Bao giờ mới bình đẳng thưa Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại buổi làm việc giữa lành đạo Bộ Tài chính với các doanh nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu về thuế trong Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thứ trưởng Bộ tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đưa ra quan điểm rằng cơ quan quản lý phải thay đổi cách nhìn, đầu tiên là nguyên tắc cơ quan quản lý và người bị quản lý bình đẳng.
Bao giờ mới bình đẳng thưa Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn?
Ảnh minh họa

Với doanh nghiệp Việt Nam, được xem bình đẳng với cơ quan quản lý, với nhà thuế thì quả thật sung sướng tự hào vô cùng. Bao nhiêu năm qua, doanh nghiệp xem cán bộ thuế như con trời, còn mình là phận thảo dân, có đâu dám ngồi ngang hàng để nói chuyện phải quấy.

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Thị Hoàng Anh, nay là đại diện Công ty TNHH tư vấn thuế C&A kể ngay tại buổi làm việc này rằng, doanh nghiệp lên tiếng thắc mắc là giấy tờ này do văn bản nào yêu cầu, thì cán bộ thuế nói thẳng “do tôi quy định”. Thấy ông trời con nói chưa? Tôi quy định đấy, ai dám làm gì tôi nào.

Vậy thì, đòi quyền bình đẳng giữa doanh nghiệp với nhà quản lý thì e còn lâu mới được. Thay đổi được não trạng “quan là cha mẹ dân” không phải bằng mệnh lệnh, mà phải thực hiện các công cụ quản lý loại dần sự tiếp xúc cá nhân của cán bộ thuế với doanh nghiệp, và một hệ thống vận hành hạn chế tối đa khả năng lạm quyền.

Doanh nghiệp sợ nhất là cụm từ “các giấy tờ liên quan khác” mà cán bộ thuế yêu cầu. Đây là quy định dễ dẫn đến khả năng lạm quyền nhất. Quy định của luật pháp phải minh bạch, cụ thể, không thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, áp dụng tùy tiện. Vậy thì, giấy tờ “liên quan khác” thì biết mấy cho đủ, biết cái gì liên quan hay không liên quan. hành hạ nhau, làm khó nhau, lấy tiền của nhau chính là chỗ này đây.

Tạo sự bình đẳng trước hết là xây dựng các quy định của Pháp Luật thật phù hợp và văn minh. Thông thường, nghị định, thông tư do các bộ ngành tham mưu xây dựng đều hướng đến các quy định có lợi cho bộ, ngành của mình, tăng cường quyền hành cho cơ quan quản lý. Chính vì vậy, sự bất bình đẳng có ngay từ trong việc xây dựng các văn bản quy phạm Pháp Luật. Sửa là sửa từ cái gốc này.

Bộ Tài chính thể hiện sự cải cách bằng việc lập trang điện tử để cho doanh nghiệp công khai kiến nghị, thắc mắc, khiếu nại. Đây là một bước rất quan trọng cho “tiến trình bình đẳng”. Có điều, doanh nghiệp có dám công khai lên tiếng khiếu nại hay tố cáo cán bộ thuế không lại là chuyện khác.

Ngày 5.8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý và cải cách trong lĩnh vực thuế, hải quan. Chỉ thị yêu cầu cắt giảm 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế, phấn đấu đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm các nước ASEAN-6 (171 giờ/năm).

Để cắt giảm được 50% số giờ đến 50% thì chỉ còn cách điện tử hóa thay vì thủ công. Và cũng chỉ bằng cách điện tử hóa mới hạn chế được lạm quyền, cơ hội của sự bình đẳng mới xuất hiện.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật