Tập đoàn cao su Việt Nam ‘nhượng bộ’ Global Witness

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tập đoàn cao su Việt Nam đẩy mạnh việc trao đổi với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi việc trồng cây cao su ở Campuchia và Lào.
Tập đoàn cao su Việt Nam ‘nhượng bộ’ Global Witness
Ảnh minh họa

Động thái này được Global Witness - một Tổ chức phi chính phủ quốc tế về bảo vệ môi trường đánh giá cao và cho rằng cách làm này giúp cộng đồng bị ảnh hưởng bởi việc trồng cao su của Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) bây giờ có thể nộp đơn khiếu nại hay thắc mắc chính thức với VRG.

"Trước đây thì không có hệ thống cho phép người ta tiếp xúc với công ty bằng cách này", Global Witness cho biết.

“Chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh các động thái của VRG nhằm đẩy mạnh việc trao đổi với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi việc trồng cây cao su ở Cam-pu-chia và Lào. Các hoạt động này dù không đủ để giải quyết các vấn đề gây ra do việc trồng cây cao su của công ty, nhưng nếu được thực hiện thỏa đáng, nó có thể cho thấy một động thái có ý nghĩa của công ty cao su hướng về việc đem lại bình đẳng cho các người dân, bị mất đất đai và sinh kế", bà Megan Maclnnes của Global Witness phát biểu.

Xác nhận thông tin này với Đất Việt, ông Lê Minh Châu, Phó Tổng giám đốc VRG khẳng định đúng là tập đoàn đã có những điều chỉnh hoạt động để phù hợp với yêu cầu thực tế.

Tuy nhiên ông Châu cũng nhấn mạnh: "Điều chỉnh này không có nghĩa là những cáo buộc trước đó của Global Witness đã đúng".

Trước đó, Global Witness từng đưa ra cáo buộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và VRG đầu tư trồng cao su tại Lào và Campuchia không tuân thủ Pháp Luật nước sở tại.

Báo cáo Rubber Barons (Những Ông Trùm Cao Su) năm 2013 của Global Witness cho thấy là VRG và một trong những công ty cao su lớn nhất Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), đã thỏa thuận với chính phủ Lào và Cam-pu-chia về các dải đất lớn mà không xin phép người dân sống trên đó, hay bồi thường cho họ.

VRG là một tác nhân lớn trong vùng. Theo số liệu của công ty, có gần 150.000 hec-ta đất chuyển nhượng ở Campuchia – một khu vực lớn gần bằng Luân Đôn hay Manila. Ở Lào công ty có hơn 19.000 hec-ta.

Từ khi công bố báo cáo Những Ông Trùm Cao Su, VRG và các công ty thành viên đã thực hiện thí điểm chương trình tham vấn cộng đồng, một số cộng đồng nhận được tiền đền bù cho đất canh tác của họ mất do các công ty trồng cao su. VRG nay đang mở rộng chương trình này khắp 21 đồn điền cao su ở Lào và Cam-pu-chia.

Theo ông Châu, những cáo buộc trước đây của Global Witness có thể đúng với các công ty khác nhưng không đúng với hoạt động của VRN. "Sau đó Global Witness và VRG đã ngồi lại, VRG thuyết trình và hai bên đã có tiếng nói đồng thuận hơn".

Trước đó VRN cũng từng phát đi thông cáo phản ứng lại cáo buộc của Global Witness, rằng các dự án đầu tư trồng cao su của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia và Lào đều nằm trong vùng quy hoạch các chương trình hợp tác về kinh tế giữa chính phủ Việt Nam với hai chính phủ Campuchia, Lào.

VRG cho rằng luôn đảm bảo các nguyên tắc đầu tư trên cơ sở phát triển bền vững có trách nhiệm tại các nước tiếp nhận đầu tư theo đúng tinh thần văn kiện hợp tác giữa hai chính phủ và theo đúng quy định Pháp Luật của nước sở tại.

Theo VRG, các dự án đều được thực hiện chặt chẽ và đều được các đoàn công tác liên ngành Trung ương của chính phủ Lào và Campuchia khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng.

"Thông báo gần đây nhất của công ty cam kết giải quyết các vấn đề khiếu nại và chất vấn, và phản hồi trong vòng 30 ngày. Các cá nhân, cộng đồng hay các nhóm đại diện có thể nộp các đơn khiếu nại trực tiếp hay gởi thư đến văn phòng địa phương của VRG hay ở các trụ sở công ty ở thủ đô Phnông Pênh và Viên Chăn. Global Witness sẽ phối hớp với các tổ chức địa phương để giám sát và đánh giá hệ thống này trong 2 năm sắp đến", thông cáo của Global Witness nêu rõ.

Mặc dù vậy, với những điều chỉnh hiện nay của VRG là cởi mở với người dân bị mất đất do việc trồng cao su, song bà Maclnnes cho rằng: “Phép thử bây giờ là liệu các cộng đồng được giải quyết công bằng các khiếu nại của họ không. Điều này gồm có bồi thường tài chính cũng nhưng đem lại các phương thức sinh kế thay thế cho những ai bị mất do hoạt động của VRG".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật