“Còn quá sớm để đến Syria”

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tổng thống Mỹ Barack Obama làm giảm hy vọng về khả năng không kích chống các chiến binh Hồi giáo IS ở Syria khi tuyên bố “vẫn đang phát triển một kế hoạch toàn diện để đánh bại nhóm này”.
“Còn quá sớm để đến Syria”
Tổng thống Obama

Mỹ chưa muốn tham chiến

“Còn quá sớm để bàn về những bước đi của Mỹ trong nỗ lực chống  IS ở Syria”, Tổng thống Barack Obama tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 28-8 (sáng 29-8, giờ Việt Nam). Tuyên bố này rõ ràng cho thấy, Mỹ chưa muốn tham chiến ở Syria dù đã triển khai máy bay do thám để thu thập thông tin tình báo phục vụ kế hoạch không kích tiêu diệt IS.

Giới phân tích cho rằng, quyết định không kích Syria sẽ khó có thể được đưa ra trước thời điểm cuối tháng 9 này. Cho đến nay, vấn đề không kích IS tại Syria thậm chí cũng chưa được đề cập và bàn thảo tại HĐBA LHQ, trong phiên mới nhất hôm 28-8. Mặc dù Tổng thống Obama yêu cầu các quan chức chuẩn bị những phương án quân sự để đương đầu với IS tại Syria, nhưng ông khẳng định, “Mỹ chưa có chiến lược rõ ràng cho vấn đề này” đồng thời cho rằng, chiến lược của ông sẽ đòi hỏi nhiều hơn là hành động quân sự. Ông Obama tiếp tục dập tắt những đồn đoán Mỹ sắp tấn công Syria khi tuyên bố, “Vào thời điểm cần thiết, tôi sẽ tham khảo ý kiến Quốc hội và đảm bảo, tiếng nói của họ được lắng nghe”.

Nhưng ông chủ Nhà Trắng cũng thừa nhận, ý tưởng rằng, Mỹ hoặc bất cứ quyền lực bên ngoài nào có thể diệt tận gốc IS... là không thực tế. Theo ông, một chính phủ mạnh mẽ và đáng tin cậy ở Iraq hay Syria là yếu tố quan trọng giúp đánh bại vĩnh viễn các nhóm chiến binh Hồi giáo.

Không hành động một mình

Tuy nhiên, Tổng thống Obama nói rõ, bất kỳ kế hoạch nào chống lại IS tại Syria sẽ mất nhiều thời gian và đòi hỏi chiến lược toàn khu vực. Vì vậy, ông chủ Nhà Trắng kêu gọi hỗ trợ chính trị từ các nước khác, phối hợp với những người Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq và Syria. “Chúng tôi sẽ không làm điều đó (không kích Syria) một mình”, ông nhấn mạnh.

Theo ông, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo xóa bỏ những thành quả mà IS đạt được tại Iraq. Và cộng đồng quốc tế có thể đóng vai trò hỗ trợ từ trên không, cũng như cung cấp trang thiết bị và huấn luyện cho lực lượng quân sự Iraq. Ông Obama cho rằng, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad không có khả năng can thiệp vào những vùng lãnh thổ do IS kiểm soát. Tổng thống Mỹ cũng nói về quyết định cử Ngoại trưởng John Kerry đến Trung Đông để tạo dựng liên minh cần thiết trong khu vực nhằm chống lại IS.

Nhưng thực tế cho thấy, ông Obama vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi tiến đến Syria. Đó là trở ngại từ Nga - đồng minh của Syria – vốn nhiều lần ngăn chặn nỗ lực của HĐBA LHQ nhằm yêu cầu Tổng thống as‌sad từ chức. Và tất nhiên là cả lá phiếu của Trung Quốc – một trong 5 quốc gia trong nhóm quyền lực của HĐBA LHQ. Và quan trọng nhất là bài toán tại Quốc hội Mỹ.

Trong khi Mỹ chưa có một kế hoạch cụ thể cho Syria, số người tị nạn do xung đột ở quốc gia Trung Đông này hiện tăng lên mức báo động: 3 triệu người, theo báo cáo của LHQ hôm 29-8. Hơn 191.000 người thiệt mạng kể từ khi nổ ra xung đột hồi tháng 3-2011. Giám đốc cơ quan tị nạn LHQ Antonio Guterres nói rằng, Syria hiện trở thành “trường hợp nhân đạo khẩn cấp lớn nhất của thời đại chúng ta”. Quy mô cuộc khủng hoảng trở thành sức ép lớn của cộng đồng quốc tế khi các chiến binh Hồi giáo bắt cóc 43 nhân viên gìn giữ hòa bình LHQ ở cao nguyên Golan.

Các chiến binh cũng bắt giữ 75 nhân viên gìn giữ hòa bình đến từ Philippines, gây ra thế bế tắc căng thẳng cho sứ mệnh của LHQ, vốn đang theo dõi hiệp ước đình chiến giữa quân đội Syria và Israel trên cao nguyên chiến lược trong nhiều thập kỷ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật