Xâm nhập bãi vàng Kon Plông: Từ đâu “vàng tặc” lộng hành

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc phá rừng, đục khoét đất đá đãi vàng khiến sông Hre ô nhiễm nghiêm trọng. “Vàng tặc” cầm hung khí vào tận từng thôn, bản tìm cán bộ tham gia truy đuổi làm náo loạn một vùng. Đoàn liên ngành huyện Kon Plông nhiều lần truy quét, thậm chí đã nổ súng…, nhưng “vàng tặc” vẫn hoạt động công khai.
Xâm nhập bãi vàng Kon Plông: Từ đâu “vàng tặc” lộng hành
“Vàng tặc“ phá từng khoảnh rừng, xới tung đất đá sàng, đãi vàng

Ép dân bán đất

Vì vàng, “vàng tặc” sẵn sàng đổ máu. Sự thanh trừng giữa “ông trùm” N và T chỉ là vụ nổi bật so với hàng chục vụ đụng độ khác. Phó trưởng CA huyện Kon Plông  Trịnh Xuân Anh cho biết, vì chúng tự dàn xếp, không tố giác nên không thể xử lý. Việc khai thác vàng công khai, thể hiện từ vùng lõi núi Kon Piêng sau lan ra mép bìa rừng. Lấn dần, xâm chiếm luôn đất rẫy của người dân các thôn xã Hiếu. Chúng đe dọa: “Nếu không bán đất nương, rẫy thì cũng bị các đối tượng khác đến phá”.

“Người bán được nhiều tiền nhất A Hà, A Uông (thôn Kon Piêng) nhận được 30 triệu đồng. Số còn lại bị “vàng tặc” lừa, khi nói bán 10 triệu/sào, trả trước 5 triệu, nhưng khai thác xong thì bỏ trốn luôn” - T - một cán bộ khác - nói. Đất rẫy bị “vàng tặc” đào bới làm biến dạng, không còn xác định được ranh giới, diện tích. Báo cáo số 49/BC-TNMT của Phòng TNMT huyện Kon Plông cho biết, có 13 hộ dân hai thôn Kon Plinh, Kon Piêng bị “vàng tặc” dụ dỗ, đe nẹt phải bán đất.

Trước sự quấy phá của “vàng tặc”, ngày 30.6, UBND tỉnh Kon Tum ra Quyết định số 617/QĐ-UBND chỉ đạo UBND huyện Kon Plông  lập đoàn liên ngành gồm: Phòng TNMT, Hạt Kiểm lâm huyện, Lâm trường Măng La, UBND xã Hiếu kết hợp cán bộ thôn, bản truy quét, đẩy đuổi. “Khi cán bộ huyện ra về, “vàng tặc” đem người dùng dao vào tận thôn, bản tìm cán bộ thôn đòi chém vì dám tham gia truy quét” - một cán bộ cho hay.

Điều khó hiểu là mỗi lần đoàn liên ngành tiến hành truy quét, “vàng tặc” đều biết trước, cất giấu máy móc và bỏ trốn khỏi các bãi vàng. Trao đổi với Lao Động, Chủ tịch UBND xã Hiếu Hoàng Hà Thanh Hải và Phó trưởng CA huyện Kon Plông Trịnh Xuân Anh thừa nhận, “vàng tặc” có nội gián nên mỗi lần truy quét, đều không bắt được ai, chỉ biết đốt máy móc, lán trại. Khi lực lượng vào tận nơi, “vàng tặc” đã cất giấu máy móc, chứng tỏ họ có thời gian để chuẩn bị. Tôi chắc chắn họ có vệ tinh” - Phó trưởng CA huyện Trịnh Xuân Anh nói.

Chính quyền có bảo kê?

Tại trụ sở UBND xã Hiếu, ông Hoàng Hà Thanh Hải cho PV xem hàng ngàn viên đạn chì thu được tại lán trại “vàng tặc” trong một lần truy quét. Bà Y Thị - Phó Chủ tịch huyện Kon Plông - ngao ngán: “UBND huyện chỉ đạo đoàn liên ngành nhiều lần vào cuộc, nhưng “vàng tặc” vẫn hoạt động hết sức phức tạp”. Báo cáo “cuộc chiến” truy quét của UBND huyện nêu: Ngày 20.3, đoàn liên ngành truy quét thu 1 bình gas, 1 bình ôxy, 30 lít dầu di‌esel, 36 ống ti bơm dầu, 80kg gạo...; ngày 26.6, phát hiện 6 máy Dong Pong, 3 máy đào vàng, ống hút; ngày 8.7, phát hiện 3 thùng phuy chứa dầu di‌esel, 3 máy đào; ngày 30 - 31.7, tiêu hủy 9 máy nổ Dong Pong, 40 lít dầu di‌esel, 90m ống nước, 3 máy đào... Điều lạ, đoàn liên ngành không bắt được đối tượng nào.

Tháng 11.2013, bức xúc “vàng tặc” phá rừng, phá đất rẫy tìm vàng. Là cán bộ, T cùng người dân thôn Kon Piêng (xã Hiếu) vào tận rừng truy đuổi. “Khi vào, “vàng tặc” đưa giấy phép do chủ tịch địa phương ký, đóng dấu. Nó (vàng tặc) nói, chủ tịch cho mình làm rồi” - T nói. Phó trưởng CA huyện Trịnh Xuân Anh thừa nhận có nghe sự việc trên. Thế nhưng, vụ việc chưa được điều tra, làm rõ thì tháng 3.2014, ông chủ tịch xã được cấp trên nhấc lên làm lãnh đạo ở văn phòng UBND huyện Kon Plông.

“Vàng tặc” ung dung hoạt động, giỡn mặt chính quyền khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi: Chính quyền có bảo kê “vàng tặc” hay bất lực trong việc truy quét, đẩy đuổi? Trong khi chờ câu trả lời, thì sông Hre đang “kêu cứu” từng ngày vì bị băm nát, xới tung bởi các loại máy móc sàng, đãi vàng. Một khi nạn “vàng tặc” chưa được truy quét thì số hộ dân mất đất sản xuất không chỉ dừng ở con số 13.

“Vàng tặc” mở đường, xẻ gỗ làm lán trại, máng đãi đã hạ hàng trăm cây gỗ quý ở khu vực núi Kon Piêng. Lâm tặc lợi dụng tuyến đường “vàng tặc” mở, đua nhau vào khai thác gỗ. Các bãi vàng đang hoạt động nằm ở tiểu khu 500, 501, 502 của Lâm trường Măng La quản lý (thuộc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật