Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Hữu Phần: “Vứt ra mấy tỷ như không, liều quá!”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Hữu Phần đang háo hức chờ đợi bộ phim truyện điện ảnh “Mộ gió” của ông về các chiến sĩ cảnh sát biển sắp ra rạp cuối tháng 8 này. Nhưng câu chuyện với ông lần này xoay quanh chuyện làm phim thị trường với tư cách ông là thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia…
Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Hữu Phần: “Vứt ra mấy tỷ như không, liều quá!”
Đạo diễn - NSƯT Nguyễn Hữu Phần

Thường mỗi tuần, ông phải xem duyệt mấy phim? Xem nhiều có “bội thực”?

- Hằng tuần, tôi phải xem 4 phim trong 2 buổi. Vì đều là phim phát hành ra rạp, nên thường bị theo trào lưu, có những đợt toàn phim ma, đợt toàn phim hành động. Xem phim hay thì sướng, nhưng khổ nỗi, phim ba lăng nhăng lại chiếm tới khoảng trên 60%.

Và trong số “ba lăng nhăng”, đương nhiên có phim Việt?

- Thấy phim VN, hội đồng đều hào hứng xem. Xem rồi, tôi thấy chúng ta cách xa nước ngoài về mặt tay nghề lẫn cách đổi mới tư duy. Có những phim Việt làm ra không rõ mục đích của nhà sản xuất. Họ làm phim vì cái gì, kiếm tiền không phải, nghệ thuật càng không! Họ liều quá, bỏ ra vài tỉ như không!

Vì sao nhiều “con thiêu thân” lao vào làm phim?

- Điện ảnh vốn dĩ hấp dẫn. Xác định mục đích làm phim rất khó, phải hiểu khán giả, nhất là khán giả VN, gu rất khó. Hồi xưa, “Gái nhảy” thành công nhưng “Trai nhảy” thất bại. Cũng như phim ma, giờ đã thoái trào. Có đạo diễn như Victor Vũ - làm phim không nghệ thuật sâu sắc, nhưng rất ăn khách vì hiểu khán giả, biết bọn trẻ cần gì. Như phim sắp tới “Scandal - Hào quang trở lại” ăn theo vụ thẩm mỹ viện Cát Tường đã gây tò mò cho khán giả.

Nhưng có đạo diễn nổi tiếng ở VN nói, Victor Vũ là “hàng nhái”: Lấy mẩu này ở phim Mỹ này, lấy mẩu kia ở phim Hàn nọ rồi lắp ghép tinh vi?

- Mảng miếng cách thức trong phim của Vũ, ta có thể thấy ở đâu rồi nhưng đã được “Việt hóa”. Một số đạo diễn Việt kiều như Vũ được học bài bản ở Hollywood và ít nhiều bắt chước được phong cách làm phim hấp dẫn khán giả của Mỹ rồi mang về VN. Người làm nghề có thể khó chịu, còn khán giả xem phim giải trí không “soi” kỹ quá về nghề đâu!

Bài toán giữa phim thị trường và nghệ thuật, theo ông, đang “mắc” ở chỗ nào?

- So với phía nam, hiện tại cánh làm phim phía bắc chưa ai dám xông vào thị trường, chủ yếu chờ nhà nước tài trợ đặt hàng. Năm ngoái, phim “Đường đua” của êkíp Hồng Ánh - Thanh Sơn thất bại về doanh thu hẳn cũng vì chấp chới giữa nghệ thuật và thị trường. Chúng ta thiếu những điều tra sâu sắc về khán giả, họ đang thích và sắp thích cái gì, vì thế nhà làm phim lo ngại không dám quyết định.

Điện ảnh Việt đang thiếu nhà sản xuất?

- Đúng, nhà sản xuất ở ta hiện mới chỉ là người bỏ tiền, chưa nhiều người hiểu biết làm phim, điều tra thị trường còn thiếu. Như phim “Lửa Phật”, BHD nghĩ có thể ăn khách, khi “Việt hóa” phim cao bồi viễn Tây, nhưng khi xem hơi buồn cười và họ thất bại.

Và thiếu cả biên kịch giỏi?

- Chính vì thiếu điều tra, nắm bắt nhu cầu khán giả, nên nhiều biên kịch cũng tỏ ra lúng túng giữa thị trường và nghệ thuật, trong khi lẽ ra là cần kết hợp cả hai, vấn đề là liều lượng thích hợp. Có sáng kiến lạc lõng như làm phim “Thạch Sanh” 3D dù kỹ thuật cao nhưng khó xem vì cũ quá, hay như “Sài Gòn Tây du ký”, kịch bản không ra chuyện, thiếu định hướng...

“Sao” rất cần cho phim thị trường, nhưng “sao” Việt chỉ “anh ánh” chứ chưa “lấp lánh”?

- Các nước khác biết cách xây dựng “sao”. Còn ở ta là kiểu “ăn lại”, thấy cô này đóng phim này hay là mời phim khác, mà chưa có chiến lược nuôi “sao”, giữ “sao”. Nhưng phải nói, diễn viên miền Nam “tu dưỡng” nhiều hơn miền Bắc, để thành “sao”. Miền Bắc, phim làm quá ít, lại càng ít phim thị trường nên diễn viên có tài cũng đi làm nghề khác, đi bán càphê, mở tiệm thẩm mỹ, ai mời đóng phim là ào đi. Trong Nam, nhiều dự án phim thị trường, nên diễn viên phải học, phải rèn luyện nhiều hơn như Ngô Thanh Vân là một ví dụ.

Trong khi như Hàn Quốc, trong một hãng phim, biên chế chủ yếu là biên kịch, ngoài viết kịch bản theo kế hoạch (nhu cầu thị trường), họ còn nuôi “sao”, thấy ai trẻ có tiềm năng là mang về ký hợp đồng, bảo biên kịch viết kịch bản “đo ni đóng giày” cho người đó, dùng truyền thông lăng xê lên, để cuối năm ra phim. Thường họ ký 4 năm, năm đầu tiền trả cho diễn viên đó và hãng theo tỷ lệ 3:7 (hãng lấy 7 vì tính cả chi phí đào tạo), sau có khi là 4:6, rồi dần dà tỷ lệ ngược lại nghiêng về phía “sao”. Biên kịch có khả năng tác động nuôi “sao”…

Làm sao để có một thị trường phim Việt đúng nghĩa, theo ông?

- Hiện tỷ lệ phim VN chưa được 30% thị trường điện ảnh trong nước, khán giả bị ngập ngụa với phim nước ngoài và làm quen với tư duy hiện đại. Phim VN chưa có đất sống vì chưa cập nhật cách làm mới điện ảnh, câu chuyện, âm thanh chưa có gì đột phá, tư duy cũ kỹ.

Đến ngay như Thái Lan, trước đây 20 năm chưa có gì về điện ảnh mà gần đây xem một số phim, tôi giật mình. Như phim “Nhật ký tình yêu” mới đây, câu chuyện như VN, một lớp học trên bè, thầy giáo đi chơi với dân chài, chủ đề ca ngợi người giáo viên dạy học ở vùng xa nhưng họ lắm chiêu trò thú vị, hấp dẫn người xem ngay từ đầu. Campuchia, Singapore cũng có đường làm riêng.

Còn VN làm phim kiểu tự phát. Để thay đổi hiện trạng trên, chỉ biết trông cậy vào lớp trẻ. Trong đề án chiến lược điện ảnh đã có kế hoạch hằng năm đưa một số người trẻ sang nước ngoài học để họ được học và tiếp cận điện ảnh thế giới một cách nghiêm chỉnh. Ở ta, việc học tập, cập nhật rất “nguy hiểm”. LHP quốc tế Hà Nội, các đợt phim học tập, nghiên cứu ở Hội điện ảnh, chả thấy mấy nhà làm phim Việt đến xem, chỉ thấy những người mê phim và nhà báo đến thôi!

- Xin cảm ơn ông và nói như ông là hy vọng…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật