Người trẻ… yêu, chiều và kỳ vọng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bóng đá “chuyên nghiệp” - V. League vừa kết thúc với màn trao giải và ăn mừng của VFF và đội vô địch thật gượng gạo, buồn tẻ đến mức thấy thương. Tiền thưởng cho nhà vô địch “to như núi, trút như mưa” khiến nhiều người hỏi tại sao lại phí tiền đến mức như vậy rồi kêu phải gồng mình lên vì bóng đá (làm gì?). Một sự lãng phí, đầu tư nhầm chỗ.
Người trẻ… yêu, chiều và kỳ vọng
Ảnh minh họa
Mấy vụ bê bối đáng xấu hổ khiến ông tân chủ tịch có tiếng rất đanh thép dọa rằng dù có phải dừng giải cũng chả tiếc. Quan trọng nhất là phải bóc sạch, triệt tận gốc tệ nạn cá/ bán/ làm độ tạo một bề mặt sân cỏ sạch bong về đạo đức và luật pháp. Tức là thẳng tay cào bỏ tất tật, làm lại từ đầu. Ngạc nhiên là dư luận có vẻ đồng tình với phát biểu của ông chủ tịch vì dân tình đã chán cái anh Vi-líc đến tận cổ. Nhưng “tình yêu” bóng đá của người hâm mộ Việt là cháy bỏng, có thể khóc nước mắt nước mũi lòng ròng vì một anh Rooney ở tận London cơ mà.

Thế nên “hàng triệu con tim” (chữ của các bình luận viên “chuyên nghiệp”) lại thấp thỏm hướng về “lứa ra ràng” U.19 đang thi đấu chấp tuổi tại giải U.22 của cái “ao làng” ASEAN. Con tim người hâm mộ rất thổn thức: Hân hoan khi thắng Sing 4 - 0, thót lòng khi thua Mã 0 - 2 rồi hỉ hả khi “trả hận” In-đô… Lại đề nghị phải cách ly các cháu khỏi môi trường V. League kẻo chúng phơi nhiễm các vi rút bẩn nguy hiểm như vi rút Ebola.

Tình yêu với bóng đá trẻ thật chính đáng và hợp quy luật: Đội Đức vô địch thế giới có các trụ cột của họ mới 24 tuổi (từng thuộc các đội U vô địch trong 10 năm trước). Và các đội U cũng là vô địch hay Á quân Châu Âu của họ hiện nay sẽ đảm bảo cho sự “thống trị của bóng đá Đức trong 10 năm tới”. Bài học nhãn tiền.

Không riêng gì bóng đá mà trên mọi lĩnh vực, ít ở quốc gia nào yêu quý cưng chiều và kỳ vọng ở người trẻ như Việt Nam! “Tất cả vì con em chúng ta” không phải là khẩu hiệu suông. 20% ngân sách quốc gia chi cho GDĐT thuộc loại cao nhất thế giới. Ở mỗi gia đình tỉ lệ này có khi còn cao hơn nhiều, kể cả những hộ đang chờ nâng mức lương tối thiểu.

“Hy sinh đời bố (và mẹ và ông bà) củng cố đời con” là sự thật chứ không nói đùa. Các thần đồng được tượng đài, truyện tranh, truyền thông và phụ huynh ca ngợi như các anh hùng dân tộc. Các thủ khoa đầu vào đầu ra và Olympic cũng vậy, còn cộng thêm các học bổng, thưởng nóng cụ thể. Biết bao hội quỹ khuyến học và “phong trào tiếp sức” người trẻ. Một nhà văn nhí, một giọng ca nhí, một họa sĩ nhí, một “bước nhảy” nhí… luôn làm thổn thức con tim toàn xã hội v.v và v.v…

Một quốc gia có dân số trẻ và yêu người trẻ như vậy tất là quốc gia hạnh phúc và có một tương lai xán lạn đáng ước ao.

Câu hỏi (chữ vấn nạn đôi khi là một từ đồng nghĩa khá hay) là thực tế người trẻ ở Việt Nam là gì, như thế nào và sẽ ra sao? Có thuộc loại ưu tú nhất, hạnh phúc nhất, đáng kỳ vọng nhất không hay là ngược lại? Tệ nhất là bạo hành trẻ em, buôn bán trẻ em, lạ‌m dụn‌g trẻ em đều ở mức “báo động”.

Thứ đến là tình trạng và số lượng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, khuyết tật, thất học và tình trạng bó‌c lộ‌t lao động trẻ em. Khó mà an tâm được. Đau buồn, rất lo lắng là tình trạng tệ nạn, tội phạm càng ngày càng được trẻ hóa và mức độ nguy hiểm, dã man đến khó tin cũng tăng lên.

To nhất, bao trùm nhất là chất lượng đã được “báo động” hàng trăm lần của GD phổ thông và ĐT đại học cũng như đào tạo nghề khiến cho ta rơi xuống đáy ở hai khía cạnh: Học là niềm vui hóa thành nỗi khổ, khiến chất lượng cuộc sống kể cả của những người trẻ nhà giàu nhất quá thấp. Hai là chất lượng nguồn nhân lực cũng quá thấp khiến họ thất nghiệp hoặc thu nhập thấp và quốc gia thì tụt hậu v.v và v.v...

Đêm nằm chắc hàng chục triệu phụ huynh cùng hàng triệu quan chức, chuyên gia (không còn trẻ) đều “trăn trở” một vấn nạn như tôi: Có lẽ chúng ta - xã hội và gia đình - đang sai khá “căn bản và toàn diện” về cách thức, quan niệm và thực hành sự yêu, sự chiều và sự kỳ vọng ở lớp người trẻ? Phải cải cách chính sự yêu - chiều - kỳ vọng này mới giúp được người trẻ và chính chúng ta.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật