Tòa án tỉnh Sóc Trăng bị kiện đòi bồi thường 2,1 tỉ đồng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nữ giám đốc mua bán nhà hợp pháp nhưng bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trái Pháp Luật khiến thương vụ đổ vỡ nên cơ quan xét xử bị yêu cầu bồi thường tiền tỷ...
Tòa án tỉnh Sóc Trăng bị kiện đòi bồi thường 2,1 tỉ đồng
Căn nhà số 4 Tôn Đức Thắng, Tp.Sóc Trăng

Quyết định trái luật

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thu Ngọc ở TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng) cho biết đang xúc tiến thủ tục khởi kiện TAND TP.Sóc Trăng, yêu cầu cơ quan này bồi thường gần 2,1 tỷ đồng. Sở dĩ vậy, vì tòa TP.Sóc Trăng đã quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời số 01 ngày 22.2 gây thiệt hại cho bà.

Trước đó, bà Ngọc muốn giải quyết vụ việc theo hướng mềm mỏng nên chỉ gửi đơn yêu cầu bồi thường, không muốn kiện tụng nhưng bị TAND TP.Sóc Trăng trả đơn.

Theo hồ sơ, tháng 2.2012 ông Đặng Văn Muôn (67 tuổi, ngụ TP.Sóc Trăng) ly hôn bà Trần Thị Lẫm (66 tuổi). Bản án giao ông Muôn toàn quyền sử dụng căn nhà 2.4 (nay là số 4) đường Tôn Đức Thắng, phường 8, TP.Sóc Trăng.

Ngày 6.2.2013, ông Muôn đến Phòng công chứng Khánh Hưng lập hợp đồng bán nhà số 4 Tôn Đức Thắng cho bà Ngọc. Nữ giám đốc sau đó bán lại tài sản này cho ông P. ở TP.HCM.

Khi nhận tiền cọc 2 tỷ đồng, bà Ngọc lập thỏa thuận trong một tháng sẽ hoàn tất thủ tục sang tên từ ông Muôn cho ông P, nếu không thực hiện được phải trả cọc, bồi thường thêm 2 tỷ đồng.

Biết chồng cũ bán nhà, bà Lẫm gửi đơn đến TAND TP.Sóc Trăng, yêu cầu hủy bỏ giao dịch đã thực hiện xong giữa ông Muôn và bà Ngọc. Lý do bà Lẫm có yêu cầu này vì cho rằng chồng cũ còn nợ tiền, đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm ông Muôn bán nhà.

Tin lời bà Lẫm, ngày 22.2.2013 thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình (TAND TP.Sóc Trăng) ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm ông Muôn và bà Ngọc chuyển nhượng nhà số 4 đường Tôn Đức Thắng dù hợp đồng giao dịch giữa hai bên đã ký với nhau trước mặt công chứng viên cách đó 16 ngày.

Càng trái luật hơn khi áp dụng “khẩn cấp tạm thời” theo yêu cầu của bà Lẫm đối với căn nhà có giá trị nhiều tỷ đồng mà ông Bình không buộc bà Lẫm nộp tiền để thực hiện biện pháp bảo đảm theo Điều 120 Bộ Luật tố dụng dân sự.

Không chỉ vậy, theo xác nhận của Chi cục Thi hành án TP.Sóc Trăng thì bà Lẫm không đủ tư cách nguyên đơn để yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng giữa ông Muôn và bà Ngọc vô hiệu bởi bà Lẫm đã có giấy tự nguyện từ bỏ quyền can thiệp vào căn nhà số 4 Tôn Đức Thắng kể từ ngày 20.7.2012.

Tiếp tục tố cáo thẩm phán

Với quyết định cấm chuyển nhượng của ông Bình ký, ông Muôn không sang tên được cho bà Ngọc khiến nữ giám đốc bội tín với ông P.. Khi không mua được nhà, ông P. kiện yêu cầu bà Ngọc trả tiền cọc và bồi thường với tổng số tiền 4 tỷ đồng.

Quá bức xúc trước quyết định trái luật của ông Bình khiến cá nhân bị thiệt hại, bà Ngọc có đơn khiếu nại gửi Chánh án TAND TP.Sóc Trăng, yêu cầu hủy quyết định số 01 do ông Bình ký. Đến 4.3.2013, Chánh án Võ Hoàng Anh ký quyết định bác yêu cầu của bà Ngọc, cho rằng thuộc cấp áp dụng “khẩn cấp tạm thời” là đúng.

Tiếp tục khiếu nại đến nửa năm sau bà Ngọc được TAND tỉnh Sóc Trăng chấp nhận yêu cầu, ra quyết định hủy bỏ quyết định 01 của thẩm phán Bình. Theo TAND tỉnh Sóc Trăng, quyết định của ông Bình ban hành sau ngày ông Muôn và bà Ngọc đến phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng. Vì vậy, cần thiết phải hủy bỏ quyết định 01 là phù hợp. Sau đó, bà Lẫm cũng rút đơn khởi kiện.

Ngày 22.5, bà Ngọc gửi đơn yêu cầu TAND TP.Sóc Trăng bồi thường thiệt hại gần 2,1 tỷ đồng. Cụ thể, quyết định 01 của ông Bình khiến bà Ngọc bị ông P. kiện, phải đóng án phí 72 triệu đồng.

Đối với giá trị lợi nhuận, bà mua của ông Muôn 3,2 tỷ đồng, bán cho ông P. 4,5 tỷ đồng nhưng quyết định 01 gây cản trở khiến bà Ngọc mất khoản chênh lệch 1,3 tỷ đồng. Về tín dụng, bà Ngọc vay ngân hàng 4,5 tỷ đồng nhưng không bán được nhà cho ông P. để lấy tiền trả nợ ngân hàng khiến thiệt hại tiền phải đóng lãi trên 717,5 triệu đồng.

Trước yêu cầu này, ban đầu TAND TP.Sóc Trăng ra thông báo thụ lý đơn, cử thẩm phán thương lượng bồi thường nhưng sau đó trả lại đơn cho bà Ngọc với lý do “không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại khoản 1, 2, 3 Điều 28 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.

Nữ giám đốc sau đó khiếu nại lên cấp trên và ngày 19.8 mới đây bà Ngọc nhận được quyết định bác đơn khiếu nại do Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng Trần Hùng Dũng ký.

Theo quyết định của ông Dũng, Điều 28 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái Pháp Luật của người tiến hành tố tụng dân sự, tố tụng hành chính gây ra trong các trường hợp: "1. Tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; 2. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu; 3. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu…".

Trao đổi với phóng viên , luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ cho biết quyết định giải quyết khiếu nại của TAND tỉnh Sóc Trăng theo hướng bác đơn của bà Ngọc là không đúng, bà Ngọc có quyền khởi kiện quyết định này và kiện TAND TP.Sóc Trăng để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo ông Đức, khi thẩm phán Bình ký quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời mà không yêu cầu bà Lẫm nộp tiền để thực hiện biện pháp bảo đảm là trái với Điều 120 Bộ Luật tố dụng dân sự.

Khi đã trái Luật, trái với Điểu 120 thì xem như thủ tục đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bà Lẫm là không hợp pháp.

"Khi thủ tục chưa hợp lệ, không hợp pháp thì rõ ràng thẩm phán đã ’tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời’. Điều này là vi phạm khoản 1 Điều 28 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nên TAND TP.Sóc Trăng phải có trách nhiệm bồi thường cho bà Ngọc khi có phát sinh thiệt hại mà nữ giám đốc chứng minh được", luật sư Đức nêu quan điểm.

Liên quan vụ việc, bà Ngọc đã gửi đơn tố cáo thẩm phán Bình đến Cơ quan điều tra VKSND Tối cao. Nơi đây đã thụ lý và đang củng cố hồ sơ để làm rõ.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật