Ba huyện miền tây Nghệ An: Đua nhau phát rừng trồng bo bo

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thời gian gần đây, thấy có người tới địa phương thu mua quả bo bo với giá cao (sau đó bán lại cho thương lái Trung Quốc), người dân ở các huyện miền núi Nghệ An đã đua nhau phát rừng trồng loại cây này.
Ba huyện miền tây Nghệ An: Đua nhau phát rừng trồng bo bo
Một đại lý thu mua bo bo ở thị trấn Mường Xén, Kỳ Sơn (Nghệ An)

Theo một “nậu” thu mua quả bo bo quê ở huyện Diễn Châu từ hơn ba năm trước các thương lái Trung Quốc đã vào Nghệ An để thu mua loại quả này. Ban đầu chỉ mua ở khu vực huyện Con Cuông và Tương Dương. Hầu hết quả bo bo lúc đó đều được người dân đi hái trong rừng quốc gia Pù Mát giống như loài hoa quả dại, bán với giá 5- 7 nghìn đồng/kg.

Sau khi rừng đã “cạn” loài quả này nhưng trên thị trường vẫn mua với giá cao nên bà con chuyển sang trồng. Hai năm nay, không riêng gì huyện Con Cuông mà tại các huyện miền núi khác như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong... người dân cũng “đua nhau” trồng bo bo.

Quan sát của phóng viên, dọc tuyến đường từ Mường Xén vào Mường Lống của huyện miền núi Kỳ Sơn, người dân đang ồ ạt phát rừng để trồng bo bo. Ông Dềnh Bá Lồng, Phó Chủ tịch xã Huồi Tụ cho biết, xưa nay người dân địa phương xem loài quả này là loài quả dại nên không ai thèm để mắt tới. Nay thấy có người mua thì bà con vào rừng tìm hái để bán. Tuy nhiên, ở đây không ai biết người ta mua quả bo bo về để làm gì.

Chị Vừ Y Zềnh, một người dân xã Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn) cho biết, hôm nào trời mưa bà con thường vào rừng thu hái trên các nương rẫy, sau đó về luộc, rồi đốt củi sấy khô, hôm nào trời nắng thì phơi bất cứ chỗ nào, sau đó mới đem bán cho các thương lái.

Huồi Mú là một trong những bản có diện tích trồng cây bo bo nhiều nhất của xã Huồi Tụ. Gần 100 hộ dân, nhà nào cũng trồng và đi hái lượm quả bo bo. Chị Lầu Y Xồng, người dân bản địa cho biết, từ đầu vụ đến nay nhà chị thu hoạch được gần 10 tạ quả tươi và đã phơi khô, bán với giá 25.000 -30.000 đồng/kg. Mới đầu vụ nhưng gia đình chị Xồng đã thu nhập được trên cả chục triệu đồng.

Cũng nằm trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, bà con xã Tây Sơn thu hái được khoảng 40 tấn hạt bo bo để bán cho các “nậu”; bình quân mỗi hộ thu được trên 10 triệu đồng. Như hộ anh Vừ Xái Chù (người dân tộc Mông) ở bản Huồi Giảng 3, thu được 28 triệu đồng; anh Vừ Tồng Xanh, ở bản Huồi Giảng 1, thu được 25 triệu đồng...

Ông Bá Lỳ, cán bộ UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, hiện nay các thương lái đang ngày đêm đổ về các xã như: Mường Lống, Huồi Tụ, Na Loi, Na Ngoi, Đoọc Mạy, Keng Đu, Tây Sơn, Bảo Nam, Bảo Thắng… của huyện Kỳ Sơn để tìm mua quả bo bo. Sau khi chất đầy ô tô, họ chuyển về xuôi để tiếp tục sơ chế thêm một lần nữa rồi mới bán cho thương lái Trung Quốc.

Chị Trần Thị Huyền, một “nậu” thu mua bo bo có đại lý mang tên Huyền Hồng ở thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) cho biết, đây là một trong 4 đại lý lớn thu mua hạt bo bo ở huyện này; tuy nhiên cũng chỉ thu mua mang tính thời vụ. Năm trước đại lý này thu mua được 40 tấn quả bo bo khô, nhưng năm nay mới mua được 31 tấn. Sau khi thu mua xong lại nhập cho các “nậu” khác lớn hơn ở thị trường nội địa, sau đó họ mang đi đâu, làm gì thì không biết” - Chị Huyền nói.

Ông Bùi Trầm - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, huyện không đề ra chỉ tiêu hay kế hoạch để phát triển các diện tích cây bo bo. Các hộ dân nhận thấy lợi ích kinh tế nên chủ yếu phát triển một cách tự phát.

Theo một số nhà nghiên cứu địa phương, cây bo bo được đồng bào Thái gọi là “Mạc Cà”, còn đồng bào Mông gọi là “Chi Khầu”, thuộc họ gừng, thích hợp và sống dưới các tán là rừng, có độ cao trên 700m.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật