phía sau, rồi lập tức phóng băng qua đường đến một khu chung cư và biến mất sau mấy bụi cây tử đinh hương.

Tôi đứng bên cạnh khuôn gỗ đựng cát.

Trước mặt tôi là mô hình nhỏ của một ngôi làng thời kỳ đồ đá được xây dựng cẩn thận. Lửa trại và những túp lều hình nón được làm bằng sỏi và những nhánh cây gãy. Dưới chân tôi là một hố nhỏ; những que bén nhọn trồi lên từ đáy hố. Đó là một cái bẫy nguy hiểm.

Cô bé đã đọc những quyển sách với sự nghiêm túc.

Tôi ngồi trên khung gỗ và cố đoán tại sao cô bé lại quan tâm đến những chuyện thời xa xưa đó. Phải chăng lịch sử như một câu chuyện cổ tích đối với em, một câu chuyện cổ tích hấp dẫn, vì nó cũng là thực? Hay cái thế giới tiền sử này là một nơi ẩn nấp cho em?

Chìm trong suy nghĩ, tôi dời mấy que lửa trại, và dùng sỏi để đỡ cho thẳng một cái lều làm bằng rêu và vỏ cây.

Tôi cho là ai cũng có một nơi nương náu. Đối với một số người, đó là một nơi ẩn nấp, với một số người khác, là một sở thích bí mật. Và nhiều con đường có thể dẫn tới chỗ ẩn nấp. Cô bé thông qua những quyển sách mà nghe tiếng thì thầm lạ lùng của những khu rừng cổ xưa.

Một cảm xúc hão huyền xâm chiếm c‌ơ th‌ể tôi và tôi cảm thấy lạnh.

Tôi giũ cho cát rơi khỏi quần và nhìn khung gỗ chứa đống cát. Trên lớp bụi trên khung tôi đã viết lên một thông điệp, bằng bản năng: Hãy trở lại.

***

Mẹ nhìn tôi qua đôi mắt kính.

Áo cánh trắng, áo len đen, chuỗi hột Mallorcan lấp ló dưới cổ áo.

“Con đã thức”.

Giọng bà không bộc lộ điều gì.

“Mẹ đã pha cà phê. Và đã đăng ký thuê một người quét dọn”.

Tôi đẩy một chồng báo cũ rời lớp mền rơi lên sàn. Ly nước trái cây ép tôi đã để bên giường ngã, và mẹ nhanh chóng bước tránh để chất lỏng không đổ lên đôi giày da bà đã giữ gìn cẩn thận.

“Cố gắng lên. Con là người lớn mà”.

Kỳ nghỉ bệnh của tôi sắp hết. Bác sĩ đã bảo tôi nghỉ hai tuần, vì kiệt sức. Tôi đã cố giải thích với ông rằng đây không phải là sự mệt mỏi bình thường mà tôi đang trải qua. Có điều gì đó xa lạ trong tôi: Như một cái gai hay một mảnh vỡ khắc trong thịt, đã bắt đầu cựa quậy. Một mùi, âm thanh, hay vị - chúng là gì thì cũng có thể hoạt động như một tác nhân vào bất kỳ lúc nào, và sự bất ổn sẽ xâm chiếm toàn bộ c‌ơ th‌ể tôi trong chốc lát. Thỉnh thoảng điều ấy có vẻ là một bí mật sắp trồi lên bề mặt. Cảm giác thì lạ lùng và đáng sợ.

Bác sĩ đã khuyến khích tôi nhớ lại, xem các bức ảnh, đọc các lá thư, nhưng ý tưởng lục lọi những đồ vật cũ dường như chỉ lãng phí thời gian. Hồi ức giống như một cái chăn vải chắp mảnh khâu vào nhau từ những mảnh vỡ của ý tưởng, một vết sáng có thể nhìn thấy chỗ này chỗ khác. Tôi không thể tập trung vào điều gì, không sách mà cũng không phim ảnh.

Trong thời gian tôi nghỉ bệnh, tôi đã nằm, nặng như một phiến đá, chỉ dậy để thực hiện những nhu cầu căn bản.

“Thư viện gọi đến, hỏi thăm con. Họ mong con đến làm việc vào ngày thứ hai. Công việc tồn đọng, nhiều việc cần làm. Những việc mà chỉ con mới làm được”.

“Họ có nói gì về con bé không? Họ có thấy nó không?”.

Mẹ gỡ kính khỏi mũi, cho vào trong hộp đựng kính, và úp nắp lại.

“Chẳng có con bé nào”.

Tôi ngồi dậy, khuỷu tay vô tình đụng quả táo héo trên bàn đầu giường ngủ rơi xuống sàn.

“Gần ba mươi tuổi rồi mà xem chừng con vẫn cần chăm sóc. Mẹ đã hủy buổi được mời xem nhạc kịch để trông chừng những sự bất cẩn này”.

Tôi lê mình vào nhà bếp và rót một ca cà phê. Mẹ đã dọn dẹp vài thứ, sắp lại chồng báo và những quyển sách cũ của thư viện mà tôi đã tuyển lại cho mình.

“Thảy đống sách báo cũ đó cho cửa hàng sách cũ đi. Không phải con muốn biến nhà mình thành nơi làm việc chứ?”.

Cơn mưa trút nước đang nhỏ dần thành mưa phùn.

Những cái lều nhỏ và que lửa trại sẽ đổ thành đống trong khung chứa cát của cô bé. Nước sẽ lôi đi rêu và các mái rơm, gió sẽ thổi cát lấp cái hố bẫy. Đất sẽ bằng phẳng. Trống vắng tiêu điều.

“Họ nói ở chỗ làm rằng những quyển sách ấy không có ở đó”.

“Những quyển sách nào?”.

“Những quyển sách mà con cứ hỏi một tuần đến mấy lần đó”.

Tôi cau mày cố nhớ lại. Tôi mơ hồ nhớ có thể tôi đã gọi điện thoại đến chỗ làm. Tôi đã hỏi về cô bé, rằng có ai thấy cô bé không và cô bé có đến mượn các quyển sách về cổ sinh vật học, động vật tiền sử, sách về thời đồ đá không. Tôi nghĩ thậm chí tôi đã nhớ tên một số tác phẩm ấy, và nhờ họ lục trong máy tính xem chúng có đang được cho mượn không, và nếu có, thì ai mượn.

“Họ nói gì? Những quyển sách đã được mượn rồi à?”.

“Thậm chí họ không có chúng trong kho”.

Giọng mẹ có vẻ bực bội. Bất chợt, tôi cảm thấy những ngón tay xương xẩu và lạnh của bà đặt trên vai tôi.

“Để mẹ xoa bóp nhanh cho con. máu sẽ tuần hoàn và làm cho não con hoạt động tốt”.

Mẹ đang cố nói đùa, nhưng tôi có thể nói là bà lo lắng.

“Thôi đi mẹ, cơ của con đang đau. Và hủy bỏ việc thuê người dọn dẹp đi, không phải là lúc để người ta đến đây”.

Mẹ nhấc tay lên và bỏ đi, đau.

“Mẹ đã đủ việc để làm, những việc với ba của con. Mẹ sẽ cố đưa ông vào Khoa mất trí vào đầu năm tới. Mẹ không thể gắng sức với ông nữa”.

Tôi quay lại và thấy vẻ mặt của mẹ. Sự chăm sóc đã để lại những dấu vết lên trên mặt của bà, bà như già hơn hai mươi tuổi. Mẹ nhìn tôi một lúc lâu không nói gì. Rồi bà gọi điện cho cơ sở cho thuê người quét dọn hủy bỏ nhu cầu, và mặc áo khoác vào. Khi cánh cửa trước sắp đóng sập lại thì, tôi ngạc nhiên thấy mẹ quay lại, đứng ở ngạch cửa.

Mặt bà tái, và đôi mắt âu lo của bà nhìn tôi như khẩn cầu.

“Con sẽ không hỏi về con bé ấy nữa nhé? Họ sẽ sa thải con. Con sẽ vào nhà thương điên đó”.

Tôi lắc đầu thở dài. Mẹ sẽ không dừng lại. Tôi định thuyết giảng với bà, thì bất chợt tôi nhìn ra cửa sổ. Đột nhiên, hai bàn tay tôi lạnh như hai cục đá.

Cô bé đang ngồi trên một băng ghế dài của công viên ở phía bên kia đường, hai chân đong đưa, y như cô đang ngồi trên bậc cấp thư viện. Cô bé đang mặc một chiếc áo khoác cũ và ngắn, thực sự quá ngắn trong thời tiết này.

“Mẹ sẽ để con yên”.

Mặc dù bà nói vậy, bà vẫn đứng nơi ngạch cửa.

Cô bé đứng dậy và bắt đầu nhặt những chiếc lá thích rơi trên một lối đi trong công viên. Chúng như những ngôi sao nhọn, sáng và lớn.

“Mẹ để một gói đồ cho con nơi cái tủ trong phòng ngủ. Mẹ của Liisa đem nó đến cho con đã lâu rồi, nhưng khi đó mẹ không thể đưa cho con. Lúc ấy con chỉ là một cô bé. Mẹ cảm thấy không tốt”.

Tôi chỉ nghe lơ mơ. Mẹ nói một mình, có vẻ mặc cảm vì lý do gì đó.

“Mẹ biết Liisa là bạn thân của con. Mẹ chỉ không thể để con đi gặp nó. Mẹ cố bảo vệ con”.

Tôi giật mình; một cơn lạnh chạy từ cổ xuống mắt cá chân, như một vết nứt. Mẹ nhìn xuống sàn nhà.

“Bảo vệ con khỏi cái gì?”.

Mẹ đứng trước tôi, như thể chờ đợi sự phán xét. Đầu tôi gào thét. Qua tiếng ầm ào, tôi nghe một tiếng thổn thức nhỏ.

“Cái chết”.

Cảm thấy đầu tôi như một khối nặng nề, như một phần lạ lùng, riêng rẽ ngoài tôi, tôi lại rướn mình về phía cửa sổ.

Con bé đang nắm một nắm lá lớn đỏ rực trong tay, và đang vòng quanh cây thích, gần như là ôm lấy thân cây.

“Lẽ ra mẹ không nên đưa những quyển sách ấy cho con. Các con luôn cùng đọc chúng với nhau. Con còn nhớ không? Mẹ gọi con về uống trà, nhưng con nói con và Liisa đã đi tới thời kỳ đồ đá. Đó là trò chơi bí mật của con. Mẹ đã gọi các con là những con bé thời hang động”.

Tôi vẫn dõi mắt nhìn con bé: Con bé đi xa hơn, từ cây này sang cây khác, vòng quanh các thân cây.

“Đó là bệnh bạch cầu. Hồi ấy người ta không điều trị được”.

Vai của mẹ tôi rung lên; tiếng khóc của bà nhức tai.

“Mới đầu mẹ giấu những cuốn sách ấy trên tầng gác. Mẹ nghĩ như thế sẽ làm con dễ quên hơn. Lạ lùng thay, con cũng đã quên. Trong hai mươi năm. Không một lời về Liisa suốt thời gian ấy”.

Hai tay tôi tái xanh và không có sức sống. Tôi nghe được hơi thở của mình, sinh động nhưng không tự nhiên.

Cô bé dừng lại ở cây thích xa nhất và ngoái nhìn lại, nhìn vào tòa nhà này. Nhìn vào cửa sổ của tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi.

Tôi bước tới cửa sổ và áp bàn tay tôi vào mặt kính mát dịu.

Cô bé đứng bất động phía dưới cây. Chiếc áo khoác nâu nhạt, những lá thích đỏ như lửa, lắc lay bởi gió. Một cơn gió thổi tốc lên mái tóc mịn của cô bé để nó trở thành một tổ chim rối bù.

Hãy trở lại. Hãy đi theo đường dây mỏng manh được làm bởi nhiều năm dài. Hãy trở lại.

Đột nhiên cô bé quay đi và tiếp tục hành trình, cho tới khi chỉ còn thấy công viên và vài cơn gió lang thang thổi qua những chiếc lá.

Tôi vẽ một chữ thập lên cửa sổ đọng hơi nước, và nhìn.

Phản chiếu trên ô cửa là một cô bé tóc đỏ, mặt có tàn nhang.

“Hãy mở gói đồ đó khi con có thể. Và tha thứ cho mẹ”.

Đến tối thì cơn mưa dừng.

Tôi đã nói với thư viện là tôi ở nhà cho tới thứ hai “để được an toàn”.

Tôi đã lạc mất vết thời gian, về nơi tôi đang ngồi, không biết tôi đang ăn hay uống, không biết tôi có trả lời một cuộc điện thoại nào không. Điều duy nhất tôi hiểu là trong tay tôi có một gói đồ từ hai mươi năm trước, dành cho tôi.

Toàn thân tôi run lên khi tôi mở gói đồ và để cho ánh sáng chiếu trên những trang giấy được viết từ hồi thơ ấu của hai cô bé.

Năm quyển sách, năm quyển sách đầy đau đớn được mở đi mở lại dưới tay tôi. Tôi lướt ngón tay hết trang này đến trang khác, từ đôi cánh của một con chim thời tiền sử đến cổ của một con khủng long, từ cổ con khủng long đến chiếc mai của một con rùa, từ cái vỏ sò, dọc theo đường cong của một cây cọ, đến một đống lửa trại xa xưa mà chung quanh nó là một bộ lạc tụ tập. Cây bút của Liisa đã để lại dấu vết: Một cô bé tóc tết bím được vẽ trên một hòn đá, gần bên nhóm người sưởi lửa ban đêm. Và trên trang kế tiếp, là dấu vết của chính tôi: một cô bé tóc đỏ, cần câu trong tay, trên đường ra bờ sông.

Đó là thế giới tưởng tượng bí mật của chúng tôi, của chúng tôi.

Mà tôi đã quên đi.

Bạn tôi nghĩ gì trong bệnh viện? Không một lá thư, hay điện thoại. Thậm chí không một lời chào.

Tôi không nhớ rõ ràng về những ngày tháng xa xưa đó. Chỉ có một cảm giác lo âu mơ hồ. Của sợ hãi và sự cô độc. Và rằng tôi thậm chí không muốn tưởng tượng những điều tệ hại đang xảy ra cho bạn trong bệnh viện, và về sau.

Tôi nằm xuống buông xuôi. Nỗi buồn dâng lên như một đám mây bão.

Tôi chọn một lối tắt đi qua công viên, lội qua biển lá và lắng nghe âm thanh xào xạc; những chiếc lá thích thì thầm như những cô bé. Tôi vượt qua khung gỗ đựng cát, bị quét bởi cơn mưa rào, và dừng ở bậc tam cấp của thư viện.

Tôi không còn đợi chờ ai đến.

Mùa thu đang trở thành mùa đông, bạn có thể ngửi được mùi của nó trong không khí buổi sáng. Cỏ vàng và bằng phẳng; như lớp lông của đất.

Hồi ấy, cả hai chúng tôi đều biết mùi của đất và đá. Liisa đã ở đó rồi, trong trung tâm lòng đất, giữa những khe lò cổ và những hòn đá bốc hơi. Những khúc xương nhỏ của một cô bé, chỉ bằng kích cỡ của chim. Tôi ngồi xuống trên bậc cấp đá, ở đó không còn ai đợi chờ tôi nữa.

Ngày mai tôi sẽ đi tìm mộ Liisa. Trên nấm mộ, vài chiếc lều rêu sẽ dựng lên - hay cả một ngôi làng nhỏ - và ở bờ biển, một chiếc thuyền nón thông buồm làm bằng lá sẽ lắc lay. Chiếc thuyền tưởng tượng đó, là nơi linh hồn sẽ định cư, để trôi theo dọc một dòng sông được nước mưa xói thành - chầm chậm, lắc lay.

Maritta Lintunen là nhà văn và là nhạc sĩ người Phần Lan. Bà viết nhiều truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết và kịch. Bà đã in 3 tiểu thuyết, 3 tuyển tập truyện ngắn và 2 tập thơ. Tiểu thuyết thứ 4 của Maritta Lintunen sẽ được in ở Phần Lan vào mùa thu năm 2014.


Truyện ngắn dưới đây “The message bearer - Người mang thông điệp” trộn lẫn những chi tiết hiện tại và quá khứ; thực và ảo một cách khéo léo, được Emily Jeremiah dịch từ tiếng Phần Lan sang tiếng Anh, in trên Tạp chí Words Without Borders số tháng 8.2014.

Bản dịch tiếng Việt theo bản tiếng Anh của Emily Jeremiah.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật