Lợi nhuận ngân hàng: “cụt” vì nợ xấu

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với những quy định ngày càng khắt khe hơn trong việc đánh giá, phân loại, và trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu, lợi nhuận ngành ngân hàng chịu áp lực giảm rõ nét trong sáu tháng đầu năm.
Lợi nhuận ngân hàng: “cụt” vì nợ xấu
Ảnh minh họa

Thống kê sơ bộ kết quả kinh doanh quí 2 và sáu tháng đầu năm của ba ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) gốc quốc doanh và một vài ngân hàng TMCP có quy mô lớn khác hiện niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy bức tranh lợi nhuận không mấy khả quan. Điểm nổi bật nhất là lợi nhuận của đa phần các ngân hàng đều sụt giảm (mức độ nhiều ít tùy từng ngân hàng) và nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).

Cụ thể, kết quả khả quan nhất thuộc về VCB và STB với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khá ấn tượng. VCB đạt 1.057 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế (LNST) trong quí 2 và 2.223 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm, lần lượt tăng 22,3% và 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, STB cũng ghi nhận mức tăng trưởng LNST lên tới 34% trong quí 2 với 614 tỉ đồng, đưa mức LNST trong hai quí đầu năm lên tới 1.200 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Mặc dù các mức lợi nhuận này đều chưa đạt đến 50% kế hoạch năm nhưng cần lưu ý VCB và STB là hai trong số ít các ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2014 ở mức tương đương với chỉ tiêu của năm 2013 trong khi đa phần các ngân hàng khác đặt chỉ tiêu lợi nhuận năm nay thấp hơn nhiều so với mức này.

Ở chiều ngược lại, “quán quân” sụt giảm LNST trong quí 2 thuộc về BIDV với mức giảm lên tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái, EIB đứng thứ hai với mức giảm 41,5%, kế đến là ACB (giảm 21%), CTG (giảm 9,2%), MBB (giảm 7%). Do kết quả quí 2 không khả quan nên LNST của nhóm ngân hàng này trong sáu tháng đầu năm nhìn chung cũng có diễn biến giảm so với cùng kỳ mặc dù mức độ giảm đã được thu hẹp hơn.

Áp lực nợ xấu chưa dứt

Sự phân hóa trong kết quả kinh doanh của một số ngân hàng liệt kê ở trên xuất phát từ hai yếu tố chính: sự khác nhau trong tốc độ tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ gia tăng nợ xấu, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Các ngân hàng có tín dụng tăng trưởng tích cực trong hai quí đầu năm là STB với mức tăng 9,4% (gấp 2,5 lần mức tăng chung của toàn hệ thống); MBB với mức tăng 7,9% và VCB với mức tăng 6,6% đều có kết quả khả quan. Chiến lược của các ngân hàng này đã và đang có sự thay đổi nhất định khi dồn sức nhiều hơn cho mảng tín dụng cá nhân - lĩnh vực được coi là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng khi mảng tín dụng doanh nghiệp ách tắc.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng còn lại đang khá loay hoay với nhiệm vụ đẩy vốn ra như CTG trong sáu tháng đầu năm chỉ tăng trưởng tín dụng ở mức khiêm tốn 0,45%, ACB vốn được đánh giá là khá năng động cũng chỉ có mức tăng 3,3% (thấp hơn mức tăng chung toàn hệ thống); EIB thậm chí còn có tổng dư nợ sụt giảm 3,7% so với cuối năm 2013.

Ngoài nguyên nhân về tăng trưởng tín dụng, một nhân tố trọng yếu khác ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu năm nay là tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5), dẫn đến chi phí dự phòng rủi ro (DPRR) tăng cao. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của hầu hết các ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 6 đều tăng so với cuối năm 2013.

Một số ngân hàng tốt đã có tỷ lệ nợ xấu tiệm cận hoặc vượt mức 3% (ngưỡng xem xét bắt buộc phải bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản VAMC) như VCB (nợ xấu tăng từ 2,73% cuối năm 2013 lên 3,09% vào cuối tháng 6); ACB tăng từ 3% lên 3,6%; MBB tăng từ 2,46% lên 3,1%; EIB tăng từ 1,97% lên 2,94%. Các khoản nợ dần chuyển biến theo hướng “xấu hơn” cùng với việc tổng dư nợ cho vay không thể tăng trưởng mạnh là nguyên nhân trực tiếp khiến tỷ lệ nợ xấu ngày càng tăng.

Do áp lực phải soát xét báo cáo tài chính cuối quí 2 cộng với việc có sự thay đổi trong cách đánh giá, phân loại nợ theo hướng thắt chặt hơn kể từ ngày 1-6-2014 nên chi phí DPRR tín dụng của các ngân hàng đều có xu hướng tăng mạnh.

Thông tư 09 thay thế cho Thông tư 02 yêu cầu các ngân hàng phải thành lập hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ bao gồm các quy trình đánh giá khách hàng trên cơ sở cả định lượng lẫn định tính. Chất lượng các khoản nợ sẽ được xếp vào các nhóm tương ứng không chỉ dựa trên số ngày quá hạn thanh toán tiền gốc, tiền lãi mà còn căn cứ vào triển vọng kinh doanh, kế hoạch dòng tiền trong tương lai.

Việc trích lập các khoản DPRR theo Thông tư 09 cũng mở rộng đối tượng phải trích lập như trái phiếu VAMC (trích lập mỗi năm 20%), trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác hay các khoản trả thay các cam kết ngoại bảng.

Ngoài ra, đối với các khoản vay trên 200 tỉ đồng, các ngân hàng sẽ phải thuê tổ chức định giá độc lập mỗi năm một lần đánh giá lại giá trị tài sản đảm bảo theo nguyên tắc thị trường (không phải giữ nguyên theo giá trị sổ sách như trước đây). Tất cả các quy định theo hướng thắt chặt này dẫn đến một hệ quả tất yếu là chi phí DPRR tăng rất mạnh (trung bình trên 20%), khiến lợi nhuận của các ngân hàng đều co lại.

Tuy vậy, một điểm tích cực là sự sụt giảm trong lợi nhuận của các ngân hàng vào thời điểm cuối quí 2 đã phản ánh được phần nào sự khác biệt trong các tiêu chí đánh giá nợ giữa các quy định cũ như Quyết định 780 hay Thông tư 02 với quy định mới là Thông tư 09. Chỉ còn một số điểm chưa được phản ánh hoàn toàn.

Thứ nhất đó là quy định cho phép các ngân hàng được giữ nguyên phân loại nợ xấu với những khoản cho vay tốt đến hết năm 2014 thay vì phải điều chỉnh theo kết quả phân loại của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) ngay từ 1-6-2014.

Thứ hai là quy định kéo dài thời hạn cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm đối với các khoản nợ được cơ cấu lại đến ngày 1-4-2015, tuy nhiên việc này chỉ được thực hiện một lần duy nhất. Do vậy, khả năng nợ xấu sẽ còn tiếp tục có xu hướng tăng và sẽ dần được thể hiện một cách đầy đủ hơn trong thời điểm quí 1-2015.

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật