Pháp cải tổ nội các: Mở ra giai đoạn mới lạc quan ?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính trường Pháp vừa bất ngờ rơi vào khủng hoảng mới khi Tổng thống Francois Hollande (ngày 25-8) yêu cầu Thủ tướng Manuel Valls thành lập một nội các mới.
Pháp cải tổ nội các: Mở ra giai đoạn mới lạc quan ?
Tổng thống Pháp F. Hollande và Thủ tướng M.Valls

Phù hợp với đường hướng phát triển mà ông chủ Điện Élysée đã đặt ra cho đất nước. Đây là cuộc cải tổ nội các lần thứ 2 của Chính phủ Pháp chỉ trong vòng 5 tháng.

Dù không nói rõ nguyên nhân giải tán chính phủ, song động thái này được cho là xuất phát từ bất đồng trong nội bộ với nhân vật chính là Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg. Nhà chèo lái nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới đã công khai chỉ trích chính sách kinh tế khắc khổ đang được Tổng thống Pháp theo đuổi; đồng thời kêu gọi Tổng thống F.Hollande thuyết phục Đức và lãnh đạo Châu Âu nới lỏng chính sách khắc nghiệt áp đặt lên kinh tế Cựu lục địa. Theo Bộ trưởng A.Monteboug, hạn chế chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách là một cách làm phi lý, vì sẽ càng nhấn chìm hy vọng tăng trưởng. Quan điểm của Bộ trưởng Kinh tế A.Montebourg đã nhận được sự đồng tình của một số quan chức như Bộ trưởng Giáo dục Benoit Hamon và Bộ trưởng Văn hóa Aurelie Filippetti.

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân sâu xa khiến một số chính trị gia Pháp "nổi giận" là do ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống F.Hollande không thực hiện đúng những cam kết khi tranh cử năm 2012. Thời điểm đó là lúc chính sách thắt chặt chi tiêu bị cử tri Pháp và nhiều nước Nam Âu phản đối. F.Hollande cam kết nếu được bầu làm Tổng thống sẽ đưa kinh tế Pháp theo hướng nới lỏng ngân sách và đầu tư phát triển kinh tế để tạo thêm công ăn việc làm. Cam kết đó không chỉ đem lại niềm hy vọng cho cử tri Pháp, mà còn là làn gió mới với nhiều quốc gia Nam Âu. Tuy nhiên tới giờ, Tổng thống Pháp lại đang theo đuổi đường hướng kinh tế trên nền tảng chính sách thắt chặt chi tiêu.

Thực tế, trong cuộc cải tổ trước, ngay sau thất bại tồi tệ của đảng Xã hội cầm quyền tại cuộc bầu cử địa phương, Tổng thống Pháp F.Hollande đã bổ nhiệm ông M.Valls, một nhân vật nổi tiếng về sự thẳng thắn và quyết đoán, làm Thủ tướng cùng một nội các gồm 16 thành viên nhằm xốc lại đội hình lãnh đạo và thể hiện quyết tâm ưu tiên triển khai các chính sách kinh tế. Theo cách nói của Tổng thống F.Hollande vào thời điểm đó, chính phủ mới sẽ là một "chính phủ có tính chiến đấu" với đội ngũ "rút gọn, liên kết và gắn bó" đủ khả năng đưa đất nước vượt qua thử thách.

Thế nhưng, tham vọng tạo "cú hích" cho các doanh nghiệp, đưa nền kinh tế Pháp thoát khỏi vũng lầy nợ công dường như không đạt được kết quả như kỳ vọng. Theo số liệu mới công bố của viện Thống kê Insee, nền kinh tế Pháp không tăng trưởng trong quý II, chủ yếu do các xí nghiệp tiếp tục cắt giảm đầu tư dù đã nhận được trợ giúp của chính phủ. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế Pháp chỉ tăng trưởng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái và đang đối mặt với nguy cơ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 1% năm 2014 như đã đề ra. Trong khi đó, Pháp phải đối đầu với tình trạng thất nghiệp cao. Hiện, số người thất nghiệp tại Pháp trên 3 triệu người - cao nhất trong 16 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,4% theo từng tháng và 3,5% theo từng năm. Theo các nhà phân tích, tình trạng thất nghiệp tại Pháp sẽ không được cải thiện nếu nền kinh tế không tăng trưởng. Nói một cách khác, cuộc cải tổ nội các vào tháng 4 vừa qua đã thất bại do Paris ngày càng bỏ xa các mục tiêu kinh tế, việc làm từng được đặt ra. Vì vậy, Tổng thống F.Hollande cần một bộ máy mới để vực lại uy tín vốn đang xuống dốc nghiêm trọng.

Ngày 25-8, Văn phòng Tổng thống Pháp ra tuyên bố cho biết Thủ tướng M.Valls đã đệ đơn từ chức của Chính phủ lên Tổng thống F.Hollande nhưng ông chủ Điện Élysée vẫn quyết giữ lại vị Thủ tướng trẻ M.Valls làm người đứng đầu nội các. Trước những khó khăn chồng chất, chính phủ mới có rất nhiều việc phải làm để gây dựng niềm tin vào một "chính phủ chiến đấu", "chính phủ vượt khó" có khả năng xử lý các vấn đề tốt hơn, đủ năng lực thúc đẩy các cải cách, tạo đột phá cho nền kinh tế. Với những gì đang diễn ra trong những giờ qua tại Paris, người dân Pháp đang rất muốn nhìn thấy cơ sở để tin rằng một giai đoạn mới lạc quan hơn sẽ mở ra cho đất nước và cho người dân Pháp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật