Hoa Kỳ: Cơn ác mộng Iraq

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc chiến tranh mà nước Mỹ phát động từ tháng 3-2003 để lật đổ ông Saddam Hussein đã tạo ra con quái vật Hồi giáo cực đoan, bất khả hủy diệt.
Hoa Kỳ: Cơn ác mộng Iraq
Tổng thống Mỹ Barack Obama

Ngày 7-8-2014, khi cho phép tấn công các ổ pháo của chiến binh Nhà nước Hồi giáo, tổng thống Mỹ một lần nữa lại nhúng chân vào vũng lầy Iraq. Ông là vị tổng thống thứ 4, sau Bush bố, Bush con và Bill Cinton, hành động quân sự tại đất nước mà tạp chí New York Times gọi là nấm mồ chôn tham vọng của người Mỹ.

Tuy nhiên, ông Obama đã bác bỏ quá lâu những lời kêu gọi can thiệp của phe Cộng hòa và cả trong đảng của mình, trong khi từ tháng 6-2014, các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo đã chiếm được một vùng lãnh thổ kinh hoàng, to bằng nước Jordanie, với 6 triệu dân, chỉ bằng tàn sát, đóng đinh và bắt cóc, trải dài từ ngoại ô Damas đến Baghdad, từ Jordanie đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Những con diều hâu ở Washington đã từng cảnh báo tổng thống. Khi chiếm được thành phố Mossoul, Al-Baghdadi, tên bạo chúa Attila của vùng Cận Đông chẳng phải chỉ là nắm trong tay một kho vũ khí, mà còn là một kho báu? Ít nhất 430 triệu đôla tiền mặt, đánh cướp từ ngân hàng trung ương Mossoul, lớn thứ nhì tại Iraq... Nhưng không ai tin vào sự vững bền của đạo quân này, ngày nay đang ở trước cửa thành phố Baghdad và Irbil, thủ phủ của người Kurdes. Người ta đánh giá thấp tổ chức của các chiến binh tận thế, và nhất là cuộc khủng hoảng chính trị, tôn giáo làm tê liệt nước Iraq. Thất bại khó tin đối với Hoa Kỳ, sau khi lật đổ được Saddam Hussein muốn biến Iraq thành một mô hình dân chủ tiên phong cho toàn vùng Trung Đông.

Phải chờ đến khi một nữ dân biểu thiểu số người gốc Yazidis, khóc nức nở mới làm cho ông Barack Obama động lòng, không thể quay mặt đi được nữa, đã quyết định tiếp tế lương thực và bắn tên lửa. Nhưng không phải do người Yazidis theo Kytô giáo bị diệt chủng, mà chính là vì thành phố Irbil của người Kurdes sắp thất thủ mới khiến cho Hoa Kỳ can thiệp. Để bảo vệ đồng minh, dĩ nhiên, nhưng cũng là bảo vệ lãnh sự quán Mỹ trong thành phố này, khỏi bị số phận của Benghazi năm 2012. Nó đã làm cho đại sứ John Christopher Stevens và 4 người Mỹ bị giết chết, khiến đối thủ của Obama xem ông ta là một kẻ... hèn nhát.

Can thiệp của Mỹ, được cả Luân Đôn và Paris hỗ trợ, lần này được giới hạn ở vai trò nhân đạo, ngoại giao và thành lập một chính phủ Liên hiệp quốc gia. Ông Haidar al-Abadi được chỉ định làm Thủ tướng từ ngày 11-8-2014. Nhưng Nouri al-Maliki, đã cai trị độc tài suốt 8 năm qua, có chịu chấp nhận? Phe đảng của ông ta có chịu hợp tác với chính phủ mới? Tân Thủ tướng có lãnh đạo được cộng đồng người Sunnite, trong khi bản thân thuộc Liên minh quốc gia Chiite trong quốc hội?

Ông Obama đã cảnh báo: cuộc chiến tranh nửa vời, đối với Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Cận Đông sẽ còn dài lâu. Đó là cách nói lấp lửng. Một lần nữa, chiếc bẫy Iraq đang khép lại phía sau lưng ông ta.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật