Luật ‘lọt khe’ quy định quản lý ‘bom xăng di động’ trên đường thủy

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Luật ’lọt khe’ quy định quản lý ’bom xăng di động’ trên đường thủy. Tàu thuyền chở xăng dầu có mức độ nguy hiểm như một quả bom xăng di động trên đường thuỷ.
Luật ‘lọt khe’ quy định quản lý ‘bom xăng di động’ trên đường thủy
Luật 'lọt khe' quy định quản lý 'bom xăng di động' trên đường thủy

Tàu thuyền chở xăng dầu có mức độ nguy hiểm như một quả bom xăng di động trên đường thuỷ. Quả bom xăng này đã phát nổ trong vụ cháy nổ tàu chở dầu vào 8h sáng ngày 23/8 tại khu vực Cảng cá Lạch Bạng (xã Hải Bình, Tĩnh Gia, Thanh Hóa), cướp đi sinh mạng của 2 người và làm 4 người làm việc trên tàu bị thương. Điều đáng nói, chiếc tàu chở dầu phát nổ trên thuộc phương tiện vận tải hàng nguy hiểm, lại hoàn toàn không có số hiệu nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra bắt nguồn từ lỗi chủ tàu hay từ nguyên nhân quản lý nhà nước? Bài viết trên cơ sở phân tích Pháp Luật sẽ cung cấp cho bạn đọc góc nhìn pháp lý xung quanh sự việc này.

Nổ tàu dầu ở Thanh Hóa

Luật “lọt khe” quy định quản lý những cây xăng di động?

Phó chủ tịch UBND xã Hải Bình cho biết, con tàu gặp nạn có công suất 155CV được đóng 5 năm trước. Phương tiện này do gia đình ông Nguyễn Văn Trường (38 tuổi, ở thôn Liên Định, xã Hải Bình) làm chủ, không có số hiệu và chuyên chở dầu phân phối cho các tàu cá quanh cảng. Từ đó, có thể thấy hoạt động phân phối dầu cho các tàu cá bản chất là hoạt động bán lẻ xăng dầu. Hiện nay, điều chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu được quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Điều kiện đối với đại lý bán lẻ xăng dầu được Điều 14 Nghị định 84/2009/NĐ-CP quy định như sau:

“Thương nhân có đủ các điều kiện dưới đây được làm đại lý bán lẻ xăng dầu (sau đây gọi tắt là đại lý):

1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Pháp Luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký kinh doanh xăng dầu;

2. Có cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc đồng sở hữu.

3. Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành”.

Căn cứ quy định trên thì chỉ có doanh nghiệp được thành lập hợp pháp, có đăng ký kinh doanh xăng dầu mới được phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu. Hoạt động đại lý bán lẻ xăng dầu sẽ thông qua cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải có “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu”. Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 84/2009/NĐ-CP thì Cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải có đủ các điều kiện dưới đây mới được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu:

“1. Địa điểm của cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

2. Được xây dựng và có trang thiết bị theo đúng các quy định hiện hành về tiêu chuẩn cửa hàng kinh doanh xăng dầu do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành;

3. Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo nghiệp vụ về kỹ thuật an toàn phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành”.

Tiêu chuẩn cửa hàng kinh doanh xăng dầu hiện nay được quy định tại Thông tư 11/2013/TT-BCT về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu”. Theo Thông tư này thì cửa hàng kinh doanh xăng dầu: “Là công trình xây dựng chuyên kinh doanh bán lẻ xăng dầu, các loại dầu mỡ nhờn, có thể kết hợp kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng đóng trong chai hoặc cung cấp dịch vụ tiện ích cho người và phương tiện tham gia giao thông”. Yêu cầu về vị trí xây dựng: “Vị trí xây dựng cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch, đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường. Kiến trúc cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với yêu cầu kiến trúc đô thị”. Từ các quy định này, có thể hiểu hiện nay chỉ có tiêu chuẩn xây dựng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên đất liền. Trường hợp sử dụng phương tiện vận tải thuỷ chuyên dùng làm cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên sông, trên biển thì không biết căn cứ quy phạm Pháp Luật nào điều chỉnh?

Trước đây, Thông tư 14/1999/TT-BTM của Bộ Thương mại hướng dẫn các điều kiện kinh doanh xăng dầu đã có quy định: “Trường hợp sử dụng phương tiện vận tải thuỷ chuyên dùng làm cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên sông, trên biển: phải được thiết kế trên các phương tiện được phép lưu hành, bảo đảm các quy định về phòng cháy chữa cháy, phòng chống tràn vãi xăng dầu và bảo vệ môi trường”. Và “việc thiết kế phải do một tổ chức có tư cách pháp nhân được phép hoạt động thiết kế theo quy định của Nhà nước”. Tuy nhiên Thông tư này đã không còn phù hợp bởi nó được ban hành để hướng dẫn thi hành Nghị định 11/1999/ NĐ-CP ngày 03/3/1999 của Chính phủ về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ cấm thực hiện; hàng hoá, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, trong khi Nghị định 11/1999/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành do bị bãi bỏ bởi Nghị định 59/2006/NĐ-CP.

Như vậy, đang có lỗ hổng về quản lý: Thực tế đã tồn tại việc sử dụng phương tiện vận tải thuỷ chuyên dùng làm cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên sông, trên biển nhưng lại thiếu quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Truy trách nhiệm chủ tàu

Xăng dầu là thuộc danh mục hàng hoá nguy hiểm phải có giấy phép vận chuyển theo quy định tại Nghị định 29/2005/NĐ-CP quy định danh mục hàng hoá nguy hiểm và việc vận tải hàng hoá nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa. Tàu chở xăng dầu chỉ được cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm khi có đủ các điều kiện tại Điều 11 Thông tư 35/2010/TT-BCA (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 04/2014/TT-BCA), gồm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm đối do cơ quan đăng kiểm cấp; Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy của người điều khiển và người áp tải; giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn về hàng nguy hiểm cho lái tàu, người áp tải và thủ kho; Giấy chứng nhận kiểm định bao bì, thùng chứa hàng nguy hiểm theo quy định của các Bộ quản lý ngành (nếu có). Ngoài ra, tàu chở xăng dầu phải có biểu trưng vận chuyển hàng nguy hiểm.

Khoang chứa dầu được cho là bén lửa nên tức khí rồi phát nổ

Thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm: “Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện việc cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cho tổ chức, cá nhân cư trú hoặc có trụ sở thu‌ộc đị‌a bàn quản lý” (Khoản 2 Điều 11 Thông tư 35/2010/TT-BCA).

Nếu chủ tàu trong vụ cháy nổ trên không có giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm Hình Sự về tội kinh doanh trái phép. Cấu thành cơ bản “tội kinh doanh trái phép” được Khoản 1 Điều 159 Bộ luật Hình Sự (BLHS) quy định như sau: “Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp Pháp Luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:

a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng”.

Khung hình phạt cao nhất dành cho tội danh này là hai năm tù trong trường hợp: Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; Thu lợi bất chính lớn.

Bên cạnh đó, vụ cháy nổ tàu chở dầu trên đã gây thiệt hại về tính mạng và sức khoẻ của người khác, nếu điều tra nguyên nhân cháy nổ, Cơ quan điều tra phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định về phòng chống cháy nổ thì cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm Hình Sự về “tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”. Cấu thành cơ bản của tội danh này được Khoản 1 Điều 240 BLHS quy định như sau: “Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”. Trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội sẽ bị áp dụng khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật