‘Chẳng có quốc gia nào chăm sóc bệnh nhân như Việt Nam’

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Chẳng có đất nước nào người nhà bệnh nhân phải ngồi chễm chệ trong bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân như ở Việt Nam“, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận xét.
‘Chẳng có quốc gia nào chăm sóc bệnh nhân như Việt Nam’
Các bệnh nhân đăng ký khám bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM
Trong khi đó, thủ tục hành chính chuyển viện cần đơn giản, quy định thêm chuyển tuyến đối với các địa phương giáp ranh, tăng cường thêm nhân lực… đó là những lời “thỉnh cầu” của lãnh đạo nhiều bệnh viện đối với lãnh đạo Bộ Y tế tại Hội thảo triển khai thông tư 14/2014/ TT- BYT về “Quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” ở các bệnh viện phía Nam vào ngày 26.8.
Qua hơn 3 tháng thực hiện thông tư 14 này, đã có không ít vấn đề khúc mắc khiến các bệnh viện lúng túng trong việc áp dụng. Điều mà nhiều bệnh viện băn khoăn nhất, chính là thủ tục hành chính của giấy chuyển viện. Theo quy định của thông tư này, giấy chuyển viện phải có chữ ký của trực lãnh đạo bệnh viện đó.
Bất hợp lý

TS.BS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, các bệnh viện ở TP có nhiều cơ sở khác nhau, việc bệnh nhân ở các cơ sở này khi chuyển viện phải tìm đến trực lãnh đạo bệnh viện để ký giấy chuyển viện là rất tốn thời gian.

Theo ông Thượng, lãnh đạo bệnh viện đã phân công bác sĩ trực, bác sĩ trực phải chịu trách nhiệm với lãnh đão bệnh viện về những vấn đề xảy ra trong thời gian trực, tại sao không được ký giấy chuyển viện cho bệnh nhân mà phải là trực lãnh đạo bệnh viện.

“Điều này là bất hợp lý, không chỉ gây khó khăn cho bệnh nhân mà còn cho cả bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện. Sở Y tế TP cũng đã có công văn kiến nghị Bộ Y tế bãi bỏ vấn đề này. Chỉ cần bác sĩ trực ký giấy chuyển viện là đủ”, ông Thượng cho biết.

Những quy định mới trong chuyển viện đang làm khó bệnh nhân và cả bệnh viện.
Chia sẻ về vấn đề trên, PGS.TS Trần Quyết Tiến, phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cũng nhìn gần hơn: việc quy định giấy chuyển viện phải có chữ ký của lãnh đạo cơ sở khám chữa bệnh đang gây khó khăn cho các trạm y tế - nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Thường ở những nơi này, ít khi nào có trạm trưởng và y bác sĩ điều trị cùng lúc. Khi có y bác sĩ điều trị thì không có trạm trưởng, còn có trạm trưởng thì không có y bác sĩ điều trị.

Bên cạnh đó, ông Tiến cho biết, thông tư 14 của Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải báo cáo số lượng ca chuyển viện đi và đến đang gây khó cho bệnh viện Chợ Rẫy.

“Mỗi tháng, bệnh viện này có đến 7.000 trường hợp chuyển viện đến và khoảng 700 trường hợp chuyển viện đi. Hiện nay, phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện đang làm rất nhiều việc, giờ phải làm thêm việc này thì không thể nào kham nổi.
Nếu phải thống kê danh sách cụ thể, chi tiết từng trường hợp báo cáo về Bộ Y tế thì phải có một bộ phận chuyên trách riêng làm về vấn đề này”, ông Tiến phân trần.

Cần có đội ngũ chuyên trách

Việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa  bệnh theo thông tư 14 của Bộ Y tế, không chỉ  quy định tuyến dưới chuyển lên tuyến trên mà còn quy định cả tuyến trên chuyển xuống tuyến dưới. Nhiều bệnh nhân có thể điều trị ở bệnh viện tuyến dưới, không cần phải điều trị ở tuyến trên sẽ được bệnh viện tuyến trên chuyển xuống.
Điều này được xem là một bước đột phá giúp các bệnh viện tuyến trên giảm được tình trạng quá tải.
Tuy nhiên, những quy định của việc chuyển từ tuyến trên xuống tuyến dưới đang tạo ra một sự lo lắng trong lãnh đạo các bệnh viện.
Lãnh đạo bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, quy định tuyến trên chuyển xuống tuyến dưới khi người bệnh đã được chẩn đoán, điều trị qua giai đoạn cấp cứu, xác định tình trạng bệnh đã thuyên giảm, có thể tiếp tục điều trị ở tuyến dưới là chưa thuyết phục.

“Bởi thực tế có nhiều bệnh nhân, lúc đó bệnh hồi phục, nhưng sau khi chuyển về bệnh viện tuyến dưới bệnh lại trở nặng thì xử lý như thế nào”, vị lãnh đạo bệnh viện này thắc mắc.

Quy định bệnh nhân đã qua giai đoạn cấp cứu, xác định tình trạng hồi phục được chuyển từ tuyến trên xuống tuyến dưới được lãnh đạo các bệnh viện cho rằng chưa hơp lý
Theo PGS.TS Trần Quyết Tiến, quy định trên chỉ hợp với các bệnh điều trị ở bệnh viện đa khoa, còn các bệnh điều trị ở bệnh viện chuyên khoa sẽ rất khó. Nếu bệnh đang điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa, chuyển xuống tuyến dưới, khi phát bệnh trở lại thì các bệnh viện tuyến dưới, không phải là bệnh viện chuyên khoa, không có trang thiết bị kỹ thuật cũng như năng lực để điều trị.

bệnh viện phải nhận phần khó về mình

Trước những vấn đề mà các bệnh viện nêu ra, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa  bệnh ( Bộ Y tế) cho rằng, thông tư 14 của Bộ Y tế đang đi đúng hướng, tạo ra cú hích trong công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng các bệnh viện có thể linh hoạt nhằm đảm bảo tốt nhất sức khỏe và quyền lợi của bệnh nhân.

“Trong điều kiện hiện nay, các bệnh viện phải làm sao chăm sóc tốt nhất bệnh nhân trong điều kiện có thể. bệnh viện phải nhận phần khó về mình”, ông Khuê  đề nghị.

Ông Khuê chia sẻ: chẳng có đất nước nào người nhà bệnh nhân phải ngồi chễm chệ trong bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân như ở Việt Nam. Điều này là do đất nước ta còn nghèo, điều kiện chưa đủ để có bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân như ở các nước khác.

Nhiều bệnh viện điều dưỡng chưa được hưởng biên chế, chưa trả lương ngoài giờ. Nhiều khoa, phòng của các bệnh viện chưa đủ người khám, chữa bệnh; không có người hướng dẫn bệnh nhân thì lấy đâu ra người để chăm sóc bệnh nhân. bệnh viện không đủ người, không đủ tiền, bệnh nhân kêu khổ. Đó là thực tế của các bệnh viện hiện nay.

“Chính phủ đang có chủ trương tính đúng, tính đủ giá viện phí. Khi đó, cả tiền điện nước, bảo vệ, vệ sinh… ở  bệnh viện cũng được tính vào giá viện phí của bệnh nhân. Khi đó, bệnh viện sẽ có điều kiện để tuyển đủ người vào làm việc, không để bệnh nhân kêu ca như hiện nay”, ông Khuê cho biết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật